Công suất hoạt động giảm mạnh
Sáng 31.8, một ngày trước kỳ nghỉ lễ, ghi nhận tại các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) trên địa bàn TP.HCM, tình hình hết sức vắng vẻ và thông thoáng đến lạ thường. Tại TTĐK 50-04V ở KCN Cát Lái, P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức (TP.HCM), vào thời điểm trước tháng 6.2023, dòng xe đầu kéo, xe container xếp hàng chờ đăng kiểm kéo dài, gây nên cảnh ách tắc, nhưng hiện nay con đường dẫn vào TTĐK này vắng vẻ ngay từ buổi sáng. Bên trong, các xe đến kiểm định thoải mái chạy vào không cần đăng ký trước. Nhân viên bảo vệ tại đây cũng nhiệt tình hướng dẫn cho những người mới đến lần đầu.
Tại TTĐK 50-03S trên QL13, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, tình hình còn thê thảm hơn. Đến khoảng 9 giờ sáng thì bãi xe đã vắng hoe không còn chiếc nào xếp hàng chờ đợi. Cảnh tượng này trái ngược hẳn với tình trạng chen chúc vài tháng trước, thậm chí nhiều chủ xe phải "đi đêm" với bảo vệ để được xếp "slot" ưu tiên.
Còn tại Đồng Nai, TTĐK xe cơ giới Đồng Nai (Sở GTVT Đồng Nai) cho biết vì quá vắng khách, hiện nay đơn vị này đã bỏ phát phiếu hẹn, người dân muốn đến đăng kiểm có thể mang xe đến trực tiếp, không cần xếp lượt theo lịch hẹn. Ghi nhận trong khoảng 2 tuần trở lại đây, ở các TTĐK gồm: 60-01S (TP.Biên Hòa), 60-02S (TP.Long Khánh), 60-03S (H.Định Quán), 60-05D (TP.Biên Hòa) và 60-06D (H.Long Thành), lượng xe đến đăng kiểm giảm khoảng 30 - 40% so với trước.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Huỳnh Văn Thiệt, Giám đốc TTĐK 50-02S tại Q.11 (TP.HCM) thông tin: "Sau khi có thông tư mới miễn kiểm định cho xe mới mua lần đầu, tiếp đó là chính sách gia hạn tự động cho những xe không kinh doanh, lượng xe đến đăng kiểm đã giảm mạnh. Cụ thể như trong tháng 7, công suất hoạt động của trung tâm ở mức 60 - 70%, sang đến tháng 8 thì giảm còn 30 - 40%. Do TTĐK 50-02S nằm trong khu vực nội thành, đối tượng phục vụ là những ô tô cá nhân, xe gia đình nên chắc chắn bị ảnh hưởng bởi chính sách gia hạn tự động cho những xe không kinh doanh dưới 9 chỗ".
Còn theo đại diện TTĐK 60-05D (Đồng Nai), số phương tiện đến đăng kiểm giảm do nhiều nguyên nhân. Trong đó, một phần lượng xe đến hạn đã được tự động giãn chu kỳ đăng kiểm. Thứ hai, hiện nay các TTĐK đã hoạt động lại ổn định, lượng xe được san sẻ ra hết. Thứ ba, hằng năm, thường trước và trong tháng 7 âm lịch người dân cũng ít đưa xe đi đăng kiểm.
Nguy cơ giảm thu nhập, thua lỗ
Theo ông Huỳnh Văn Thiệt, TTĐK 50-02S là đơn vị tự thu, tự chi nên tình hình ế ẩm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của các đăng kiểm viên và nhân viên phục vụ tại đây. "Trong 2 năm qua, dịch bệnh Covid kéo dài sau đó là hàng loạt sự cố xảy ra khiến cho nguồn thu của đơn vị đăng kiểm bị sụt giảm mạnh. May mắn là từ đầu năm đến nay chúng tôi đã kịp tích lũy được nên có thể cầm cự trong thời gian này. Đến kỳ nghỉ lễ 2.9 chúng tôi vẫn chi trả lương thưởng cho nhân viên theo quy chế, nhưng nếu tình trạng ế ẩm kéo dài như thế này thì rất gay go".
