Đó cũng là khoảng thời gian bệnh nhân 91 (BN91) phải chiến đấu để sinh tồn, bước qua “cửa tử”, với sự nỗ lực của các y bác sĩ (BS).
Có lúc tưởng không cứu được
Theo BS Nguyễn Thanh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM, ngày 17.3, BN91 khởi phát sốt sau 4 ngày vào bar Buddha ở Q.2, TP.HCM (bar Buddha được xác định là “ổ dịch” Covid-19 với 18 người mắc liên quan đến nơi này).
Ngày 18.3, BN91 đến BV Bệnh nhiệt đới khám trong tình trạng sốt cao, ho nhiều, đau ngực, mệt và khó thở. Xác định đây là ca thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 cao nên BV cách ly, xét nghiệm (XN). Kết quả XN trong đêm 18.3 khẳng định BN91 nhiễm Covid-19 với tải lượng vi rút rất cao.
BN91 có 2 yếu tố liên quan gây khó khăn cho điều trị: dư cân và rất dễ dị ứng với tất cả các loại thuốc, huyết tương; nhận định BN91 sẽ diễn tiến nặng ngay từ lúc nhập viện và là ca bệnh nặng nhất trong các ca bệnh Covid-19 nặng ở Việt Nam. Và cũng từ ngày đầu nhập viện, BN91 đã được thở ô xy, sau đó thở không xâm lấn.
Theo BS Nguyễn Thanh Trường, sau đó BN diễn tiến nặng, biến chứng nặng kéo dài 50 ngày, với các biến chứng ARDS (suy hô hấp cấp tiến triển nhanh), “cơn bão cytokine ào ạt”, vi huyết khối, xuất huyết - rối loạn đông máu nặng, suy đa tạng (tổn thương thận, tổn thương gan), nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng máu...
“Biến chứng này tiếp nối biến chứng khác, sự sống - chết của BN91 chỉ trong gang tấc, có lúc sự sống gần như là không còn và nếu “buông” thì BN91 ra đi. Nhưng BV Bệnh nhiệt đới can thiệp khẩn trương nhất nhằm duy trì sự sống cho BN91”, BS Thanh Trường kể lại.
BN91 được chỉ định thở máy ngày 5.4, khi biện pháp hỗ trợ hô hấp không xâm lấn không hiệu quả. Lúc này, BN91 cùng lúc được sử dụng 5 loại thuốc an thần để ngủ sâu nhằm đảm bảo thở máy, điều trị đạt hiệu quả tốt nhất.
Tuy nhiên, thở máy cũng không làm sức khỏe BN cải thiện. Nếu thở máy không hiệu quả và cố điều chỉnh những thông số trên máy thì phổi BN “tiêu”. Do vậy, ngày 6.4, các BS quyết định đặt ECMO (ô xy hóa máu màng ngoài cơ thể) nhằm để phổi BN91 nghỉ ngơi. Cũng trong ngày 6.4, BN91 bị suy đa tạng nên BS chỉ định lọc máu, nhằm rút bớt dịch chủ động tránh gây phù phổi (do BN truyền rất nhiều dịch).
Song song đó, BN91 xuất hiện “cơn bão cytokine” ào ạt. Theo BS Thanh Trường, cytokine là loại hoạt chất sinh ra trong quá trình phản ứng viêm của cơ thể. Nồng độ cytokine trong cơ thể càng tăng cao thì bệnh diễn tiến càng nặng, nguy cơ tử vong cao. Một trong những phương pháp loại bỏ cytokine là lọc máu với quả lọc hấp phụ cytokine (quả lọc này rất đắt tiền).
Ngày 24.4, BN được chỉ định mở khí quản để tiếp tục thở máy nhằm đảm bảo đường thở trên hoạt động tốt, chống phù nề, viêm nhiễm.
|
“Biệt đội Covid-19”
Sau nhiều lần XN lại âm tính, lại dương tính Covid-19, từ ngày 7.5, vi rút đã sạch trong các mẫu bệnh phẩm cơ thể BN91. Theo BS Thanh Trường, kể từ đây, BN91 xuất hiện những dấu hiệu hồi phục, những biến chứng lui dần và được kiểm soát tốt. Phổi hồi phục từ 10% lên 20%. Chức năng hô hấp cải thiện tốt. Lúc này, BN91 được tập cai dần các máy thở, ECMO và giảm dần thuốc an thần để dần tỉnh lại.
“Khoa hồi sức của BV Bệnh nhiệt đới có hơn 60 nhân viên chăm sóc cho 20 BN. Nhưng BV đã “biệt phái” 20 người gồm 4 BS, 16 điều dưỡng trực chiến 24/24 để cứu BN91. Nên 20 người này (BS, điều dưỡng) được BV gọi là biệt đội Covid-19”, BS Thanh Trường chia sẻ.
