Báo Chosun Ilbo hôm qua loan tin CHDCND Triều Tiên đã thử nghiệm động cơ của một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ngay trước khi thử hạt nhân lần 3 vào ngày 12.2. Tên lửa này được cho là KN-08 có tầm bắn 5.000 - 6.000 km, đủ sức vươn tới bang Alaska và Hawaii của Mỹ. Nó từng được giới thiệu trong chương trình diễu binh vào ngày 15.4.2012 mừng sinh nhật lần thứ 100 của Chủ tịch Kim Nhật Thành. Tuy nhiên, KN-08 khi đó bị cho là mô hình chứ không phải đồ thật. Theo phán đoán, loại tên lửa này dài 18 m và có đường kính 2 m. Như thế, so với tên lửa Musudan mà Triều Tiên đã đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, KN-08 dài hơn 6 m và dày hơn 50 cm.
|
100 bệ phóng di động
Khi xuất hiện vào ngày 15.4.2012, KN-08 nằm trên một bệ phóng di động bằng xe tải 16 bánh được cho là do Trung Quốc sản xuất. Chosun Ilbo ngày 14.2 dẫn nguồn tin của chính phủ Hàn Quốc cho hay các cơ quan tình báo nước này và Mỹ nhận định Triều Tiên nhiều khả năng có đến 100 bệ phóng di động cho tên lửa đạn đạo tầm trung trở lên. Cụ thể, Bình Nhưỡng có từ 27-40 bệ phóng di động cho tên lửa Scud tầm bắn từ 300 - 1.000 km; con số tương tự cho tên lửa Rodong tầm bắn 1.300 km và 14 bệ phóng cho tên lửa Musudan tầm bắn 3.000 - 4.000 km. Ngoài ra, CHDCND Triều Tiên hiện có đủ các loại hỏa tiễn như tên lửa đạn đạo, tên lửa chống tàu chiến và cả tên lửa hành trình tầm xa. Theo chuyên trang quân sự Global Security, Bình Nhưỡng được cho là sở hữu khoảng 200 tên lửa Hwasong-5, 400 tên lửa Hwasong-6 (tầm bắn 300 - 700 km). Nước này cũng không thiếu tên lửa tầm xa với Nodong-1 (tầm bắn 1.300 - 1.600 km), Nodong-2 (tầm bắn lên đến 2.000 km) cùng Taepodong-1, Taepodong-2 đạt tầm bắn từ 4.000 - 6.000 km. Bên cạnh đó, Triều Tiên còn có khoảng 640 tên lửa Scud và từ 150-250 tên lửa Rodong, đủ để đưa mọi mục tiêu ở Hàn Quốc vào tầm ngắm.
Theo giới chuyên gia, Hàn Quốc và Mỹ sẽ rất khó phát hiện để tấn công những bệ phóng di động của Triều Tiên vì chúng luôn thay đổi vị trí. Thậm chí, khi đã phát hiện thì chưa hẳn đã phá hủy thành công. Chosun Ilbo dẫn lời Giáo sư Kim Yul-soo tại Đại học Sungshin ở Seoul nhận định: “Thật khó phát hiện bệ phóng di động và nếu làm được thì có lẽ chúng đã di chuyển trước khi khai hỏa tên lửa đánh chặn”. Trong chiến tranh vùng Vịnh hồi năm 1991, chiến đấu cơ Mỹ xuất kích tới 1.460 lần để săn tên lửa Scud của Iraq nhưng kết quả phân tích cuối cùng chỉ ra không bệ phóng nào bị phá hủy hoàn toàn.
Hệ thống tiêu diệt 30 phút
Nhằm ứng phó tên lửa Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 13.2 thông báo vừa cùng Mỹ lập kế hoạch đẩy mạnh phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa mới. Theo báo The Korea Herald, hệ thống này cho phép xác định tên lửa Triều Tiên để đưa ra quyết định có tấn công hay không chỉ trong vòng 30 phút. Lúc đầu, Hàn Quốc và Mỹ dự định phát triển hệ thống trên từ nay tới năm 2015. Tuy nhiên, sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa đẩy vệ tinh hồi tháng 12.2012 và thử hạt nhân lần 3 mới đây, thời hạn này có thể sẽ được rút ngắn.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc còn tuyên bố sẽ tăng tốc phát triển một hệ thống phòng không KAMD. Ngoài ra, Yonhap dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok ngày 14.2 thông báo Seoul vừa phát triển một loại tên lửa hành trình có thể tấn công chính xác tất cả trụ sở chỉ huy của Triều Tiên. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc không công bố về tầm bắn của nó. Mặt khác, giới chức Hàn Quốc tiết lộ vừa lắp tên lửa hành trình có tầm bắn 500 - 1.000 km trên một số chiến hạm của nước này. Theo The Korea Herald, dự kiến vào ngày 21.2, quan chức Hàn - Mỹ sẽ họp tại Washington bàn về hợp tác do thám để phát hiện những dấu hiệu tấn công hạt nhân của Triều Tiên và điều kiện thích hợp để đánh phủ đầu miền Bắc. Trong một diễn biến khác, Trung Quốc ngày 18.2 bác bỏ thông tin Bắc Kinh được Bình Nhưỡng thông báo trước về vụ thử hạt nhân lần 3.
Văn Khoa
>> Triều Tiên thử động cơ tên lửa trước khi thử hạt nhân
>> Hàn Quốc trình làng tên lửa hành trình “tấn công lãnh đạo Triều Tiên”
>> Hàn Quốc tăng cường phát triển tên lửa chống Triều Tiên
>> Hàn Quốc phóng tên lửa thành công
>> Báo chí Mỹ - Trung khẩu chiến vì vấn đề Triều Tiên
>> Triều Tiên “có thể tiếp tục thử hạt nhân”
>> Tình hình bán đảo Triều Tiên vẫn căng
>> Chấn động vì Triều Tiên thử hạt nhân
Bình luận (0)