Tháng 11.2017, bà con ở hẻm 39 đường Bùi Văn Ba, KP.2, P.Tân Thuận Đông, Q.7, TP.HCM được tổ dân phố mời họp để vận động hiến đất mở rộng hẻm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bảy, một hộ dân ở cuối hẻm này, trình bày với Thanh Niên: “Chúng tôi chỉ nghe nói chứ không thấy thông báo, công văn, giấy tờ gì về việc vận động hiến đất. Sau đó cũng có các cơ sở sản xuất, trường học hiến đất, đập tường rào. Riêng chúng tôi là những hộ có hoàn cảnh khó khăn, chỉ có nhà đất là tài sản quý giá mà nhà nước không đền bù thì chúng tôi lấy kinh phí đâu để tháo dỡ tường rào”.
Do có hộ hiến đất, hộ không nên nơi nào đã hiến đất thì hẻm được nâng cấp, sạch đẹp, nơi chưa hiến đất thì nhếch nhác. Con hẻm ngắn nhưng giờ trông rất kỳ quặc, đoạn rộng đoạn hẹp, đoạn cao đoạn thấp. Trời mưa, những đoạn chưa nâng cấp nước ngập lênh láng.
tin liên quan
Lang thang ngõ ngách Hà Nội - Kỳ 1: Người ta sống sao ở ngõ siêu nhỏ Phố cổ?Hẻm 39 Bùi Văn Ba thông với khu chế xuất Tân Thuận (có cửa đóng mở do chính quyền quản lý) nên người dân trong hẻm ai cũng buôn bán, phục vụ công nhân qua lại. Từ khi một số hộ dân không đồng ý hiến đất, nâng cấp hẻm thì cánh cổng này đóng liên tục khiến bà con buôn bán ế ẩm, đi lại khó khăn.
“Chính quyền làm vậy để ép chúng tôi phải hiến đất, nếu không sẽ đóng cổng, công nhân không đi lại, lưu thông thì chúng tôi sẽ mất kế sinh nhai. Chúng tôi muốn biết sau khi toàn hẻm hiến đất, và hẻm đã nâng cấp thì cổng này có luôn mở để chúng tôi buôn bán hay không”, một hộ dân thắc mắc.
Ông Cao Quốc Bình, Chủ tịch UBND P.Tân Thuận Đông, cho biết: “Toàn quận và P.Tân Thuận Đông hiện có rất nhiều tuyến hẻm hình thành tự phát, chật hẹp, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường… cần phải nâng cấp. Trong khi đó, nguồn ngân sách nhà nước có hạn nên Quận ủy Q.7 có Nghị quyết số 03-NQ/QU năm 2015 đề ra kế hoạch mỗi năm nâng cấp một hẻm.
Theo đó, sẽ vận động nhân dân cùng chung sức, hiến đất, tự tháo dỡ, di dời công trình, bàn giao mặt bằng, UBND quận sẽ đầu tư nâng cấp hẻm với 100% kinh phí ngân sách quận. Hiện hẻm 39 Bùi Văn Ba mới có 21 trong tổng số gần 30 hộ đã bàn giao mặt bằng, có mặt bằng đến đâu thi công đến đó nên xảy ra tình trạng hẻm chưa được đẹp”. Vậy với những hộ dân không hiến đất thì chính quyền xử lý như thế nào, chúng tôi đặt câu hỏi. Ông Cao Quốc Bình khẳng định sẽ tiếp tục vận động bà con, nếu không được sẽ báo cáo UBND Q.7 xin chỉ đạo giải quyết.
Nâng cấp, mở rộng hẻm là có lợi cho dân, nhất là các hộ có nhà trong hẻm. Tuy nhiên, để không xảy ra tình trạng nửa vời như trên thì công tác vận động, thuyết phục người dân cần được chú trọng. Nếu người dân có hoàn cảnh khó khăn thì phải xem xét hỗ trợ kinh phí chứ không thể đánh đồng tất cả, ai cũng hiến đất, tự tháo dỡ công trình. Sau khi đã có sự thống nhất của toàn bộ người dân thì tiến hành giải phóng mặt bằng, thi công nâng cấp hẻm đồng loạt, tránh tình trạng nhếch nhác gây bức xúc chung cho cả cộng đồng dân cư.
Bình luận (0)