Cứ mưa lớn kéo dài là phải sơ tán
Hai ngọn núi này không quá cao nhưng độ dốc lớn. Ngay phía dưới chân núi là hơn 500 hộ dân của 3 xóm 3, 4, 5, xã Hưng Yên Nam sinh sống. Cách đây ít năm, sau những trận mưa lớn kéo dài, trên núi bất ngờ xuất hiện vết nứt vòng cung kéo dài hơn 100 m. Vết nứt rộng khoảng 40 - 50 cm, khá sâu. Gần đây, vết nứt có dấu hiệu kéo dài và lan rộng khiến người dân càng thêm lo lắng nguy cơ núi lở.
Ông Nguyễn Văn Huân (trú xóm 3) cho biết, tháng 10 năm ngoái, mưa lớn đã khiến đất đá trên núi bị sạt lở, kéo theo cây cối ập xuống nhà ông, gây sập mái khu chuồng trại chăn nuôi. Rất may, thời điểm đó cả nhà ông đã sơ tán nên không thiệt hại về người.
Đất đá và cây cối cũng đổ xuống vườn một hộ dân khác ở gần đó nhưng chưa làm đổ tường nhà. "Cứ có mưa lớn kéo dài là chúng tôi phải sơ tán đến ở nhà người thân cho đến khi hết mưa lũ mới dám về. Không ai dám ở trong nhà vì sợ núi lở. Mấy năm gần đây, năm nào cũng có sạt lở, rất nguy hiểm", ông Huân nói.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, phía trên 2 ngọn núi này, dấu vết các đợt sạt trượt đất đá vẫn đang khá mới. Đất đá sạt xuống khiến nhiều cây cối bị trơ rễ. Nhiều vị trí đang có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào nếu có mưa lớn. Phía bên dưới chân núi, rất nhiều căn nhà tựa lưng vào núi. Tại các điểm từng bị sạt lở và đang có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, chính quyền xã đã cho cắm các biển cảnh báo sạt lở để người dân đề phòng.
Căn nhà mới xây khang trang của anh Nguyễn Văn Tài (trú xóm 3) nằm ngay dưới chân núi Rú Rậm. Khá lo lắng khi mùa mưa bão đến, anh Tài cho biết, những đợt mưa vừa qua khiến một số mảng đất đá từ trên núi có dấu hiệu sạt xuống và gia đình anh sẽ phải đối mặt với nguy cơ sạt lở đất. Cách đó không xa, gia đình ông Lê Đình Tính (trú xóm 3) cũng đang sống trong thấp thỏm. Các đợt mưa của năm ngoái khiến đất đá trên núi liên tục sạt lở xuống và năm nay tình trạng có thể sẽ tái diễn. Trong vườn nhà ông vẫn còn nhiều tảng đá lớn nằm vất vưởng do các đợt sạt lở gây nên.
Sống chung với sạt lở
Ông Phan Anh Nam, Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam, cho biết hiện tượng sạt lở núi liên tục xảy ra trong những năm qua. Theo khảo sát của xã, có khoảng 30 hộ nằm ở khu vực có nguy cơ cao, thường xuyên bị ảnh hưởng từ các đợt sạt lở đất đá từ trên núi.
Cách đây ít năm, cơ quan chức năng đã cho xây dãy bờ kè đá cao hơn 2 m chạy quanh dưới chân núi để ngăn ngừa, hạn chế sạt lở. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều điểm đã có dấu hiệu bị đứt, đất đá sạt lở tràn xuống khiến kè đá bị đẩy xiêu vẹo.
Lãnh đạo xã Hưng Yên Nam thông tin thêm, nếu sạt lở nhiều thì kè đá này không thể ngăn được đất đá tràn xuống. Năm 2021, UBND H.Hưng Nguyên đã lập dự án chống sạt lở tại các khu vực này. Theo đó, dự án sẽ thi công cắt bớt phần đất trên đỉnh núi để giảm bớt áp lực từ phía trên, sau đó trồng cây tạo gắn kết đất và cảnh quan.
Dự án này ban đầu được người dân đồng tình. Tuy nhiên, sau đó người dân lại không đồng thuận với phương án này vì lo ngại ảnh hưởng đến cuộc sống. Đến nay, dự án chống sạt lở vẫn đang nằm trên giấy, chưa thể triển khai.
Hiện nay, mỗi khi có mưa lớn kéo dài, chính quyền xã phải cắt cử hàng chục người túc trực suốt ngày đêm tại các xóm dưới chân núi Rú Dày và Rú Rậm để theo dõi, kiểm soát tình hình sạt lở và canh giữ tài sản cho dân khi người dân sơ tán. "Cứ mùa mưa lũ đến là xã rất lo vì các khu vực này có nguy cơ cao sạt lở đất. Chúng tôi mong muốn cấp trên sớm có phương án chống sạt lở hiệu quả để người dân bớt lo lắng, yên tâm sinh sống", ông Nam nói.
Liên quan tới phương án chống sạt lở tại khu vực núi Rú Dày và Rú Rậm, ông Hoàng Anh Tiến, Phó chủ tịch UBND H.Hưng Nguyên, cho biết dự án chống sạt lở đã được phê duyệt. Tuy nhiên, do người dân chưa đồng tình với phương án chống sạt lở nên chưa thể triển khai.
Bình luận (0)