Có lúc sự sống gần như là không còn và nếu “buông” thì BN91 ra đi. Nhưng BV Bệnh nhiệt đới can thiệp khẩn trương nhất nhằm duy trì sự sống cho BN91BS Nguyễn Thanh Trường, Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM |
Theo BS Thanh Trường, một trong những điều ít ai biết được là BN nhiễm Covid-19 không ăn được do thay đổi vị giác. Có một BN nói với BS là uống nước suối mà giống như uống… nước ngọt. BN91 cũng không ngoại lệ nên mỗi bữa ăn, các y BS phải “ép” BN91 ăn. Việc chăm sóc BN91 như chăm… con mọn.
Ngày 22.5, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, BN91 được chuyển qua BV Chợ Rẫy nhằm chuẩn bị phương án ghép phổi nếu tình trạng tổn thương phổi không tiến triển tốt thêm.
Hồi tỉnh
BS Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (ICU), BV Chợ Rẫy (là BS điều trị cho BN91), cho biết trước khi đón BN91 về, BV đã lên phương án xây dựng phòng cách ly đặc biệt, đảm bảo vô khuẩn. Xây dựng phương án vận chuyển, nhân sự, trang thiết bị... Khi BN về thì có BS điều trị hằng ngày và 2 điều dưỡng luôn túc trực.
Theo BS Thanh Linh, lúc BN91 về Chợ Rẫy tình trạng còn rất nặng, phụ thuộc vào máy thở và ECMO, phổi hồi phục khoảng 20 - 30%. Lúc này, Tiểu ban điều trị quốc gia xác định BN đã âm tính Covid-19 nên chuyển về BV Chợ Rẫy, nơi có nhiều chuyên khoa để phối hợp điều trị, tăng cơ hội hồi phục cho BN. BV tập trung toàn lực 1 tuần thì hô hấp BN91 cải thiện, phổi khá lên, ô xy máu cũng cải thiện. “Chúng tôi tập trung hội chẩn chuyên gia nhiều chuyên khoa nhiễm, hô hấp, huyết học, thận, vật lý trị liệu...”, BS Thanh Linh nói.
Trong điều trị cho BN91, chăm sóc điều dưỡng không chỉ là thực hiện thuốc mỗi ngày mà còn cả tâm lý trị liệu. Khi BN tỉnh thì cố gắng nói chuyện, động viên BN. Kết hợp BS dinh dưỡng để cải thiện dinh dưỡng cho BN91 phục hồi sức cơ. Theo dõi xuyên suốt mức độ nhiễm trùng, phác đồ điều trị và kiểm soát được nhiễm trùng thì phổi BN91 cải thiện.
Sau 1 tuần về BV Chợ Rẫy, BN đáp ứng thuốc, chức năng thận ở mức cho phép. Đặc biệt khi ngừng thuốc an thần, giãn cơ thì BN91 đã tỉnh và ho, khạc được.
Từ đó BS cho giảm dần các thông số máy thở, ECMO nhằm tiến tới cai máy thở. Đến nay BN91 không còn phải thở máy, phổi hồi phục trên 60%. Tuần này sẽ chụp CT Scanner lại...
Vậy BN91 có cần ghép phổi? Theo BS Linh, có những BN hồi phục phổi trên 50% nhưng còn phụ thuộc vào máy thở thì không thể bỏ máy thở và sẽ phải cân nhắc thay phổi mới. Nếu BN hồi phục trên 60% và ho, khạc tốt thì cơ hội sẽ hồi phục từ từ, bỏ máy thở thì sẽ không cần ghép phổi. Với BN91, thời điểm này không nghĩ đến ghép phổi, tuy nhiên vẫn cần theo dõi.
“Sự hồi phục của BN91 là nỗ lực rất lớn không chỉ từ phía BV Chợ Rẫy mà của các chuyên gia cả nước. Đặc biệt là sự duy trì tính mạng của BN91 từ BV Bệnh nhiệt đới trước đó. Nếu ở giai đoạn nặng nhất mà BV Bệnh nhiệt đới không duy trì được tính mạng BN91 thì đến nay BN91 khó có thể tỉnh táo và tiến triển mỗi ngày tốt hơn như vậy”, BS Thanh Linh nhận định.
Theo BS Thanh Linh, do BN91 nằm kéo dài, phải dùng rất nhiều thuốc... nên các cơ teo nhiều. Do đó cần điều trị kết hợp với vật lý trị liệu để cải thiện sức cơ, đặc biệt là cải thiện sức cơ hô hấp để BN91 ho, khạc, giúp tống các đàm từ phổi ra, góp phần để phổi nở ra và hồi phục nhanh hơn.
|
Bình luận (0)