79 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (19.8.1945 - 19.8.2024)

Hết lòng vì dân: Băng rừng đưa nạn nhân đi cấp cứu

Trần Bích Ngân
Trần Bích Ngân
18/08/2024 06:28 GMT+7

Công an xã Hòa Quang Bắc (H.Phú Hòa, Phú Yên) đã vượt hơn 2 km đường rừng đồi dốc, khiêng 2 người dân bị ong đốt hàng trăm vết nguy kịch đi cấp cứu kịp thời.

Lấy võng làm băng ca, chặt cây làm cáng

Lúc 11 giờ 15 ngày 19.7, Công an xã Hòa Quang Bắc, H.Phú Hòa (Phú Yên) nhận được tin báo có 4 người dân gồm: Võ Đình Nhanh (55 tuổi), Lê Văn Sang (50 tuổi), Trần Văn Huệ (48 tuổi) và Nguyễn Quốc Tín (44 tuổi) đi làm rẫy ở suối Đôi, thôn Ngọc Sơn, xã Hòa Quang Bắc thì bị ong đốt. Trong đó, ông Sang và ông Nhanh bị ong đốt hàng trăm vết dẫn đến nguy kịch, mất ý thức, nguy hiểm đến tính mạng.

Nhớ lại, ông Võ Đình Nhanh (ở thôn Nho Lâm, xã Hòa Quang Bắc) vẫn chưa hết kinh hoàng: "Sáng hôm đó, tôi cùng 3 người nữa đi phát rẫy, đến khoảng 8 giờ thì bị ong đốt. Chân tôi vừa mới tiểu phẫu xong nên không chạy được. Vớ được can xăng, tôi vội đổ lên người để xua ong nhưng không ngờ ong càng bu vào, nằm dưới đất tôi mặc kệ cho ong đốt chứ chẳng có sức phản kháng nữa. Lúc đầu tôi còn thấy đau, nhưng tầm 1 tiếng sau thì người tê liệt không còn cảm giác, bắt đầu nôn ói, đi ngoài liên tục, rồi bất tỉnh lúc nào không biết".

Hết lòng vì dân: Băng rừng đưa nạn nhân đi cấp cứu- Ảnh 1.

Các chiến sĩ công an khiêng người dân bị ong đốt đi cấp cứu

MAI LÂM

Nhận được tin báo, Công an xã Hòa Quang Bắc phân công thiếu tá Đào Bá Mai Lâm và trung úy Trần Trọng Luật cùng anh Lê Tấn Phương (dân quân xã Hòa Quang Bắc) mang theo thiết bị y tế và các vật dụng cần thiết nhanh chóng đến hiện trường.

Thiếu tá Lâm nhớ lại: "Nhận tin báo, tôi cùng Luật và Phương tức tốc lên đường. Luật chạy sang trạm y tế xã báo tình hình, triệu chứng của người bị nạn để lấy thuốc, tôi và Phương chạy xe lên rừng trước. Chạy tầm 5 km tới đường rừng thì không thể đi xe được nữa, chúng tôi đi bộ hơn 2 km nữa mới đến được hiện trường".

Đến hiện trường lúc 11 giờ 30, nhìn thấy 2 người dân bị ong đốt nằm gục trên đất, các chiến sĩ công an lo lắng vì tình trạng của họ nguy kịch hơn dự đoán. Trong đó, phần đầu của ông Sang chi chít vòi ong đốt và đã bất tỉnh, còn ông Nhanh thì nôn ói liên tục, đi ngoài mất kiểm soát. Sau khi xem tình trạng, các chiến sĩ bắt đầu cho người bị nạn uống thuốc theo đơn kê của trạm xá, một lúc sau ông Sang bắt đầu tỉnh lại, tuy nhiên tình trạng của ông Nhanh có vẻ càng nặng hơn và bất tỉnh. Thấy không thể dìu người bị nạn xuống núi, các chiến sĩ quyết định lấy võng làm băng ca, chặt cây làm cáng khiêng người bị nạn đi cấp cứu.

"Lúc đó, chúng tôi rất sợ người dân không qua khỏi vì cả người của chú Sang và chú Nhanh bị ong đốt đỏ lên hết. Chúng tôi quyết định khiêng chú Nhanh xuống trước vì tình trạng của chú ấy nguy kịch hơn. Hiện trường là trong rừng sản xuất chưa được khai thác, đồi dốc trơn trượt, bụi rậm nên không thể dùng băng ca để khiêng nạn nhân, vì vậy chúng tôi dùng võng vì dễ di chuyển và bám trụ hơn. Lúc di chuyển trong rừng, một tay chúng tôi giữ võng, một tay chống gậy hoặc bám trụ vào cây rừng trên đường đi để tránh bị ngã", thiếu tá Lâm kể lại.

Hết lòng vì dân: Băng rừng đưa nạn nhân đi cấp cứu- Ảnh 2.

Ông Võ Đình Nhanh xúc động khi được Công an xã Hòa Quang Bắc cứu giúp kịp thời trong lúc nguy kịch

TRẦN BÍCH NGÂN

"NẾU CHÚNG TA CHẬM, NGƯỜI DÂN SẼ CHẾT..."