Ông Phạm Văn Thanh, Giám đốc một TTĐK tư nhân tại khu vực phía bắc, cũng than thở: "Kinh phí đầu tư ban đầu của TTĐK gần chục tỉ đồng, đến nay vẫn chưa kịp hoàn vốn. Để duy trì vận hành, mỗi tháng, chúng tôi phải trả tiền thuê đất khoảng 100 triệu đồng, tiền điện khoảng 50 triệu đồng, lương cho 25 nhân viên (bao gồm cả đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ, bảo vệ, tạp vụ) trung bình 250 triệu đồng, chưa kể tiền lãi ngân hàng, tiền khấu hao thiết bị máy móc, tổng chi khoảng 500 triệu đồng. Như vậy phải kiểm định ít nhất 100 xe/tháng mới đủ trang trải chi phí hoạt động, chưa tính lãi. Thế nhưng, kể từ ngày 3.6 (khi Thông tư 08/2023 có hiệu lực, cho phép tự động giãn chu kỳ kiểm định xe không kinh doanh vận tải đến 9 chỗ ngồi), lượng xe đến trung tâm lập tức giảm từ 80 xe mỗi ngày xuống chỉ còn 20 - 30 xe, khiến đơn vị rơi vào cảnh thu không đủ chi, từ tháng 7.2023 đến nay, mỗi tháng ước chừng lỗ khoảng 150 triệu đồng".
Tình hình cạnh tranh trong lĩnh vực đăng kiểm dự báo sẽ còn tiếp tục gay gắt trong thời gian tới. Theo Cục Đăng kiểm VN, hiện nay thị trường cung cấp dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới có 281 TTĐK xe cơ giới thuộc nhiều thành phần kinh tế, hoạt động trên phạm vi toàn quốc, trong đó các TTĐK thuộc khối tư nhân đang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp là 192/281 đơn vị (chiếm 68,3% tổng số các TTĐK). Sau khi Nghị định số 30/2023 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới có hiệu lực, điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã được mở rộng, số lượng doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới có thể sẽ được tăng lên đáng kể do có sự tham gia của các trung tâm bảo dưỡng thuộc đại lý 3S/4S.
Một số giám đốc TTĐK nhận xét, giá dịch vụ kiểm định hiện nay được xây dựng theo mức lương tối thiểu cách đây 10 năm nên hiện nay đã quá lạc hậu và không phù hợp với thực tế. Giải pháp hiện nay để "giải cứu" các TTĐK thoát khỏi nguy cơ thua lỗ là điều chỉnh giá dịch vụ đăng kiểm, từ đó giúp các TTĐK cân đối thu chi.
Xem nhanh 20h: Vì sao trung tâm đăng kiểm ế khách?
Từ đầu năm 2023, khi Cục Đăng kiểm VN xây dựng phương án tăng giá dịch vụ kiểm định, Bộ GTVT, Bộ Tài chính đều ủng hộ nhưng đề nghị mức tăng vừa phải trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Phương án tăng 26 - 28% được các bộ nhận định là hợp lý để các TTĐK bù đắp chi phí hoạt động. Khi xây dựng phương án giá, Bộ GTVT cũng đã định hướng đề xuất giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới là giá tối đa theo luật Giá để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Bộ Tư pháp và Tài chính đều ủng hộ phương án này. Nhưng do luật Giá hiện tại vẫn quy định giá dịch vụ kiểm định xe là giá cụ thể nên Bộ GTVT muốn ban hành mức giá tối đa phải báo cáo Thủ tướng để sửa nghị định. Việc này cần nhiều thời gian, có thể phải sang năm 2024 mới có thể ban hành, vì vậy nhiều TTĐK có thể không cầm cự duy trì hoạt động được.
Bình luận (0)