Hạnh phúc khi nhìn thấy học trò tốt hơn hôm qua

Thúy Hằng
Thúy Hằng
20/11/2023 12:06 GMT+7

Trường học hạnh phúc khi giáo viên (GV) hạnh phúc, cùng tạo nên những hoạt động, những tiết học thú vị cho các em học sinh.

Các GV chia sẻ với PV Báo Thanh Niên những điều khiến họ thấy hạnh phúc khi đi làm mỗi ngày.

Cô Võ Thị Mỹ Dung, GV Trường mầm non Anh Đào, Q.Gò Vấp, TP.HCM, một trong 50 nhà giáo vừa nhận giải thưởng Võ Trường Toản của ngành giáo dục TP.HCM dịp 20.11 năm nay, chia sẻ một trong những lý do khiến cô luôn yêu nghề, tâm huyết, gắn bó với trẻ với nghề suốt nhiều năm qua, đó chính là môi trường làm việc. "Ở Trường mầm non Anh Đào, tôi có các cô giáo trong ban giám hiệu nhà trường giỏi chuyên môn, tâm huyết, truyền cho chúng tôi tinh thần yêu trẻ, yêu nghề. Ở ngôi trường này, tôi cũng có những đồng nghiệp tâm lý, luôn hỗ trợ nhau vì công việc, vì cái chung", cô giáo Võ Thị Mỹ Dung nói.

Hạnh phúc khi nhìn thấy học trò tốt hơn hôm qua - Ảnh 1.

Cô Võ Thị Mỹ Dung, giáo viên Trường mầm non Anh Đào, Q.Gò Vấp, TP.HCM, trong hoạt động ở vườn trường

Thúy Hằng

Mỗi ngày đến trường, cô Dung luôn thôi thúc mình mang đến những niềm vui, sự háo hức cho các bé. Cảm giác hạnh phúc của cô được đo đếm bởi những tiến bộ, phát triển hằng ngày của các em, ngày hôm nay con đã ngoan hơn một chút so với ngày hôm qua. Tranh tô màu đã khéo hơn một chút, kỹ năng tự phục vụ tốt hơn một chút…

Đồng thời, theo cô giáo đạt giải thưởng Võ Trường Toản: "Trường mầm non hạnh phúc, trẻ em và giáo viên hạnh phúc thì cũng không thể thiếu sự đồng hành của cha mẹ trẻ".

Trường Giáo dục chuyên biệt 15/5, Q.11, TP.HCM, vừa khánh thành hôm 17.11. Chụp chung những tấm hình với các em học sinh 15, 16 tuổi nhưng có thể vẫn đang tập đọc, tập viết - thầy Ngô Hồng Minh Hà, GV của trường, nhìn các em rồi nhẹ nhàng nói: "Với tôi hạnh phúc chỉ là các con tiến bộ hơn một chút so với ngày hôm qua".

Hạnh phúc với thầy Hà là khi các học trò chuyên biệt có thể tự xúc cơm ăn mà không cần thầy phải bón cho. Hạnh phúc là khi học trò có thể chủ động đi vệ sinh, không còn đi ra quần áo. Hạnh phúc khi hôm nay em đã nói được nhiều từ hơn hay nhớ được nhiều chữ cái hơn. Hạnh phúc, là ngồi dưới hội trường, lắng nghe cậu học trò cất tiếng hát tròn vành, rõ chữ, dù nhiều đoạn có lệch tông. Hạnh phúc, là khi học trò khuyết tật 18 tuổi, ra trường rồi, không được học trường chuyên biệt nữa, các em đã vững những kỹ năng tự phục vụ trong cuộc sống, để ba mẹ em đỡ nhọc nhằn…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.