Trung úy Trần Trọng Luật kể: "Rừng sản xuất chưa khai thác, lại còn đồi dốc rất trơn trượt, bụi cây rợp người, khiêng bằng võng nên bị dằn dữ lắm. Tôi và anh Lâm phụ trách khiêng chú Nhanh, còn Phương thì phát dọn đường. Hôm đó trời nắng lắm, lại đúng vào giữa trưa, khiêng chú Nhanh ra khỏi rừng, tôi đã thấm mệt. Thấy vậy, vừa chạy anh Lâm vừa bảo tôi nếu chúng ta chậm thì người dân sẽ chết. Tôi thở hồng hộc rồi đáp, anh cứ chạy trước, em luôn theo phía sau. Tay phải vịn cán võng giữ thăng bằng, tay trái vội nắm lấy cây rừng để bám trụ, chân phải ghì chặt bám trụ liên tục, chân tôi bắt đầu bị chuột rút".

Cũng theo trung úy Luật, khi không chạy được nữa, anh Lâm bảo để nạn nhân xuống rồi giúp anh bóp chân, khi anh hết bị chuột rút thì 2 anh em tiếp tục khiêng ông Nhanh xuống núi. "Lúc đó chẳng còn biết mệt là gì, chỉ mong chạy thật nhanh để kịp đưa chú Nhanh đi cấp cứu. Người nhà chú đang đợi dưới xe, chỉ sợ chúng tôi chậm 1 phút sẽ làm lỡ cơ hội cứu sống chú. Sau khi đưa chú Nhanh lên xe, chúng tôi liền quay lại hiện trường để dìu chú Sang xuống. Cứu giúp người dân là trách nhiệm của chúng tôi", trung úy Luật nói.

Nắm tay thiếu tá Lâm, ông Nhanh không kìm được nước mắt: "Không biết kể sao cho hết lòng biết ơn của tôi dành cho các chú công an, nếu không nhờ các chú, chắc có lẽ tôi đã bỏ mạng trên rừng. Trong giây phút nửa tỉnh nửa mê, tôi đã nghĩ mình sẽ chết. Lúc tỉnh lại ở bệnh viện, bác sĩ nói nếu chậm thêm 10 phút nữa thôi, độc phát tán chèn tim, tôi sẽ chết. Tôi đã khóc khi biết mình vẫn còn sống, cảm ơn các chú đã cứu tôi một mạng".

Hết lòng vì dân: Băng rừng đưa nạn nhân đi cấp cứu- Ảnh 3.

Thiếu tá Đào Bá Mai Lâm (bìa phải) và trung úy Trần Trọng Luật (thứ 2 từ trái qua) được Bộ trưởng Bộ Công an gửi thư khen

TRỌNG LUẬT

Biểu dương hành động tận tụy cứu giúp nhân dân trong tình huống nguy hiểm của Công an xã Hòa Quang Bắc, ngày 22.7, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã có thư khen, nội dung ghi: "Việc làm của Công an xã Hòa Quang Bắc đã tô thắm hình ảnh người công an nhân dân (CAND), là điển hình cho phương châm hành động của lực lượng CAND "khi dân cần, khi dân khó có công an". Nhất là trong thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an về triển khai lực lượng công an xã chính quy, góp phần khẳng định tầm quan trọng của lực lượng công an cơ sở trong bảo đảm an ninh, trật tự, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân".

Theo trung tá Phan Minh Duy, Trưởng công an H.Phú Hòa, hành động giúp dân không quản ngại thời gian, hoàn cảnh của các chiến sĩ Công an xã Hòa Quang Bắc đã làm sống động, thiết thực về hình ảnh của người chiến sĩ CAND sẵn sàng vì dân phục vụ. Kịp thời có mặt tại hiện trường, với sự nhạy bén, đánh giá tình huống nhanh, các chiến sĩ đã đưa ra biện pháp dùng võng làm băng ca, mượn cây rừng làm cáng tuy dân dã nhưng rất hiệu quả, kịp đưa người bị nạn đi cấp cứu.

"Công an từ dân mà ra, vì nhân dân phục vụ nên được dân tin, dân yêu, dân ủng hộ, được nhân dân tin tưởng báo tin giúp đỡ khi gặp nạn, đó là niềm vinh dự lớn. Có dựa vào nhân dân thì lực lượng công an mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Việc làm của Công an xã Hòa Quang Bắc đã góp phần khẳng định tầm quan trọng của lực lượng công an cơ sở trong bảo đảm an ninh, trật tự, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân trên địa bàn", trung tá Duy nói. (còn tiếp)

Tháng 11.2017, cơn bão số 12 đổ vào Phú Yên. H.Đồng Xuân là một trong những vùng bị ngập lụt nặng. Khu vực Xóm Giữa, KP.Long Châu, TT.La Hai gần như bị chia cắt hoàn toàn. Thượng úy Võ Trần Phú (Công an H.Đồng Xuân) đã cõng một cụ ông trên 80 tuổi bị bệnh nằm liệt giường, trong lúc nước lũ đang lên cao, băng qua đường ray xe lửa với quãng đường gần 1 km đến điểm ca nô đang đậu để kịp thời đi cấp cứu. "Tôi luôn sẵn sàng mang sức trẻ của mình để giúp đỡ nhân dân, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân", thượng úy Võ Trần Phú chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.