Hệ thống dịch vụ trợ giúp tâm lý còn nhiều khoảng trống

Thu Hằng
Thu Hằng
10/04/2021 06:16 GMT+7

Sau khi Thanh Niên đăng tải loạt bài Báo động sang chấn tâm lý , các chuyên gia đã bày tỏ nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết.

Mặc dù Việt Nam đã triển khai các mô hình phòng tư vấn tâm lý học đường, nhưng dịch vụ hỗ trợ về tâm lý, sức khỏe tâm thần dành cho những người bị sang chấn tâm lý còn nhiều hạn chế.

Chưa có hotline trợ giúp người trầm cảm

Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Khắc Dũng, Bệnh viện (BV) Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), tại Việt Nam, sức khỏe tâm thần là vấn đề hết sức tế nhị, thậm chí bị kỳ thị. Khi người nào đó có vấn đề, họ cũng ngại đến phòng y tế chuyên khoa; trong khi nhiều trường hợp lại không biết vấn đề của mình là gì.

14 triệu người mắc các bệnh về rối loạn tâm thần

Tại hội thảo xây dựng kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và các rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, ước tính khoảng 15% dân số Việt Nam (tương đương 14 triệu người) mắc các bệnh về rối loạn tâm thần.
“Các phòng tư vấn tâm lý ở các trường học đã có, nhưng hiệu quả hay không thì còn nhiều vấn đề cần phải bàn. Còn các trung tâm tư vấn tâm lý tư nhân, giá dịch vụ tư vấn khá cao, từ 500.000 - 1 triệu đồng/giờ. Đây là rào cản cho người bệnh khi cần hỗ trợ. Tại sao chúng ta không thiết lập số hotline (đường dây nóng) hỗ trợ những người đang gặp phải các vấn đề về tâm lý, trầm cảm?”, BS Dũng nêu.
BS Dũng cho rằng, hiện nay đã có các số hotline 111 hỗ trợ trẻ em, 113 gọi công an, cảnh sát, 115 gọi cấp cứu y tế... thì cũng nên có số hotline cho các vấn đề sức khỏe về tâm thần, điều trị tâm lý. Những hotline này cũng được quản lý và kết nối bởi các chuyên gia tâm lý, các BS chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Đồng tình, PGS-TS Phạm Mạnh Hà, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), bày tỏ: “Bản thân người bị trầm cảm rất khó khăn khi kết nối với một ai đó để giúp mình, dù họ có nhu cầu và rất muốn, nhưng để đến tận nơi là khó. Do vậy, cần phải có đường dây nóng để hỗ trợ những người bị trầm cảm. Có thể chỉ một cuộc nói chuyện qua điện thoại cũng đã góp phần trực tiếp cho cá nhân đó suy nghĩ lại hành vi của mình, có thêm cơ hội để cứu một con người”.
PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam, cũng nhấn mạnh: “Thiết lập đường dây nóng để ngăn chặn tự tử là hoàn toàn phù hợp mô hình xã hội hiện đại”.

Nâng chất lượng dịch vụ trợ giúp tại địa phương

Để hỗ trợ và can thiệp sớm đối với những người bị trầm cảm, sang chấn tâm lý, ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết cuối năm 2020, Thủ tướng đã có quyết định phê duyệt chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí (RNTT) dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2021-2030. Một trong những đối tượng được quan tâm hỗ trợ là người bị rối loạn stress sau sang chấn tâm lý.
Về mặt giải pháp, trong giai đoạn này, theo ông Hồi, Bộ LĐ-TB-XH cũng sẽ hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng đối với người tâm thần, người RNTT; chính sách BHYT cho các đối tượng này; đồng thời phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ phát hiện sớm, điều trị, trị liệu và phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ và người bị RNTT theo quy định của pháp luật. Giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm hỗ trợ xây dựng tối thiểu 2 mô hình cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người RNTT. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trợ giúp xã hội, giáo dục và phục hồi chức năng, đạt yêu cầu ngang bằng chuẩn đào tạo của các nước trong khu vực nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về lĩnh vực sức khỏe tâm thần.
“Mục tiêu của chương trình là huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng, nhằm tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, người RNTT hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống; sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa người RNTT, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội đối với người tâm thần và người RNTT”, lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.