'Hạt nhân' tiên phong cách mạng 4.0 mong muốn gì?

04/10/2019 01:29 GMT+7

Để tận dụng được cơ hội vàng của cuộc cách mạng 4.0 , ngoài thay đổi thể chế , chính sách , các ý kiến cũng cho rằng VN phải có được lực lượng doanh nghiệp hùng hậu về công nghệ - viễn thông, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Đây cũng chính là lý do mà Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 đã khai mạc tại Hà Nội vào ngày 3.10 quy tụ được rất nhiều doanh nghiệp (DN) lớn như: VNPT, Viettel, Qualcomm, FPT, Vietcombank, ABB, Samsung, SAP, CMC... với các công nghệ tiêu biểu bao gồm thiết bị 5G, công nghệ cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, robot Yumi.
Với tư cách là DN khởi nghiệp đang đầu tư sâu các công nghệ 4.0, Giám đốc Tập đoàn Be Group Trần Thanh Hải cho biết, ông rất vui mừng khi Bộ Chính trị ra Nghị quyết 52. Ông cũng đánh giá vai trò của Chính phủ là cực kỳ quan trọng để giúp VN ngày càng có nhiều DN lớn mạnh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Trần Thanh Hải đề xuất Chính phủ cần có các chính sách kích thích đầu tư sâu và rộng các lĩnh vực cơ sở dữ liệu lớn, máy học, trí thông minh nhân tạo. Ngoài ra, để hiện thực hóa Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, đất nước phải có đầy đủ nguồn lực về con người và nền tảng nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng toàn dân. Cụ thể, cần có các chính sách thuế thu nhập cá nhân cho các nhân sự ngành hoặc ưu đãi thuế cho các DN đang đầu tư sâu.
“Qua đây có thể kêu gọi khối DN tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các ứng dụng sáng tạo và đầu tư vào các nền tảng công nghiệp 4.0. Qua đó chia sẻ hệ sinh thái để tận dụng toàn bộ nguồn lực xã hội”, ông Trần Thanh Hải đề xuất.
Theo Tổng giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng, hạ tầng viễn thông sẽ là nền tảng cho chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0. Để xây dựng kinh tế số, một xã hội thông minh thì phải tạo ra hàng trăm triệu kết nối vạn vật, kết nối dữ liệu siêu lớn, phát triển các siêu ứng dụng số. “Điều đó yêu cầu phải có một hạ tầng viễn thông siêu băng rộng và độ tin cậy siêu cao”, ông Dũng nói và cho rằng, hạ tầng viễn thông cần được xây dựng đi trước một bước, tức là ngay thời điểm hiện tại phải có mọi điều kiện pháp lý xây dựng mạng 4G và 5G như giấy phép thiết lập mạng, tần số vô tuyến, giấy phép xây dựng hạ tầng thụ động. Do đó, việc cấp giấy phép nhanh chóng và kịp thời là điều quan trọng nhất vào thời điểm hiện tại. Ông Dũng đề xuất phương án cấp giấy phép nhanh gọn, đồng thời nên tạo điều kiện để DN nào mạnh, có đủ nguồn lực được thực hiện trước, DN nào mới có thể đi sau một chút.
Cũng theo ông Dũng, hạ tầng quan trọng như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tài nguyên quốc gia... đang triển khai chậm và đề xuất cần nhanh chóng giao cho các DN có đủ điều kiện, đủ năng lực tài chính, con người và công nghệ để thực hiện các dự án này. “Để tránh đầu tư lãng phí, Bộ TT-TT có thể đóng vai trò giám sát, bắt buộc các DN phải tập trung đầu tư vào những công nghệ tiên tiến nhất như mạng 4G, 5G, ảo hóa, cloud...”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa VN, nhận định cốt lõi của cuộc cách mạng 4.0 nằm ở chuyển đổi số. Trong đó trụ cột là chuyển đổi số DN và chuyển đổi số trong các cơ quan quản lý. Thực tế cho thấy các DN tại VN đang "loay hoay" trong công cuộc chuyển đổi số và đều không biết phải bắt đầu từ đâu. Chuyên gia này khuyến nghị, các DN cần quan tâm chuẩn bị cho cơ sở vật chất, trang thiết bị có phù hợp hay không; chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. DN cũng cần cân nhắc lựa chọn sản phẩm, công nghệ cho phù hợp. Sau khi lựa chọn, cần số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu cho hoạt động DN của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.