Chiều qua (2.3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay từ khi có dịch đến nay, cả nước đã loại trừ 1.593 trường hợp nghi ngờ; đang cách ly theo dõi 10.089 người có tiếp xúc gần người nghi bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch, trong đó có 156 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 4.810 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 5.123 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Chỉ nhẩm tính với thời gian cách ly 14 ngày, thậm chí 21 ngày như trường hợp 30 công dân trở về từ Vũ Hán hôm 10.2, thì thấy Chính phủ Việt Nam đã chi rất nhiều sức người, sức của cho việc kiểm soát mầm dịch. Đó là chưa kể chi phí cho những chuyến bay đưa công dân từ vùng dịch của các quốc gia khác về nước ngay khi họ vừa đến Việt Nam.
Đổi lại, cho đến nay, Việt Nam đã chữa khỏi toàn bộ các ca nhiễm bệnh, 18 ngày qua không có thêm ca nhiễm mới, trở thành một địa chỉ an toàn trong cái nhìn của thế giới. Quê hương Việt Nam giờ đây là chỗ dựa tìm về của những người con Việt ở những vùng dịch nước ngoài.
Bởi họ biết rằng, về Việt Nam an toàn hơn, và kể cả không may mang theo dịch bệnh cũng được thăm khám và điều trị trong môi trường sạch sẽ, thoáng đãng, đầy tình người và miễn phí.
Người viết hiện đang sống tại Thụy Sĩ, một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới và được ngưỡng mộ toàn cầu bởi nhiều mặt ưu việt.
Dù vậy, khi so sánh trong bối cảnh đại dịch Covid-19, người viết có vài trăn trở. Bởi Thụy Sĩ đến giờ vẫn không áp dụng biện pháp hạn chế nào đối với người nhập cảnh từ các vùng dịch khắp thế giới, mà nguy cơ nhiều nhất hiện nay là từ nước Ý láng giềng.
Người nhập cảnh từ vùng dịch chỉ được khuyến khích tự giác khai báo tại cửa khẩu hoặc thông báo với bác sĩ gia đình và tự cách ly tại nhà. Nếu có triệu chứng nhiễm dịch thì gọi điện báo bác sĩ tư.
Khi bác sĩ nhận thấy thân chủ có biểu hiện mắc bệnh khá rõ mới đề nghị đi xét nghiệm. Họ làm vậy để giảm gánh nặng cho hệ thống y tế. Từ ca đầu tiên phát hiện ngày 25.2, hôm qua 2.3 Thụy Sĩ đã có 28 ca, tất cả đều là người về hoặc đến từ Ý.
Trăn trở thứ hai là ngày 27.2, khi Thụy Sĩ mới có 8 ca nhiễm bệnh, báo Le Temps đã đặt câu hỏi ai sẽ chi trả phí xét nghiệm với giá 280 franc (gần 7 triệu đồng) cho một bộ kit? Không có câu trả lời! Các hãng bảo hiểm nói rằng theo điều luật 73 trong điều kiện dịch bệnh, bộ kit này không nằm trong danh mục bảo hiểm bắt buộc phải chi trả, vì vậy chính quyền liên bang phải gánh.
Nhưng ngày 29.2, Bộ trưởng Y tế Alain Berset tuyên bố ông sẽ ký sắc lệnh buộc công ty bảo hiểm phải trả khoản này. Điều đó cũng có nghĩa có thể một số người thu nhập thấp phải gánh khoản phí này, bởi để giảm phí phải đóng hằng tháng, nhiều người đành chọn mua gói bảo hiểm mà họ phải trả từ 300 - 2.500 franc đầu tiên phí khám chữa bệnh trong năm.
Trong dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã làm tất cả cho sự an toàn và an tâm của người dân, dù ngân khố quốc gia hạn hẹp. Mong rằng những cá nhân và doanh nghiệp khấm khá sẽ góp phần cùng Chính phủ trong cuộc chiến này.
Bình luận (0)