Hãy cho Khu liên hợp thể thao quốc gia cơ chế đặc biệt

02/01/2023 09:13 GMT+7

Khi ngành thể thao không thể tự giải quyết vụ nợ thuế lên đến hơn 1.000 tỉ đồng của Khu liên hợp thể thao quốc gia, các cấp có thẩm quyền nên có cơ chế đặc biệt để giúp đơn vị này tháo gỡ khó khăn.

Nợ phát sinh liên tục

Trong năm 2022, Khu liên hợp thể thao quốc gia (viết tắt khu liên hợp) phải gánh chịu hai sự cố lớn. Thứ nhất là bị một đối tác cũ (công ty từng ký hợp đồng liên doanh liên kết với khu liên hợp thời ông Cấn Văn Nghĩa còn giữ chức giám đốc, trước khi về hưu vào tháng 8.2018) kiện ra tòa với lý do khu liên hợp tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê mặt bằng. Điều đáng chú ý, đối tượng bị kiện lại không phải cựu giám đốc mà là giám đốc đương nhiệm dù ông này không có trách nhiệm liên đới. Hiện vụ kiện phải tạm dừng vì tòa yêu cầu các bên thu thập thêm chứng cứ để xử tiếp vào năm 2023.

Vụ việc thứ hai là vào giữa năm ngoái, khu liên hợp bị cơ quan thuế cưỡng chế hóa đơn do nợ thuế kéo dài, với số tiền hơn 848 tỉ đồng. Xin được nói rõ hơn vào quý 3/2021, trong kết luận về thanh tra toàn diện khu liên hợp, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu khu liên hợp phải nộp ngân sách nhà nước số tiền thuê đất phải nộp và số tiền chậm nộp giai đoạn 2009 - 2018 của các khu đất đã giải phóng mặt bằng đang chờ thực hiện dự án ở khu liên hợp quốc gia nhưng được sử dụng cho thuê mặt bằng, với số tiền tạm tính hơn 653 tỉ đồng. Tính từ cuối năm 2021 đến thời điểm cơ quan thuế tiến hành cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn (tháng 6.2022) đối với khu liên hợp, khoản nợ đã phát sinh 190 tỉ đồng, trở thành món nợ xấu 848 tỉ đồng như đề cập ở trên. Tiền nợ phát sinh tính đến hết năm 2022 lên đến con số hơn 1.000 tỉ đồng và nếu khu liên hợp không trả theo đúng yêu cầu của cơ quan thuế với hạn cuối cùng là tháng 6.2023, khoản nợ xấu trong 6 tháng tới sẽ tiếp tục “đạt” đến con số 1.500 tỉ đồng.

Sân Mỹ Đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi vấn đề nợ thuế của khu liên hợp

THÁI NINH

Tiền nợ còn cao hơn tiền đầu tư cho ngành thể thao

Theo quy định của luật Quản lý thuế số 38, trong các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, không có biện pháp tịch thu tài sản và bán đấu giá như lo ngại của ngành thể thao. Tuy nhiên trong bối cảnh mỗi năm thể thao VN được nhà nước đầu tư trung bình chưa đạt đến con số 1.000 tỉ đồng (cụ thể gần 600 tỉ đồng năm 2019, gần 800 tỉ đồng năm 2020, gần 860 tỉ đồng năm 2021) thì khoản nợ thuế “khổng lồ” của khu liên hợp thực sự gây nhức nhối. Cựu giám đốc khu liên hợp với những sai phạm trong điều hành và quản lý đơn vị suốt quãng thời gian 9 năm, gần đây đã phải nhận hình thức xử lý ở mức khiển trách từ Bộ VH-TT-DL. Tuy nhiên, hậu quả từ những sai phạm cá nhân đã gây ra cho ngành thể thao nói chung và khu liên hợp nói riêng tính đến thời điểm này, phải khẳng định là rất nghiêm trọng. Mọi thứ đều chưa có lối ra, nếu không muốn nói đang lâm vào thế bế tắc hoàn toàn.

Ông Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết thời gian qua, ngành thể thao đã “gõ cửa” nhiều cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Tài chính để xin được “khoanh vùng” khoản nợ xấu, tránh phát sinh. Nhưng chia sẻ với Báo Thanh Niên, đại diện của các cơ quan thuế và cơ quan tài chính đều cho hay không thể đặc cách hướng xử lý cho khu liên hợp. Đơn vị này nợ thì phải trả. Càng để lâu, nợ càng lớn theo đúng quy định của nhà nước về quản lý thuế. Không trả thì bị phong tỏa tài khoản và bị cưỡng chế hóa đơn.

Lãnh đạo khu liên hợp cho biết: “Nguồn tài chính của chúng tôi đã hoàn toàn cạn kiệt, không có khả năng trả nợ thuế. Khu liên hợp nhiệm kỳ cũ đã để lại ngân khố rỗng, và hiện tại chúng tôi rất bế tắc. Chúng tôi tha thiết mong các cấp có thẩm quyền có sự điều chỉnh về cơ chế quản lý khu liên hợp. Đồng ý cho chúng tôi thực hiện tiếp tục các hợp đồng liên doanh liên kết cũ hoặc ký mới. Là đơn vị được giao nhiệm vụ phải tự chủ hoàn toàn, nếu không cho phép chúng tôi ký hợp đồng liên doanh liên kết, hoặc chúng tôi không được phép khai thác các mặt bằng sẵn có - những mặt bằng không ảnh hưởng đến các dự án thể thao, thì khu liên hợp vừa không có nguồn thu và dĩ nhiên càng không có nguồn để trả nợ thuế. Khu liên hợp phải chắt bóp từng đồng để trả lương cho cán bộ công nhân viên. Tiền chăm sóc mặt sân Mỹ Đình và các hạng mục khác của khu liên hợp cũng không thể dư dả bởi làm gì có mà dư dả, nợ còn đang chồng nợ chưa biết đến bao giờ mới có hồi kết”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.