Hiểm họa nhà nghiêng - Bài 3: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

27/04/2011 12:52 GMT+7

(TNO) Theo đánh giá của các chuyên gia, thực trạng nhà nghiêng là hệ quả tất yếu của sự buông lỏng quản lý chất lượng công trình xây dựng dân sinh trong một thời gian dài, và cần đặt lại vấn đề trách nhiệm của những nhà quản lý đô thị.

>> Hiểm họa nhà nghiêng - Bài 2: Bài toán khó giải
>> Hiểm họa nhà nghiêng - Bài 1: Sợ từng giờ
>>
Nhà nghiêng cứ nghiêng
>> Bỗng dưng mang vạ
>> Nhà 5 tầng tại Hà Nội bị lún, nghiêng
>> Nhà 5 tầng đổ sập giữa Hà Nội

Cơ quan quản lý chưa mạnh tay

Cuối tuần trước, sau khi hàng loạt báo đài phản ánh tình trạng nguy hiểm do nhà nghiêng tạo ra, Sở Xây dựng TP.HCM đã đi kiểm tra thực tế các trường hợp nhà nghiêng tại Q.Bình Thạnh - địa bàn có nhiều nhà nghiêng nhất thành phố do đặc thù nền đất yếu. Qua đó, Sở Xây dựng nhận thấy nhiều trường hợp nghiêng nghiêm trọng, đè lên các công trình lân cận gây nghiêng dây chuyền.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, một số căn nhà trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Chu Văn An, Đinh Bộ Lĩnh... khó có thể khắc phục được. Đáng nói là, dù nhiều công trình trong tình trạng nguy hiểm, song chủ sở hữu vẫn "bình chân như vại" và không có ý định sửa chữa, bất chấp các khuyến cáo của địa phương.

Chẳng hạn, nhà số 726A Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được UBND Q.Bình Thạnh đề nghị Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn phối hợp chủ sở hữu đánh giá sự cố và tiến hành khắc phục từ năm 2010, song đến nay vẫn chưa hoàn tất. Nhà số 192-198 Đinh Bộ Lĩnh cũng đã được Sở Xây dựng kiểm tra, yêu cầu khắc phục nhiều lần nhưng đến nay chưa thấy chủ nhà có động tĩnh gì.

Thực tế thời gian qua các cơ quan quản lý thường phó mặc việc giải quyết cho chủ sở hữu công trình, trong khi ý thức của các cá nhân này chưa cao, kéo theo việc xử lý nhà nghiêng dây dưa hết năm này sang năm khác, tiềm ẩn mối nguy hiểm cho cộng đồng.

Ông Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM

Ông Hiệp thừa nhận việc cơ quan quản lý chưa mạnh tay xử lý các sự cố cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng nhà nghiêng kéo dài. Do đó, trước mắt, Sở Xây dựng yêu cầu các quận, huyện mở cuộc tổng rà soát các công trình lún, nghiêng, nứt trên địa bàn mình quản lý và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp.

Đối với công trình gia cố, cải tạo chống nghiêng, lún, nứt không làm thay đổi quy mô, diện tích thì UBND quận, huyện yêu cầu chủ đầu tư trình bày phương án gia cố do một đơn vị có năng lực thực hiện. Phương án này bao gồm: khảo sát đánh giá hiện trạng công trình, mức độ ảnh hưởng đến các nhà lân cận (nếu có); khảo sát địa chất; đánh giá nguyên nhân; phương án gia cố cụ thể, kể cả việc tháo dỡ một phần hoặc toàn bộ công trình…

Trước khi khởi công cải tạo chống nghiêng, lún, chủ đầu tư phải đăng ký với UBND phường, xã, thị trấn để theo dõi, giám sát. Đối với các công trình có nguy cơ sụp đổ, địa phương cần nhanh chóng giải tỏa người dân.

Quản lý rất "khoan thai"

Ông Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM - cho rằng, công trình nhà ở tuy thuộc sở hữu tư nhân, song khi xảy ra các sự cố như nghiêng, lún ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị và an toàn cộng đồng thì đó không còn là chuyện riêng của cá nhân. Lúc này, việc chỉ đạo và giám sát công tác giải quyết sự cố thuộc về các cấp quản lý đô thị.

Theo ông Sanh, nhà lún, nghiêng được xem là công trình có sự cố, do đó Sở Xây dựng và các quận, huyện là đơn vị chịu trách nhiệm giải quyết.

Với những công trình có thể khắc phục được, UBND quận, huyện có trách nhiệm giám sát chủ nhà hoặc chủ sử dụng nhà nghiêng thuê tư vấn kiểm định đủ năng lực để kiểm soát, đánh giá hiện trạng, đề xuất biện pháp khắc phục (sửa chữa, gia cố, kích nâng chỉnh, giảm tải hoặc tháo dỡ...). Các cơ quan quản lý tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sửa chữa bằng cách đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép xây dựng hoặc sửa chữa, cho thuê mặt bằng tạm cư, mặt bằng thi công...


Đừng để những căn nhà nghiêng đổ sập hoàn toàn thì cơ quan quản lý đô thị mới vào cuộc - Ảnh: Minh Sang

Những trường hợp nhà qua đánh giá thấy đang trong tình trạng nguy hiểm, địa phương phải cương quyết buộc chủ nhà khắc phục hoặc áp dụng biện pháp cưỡng chế khắc phục, di dời; không để tiếp tục sử dụng theo hiện trạng.

Tuy vậy, thực tế thời gian qua cho thấy, chính quyền lơi lỏng trong việc giám sát, khắc phục tình trạng nhà nghiêng. Chẳng hạn, nhiều căn nhà trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh), khu vực Bình Phú (Q.6)... đã nghiêng từ gần chục năm, mức độ nghiêng được đánh giá là rất nghiêm trọng, song mọi việc vẫn chậm được xử lý. 

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, tình trạng nhà ở lún, nứt, nghiêng thực chất đã tồn tại từ lâu, và trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản lý khi thiếu kiên quyết trong việc xử lý. Đồng thời, việc giải quyết không phải chỉ nhắc nhở bằng văn bản mà cần có giám sát nghiêm ngặt, thậm chí xử phạt, cưỡng chế nếu cần, bởi tình trạng nhà nghiêng không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng cho chủ sở hữu cũng như người dân lân cận.

Thực tế cho thấy, trước đây khi TP.HCM chưa bước vào giai đoạn phát triển rầm rộ như hiện nay, các tai biến địa chất không hoặc ít xảy ra. Chính việc triển khai đồng loạt các công trình xây dựng đã khiến môi trường địa chất lâm vào trạng thái mất cân bằng và tình trạng nhà nghiêng, lún xuất hiện nhiều hơn

PGS-TS Đặng Hữu Diệp - Tổng hội Địa chất VN

Ở góc độ tổng quát hơn, theo PGS-TS Đặng Hữu Diệp (Tổng hội Địa chất VN), trách nhiệm quản lý nhà nước còn thể hiện ở việc cho phép triển khai ồ ạt các công trình xây dựng hạ tầng, khu công nghiệp, cao ốc... mà chưa thực sự quan tâm đến yếu tố địa chất như thời gian qua, kéo theo các tai biến địa chất đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định, gây biến dạng, nghiêng, lún, hư hỏng kết cấu các công trình xây dựng.

Do đó, trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi cấp phép xây dựng là cần cân nhắc đầy đủ các yếu tố quy hoạch, địa chất, cũng như khuyến cáo người dân các biện pháp xây dựng phù hợp, chứ không nên để người dân "tự bơi".

LS Hoàng Xuân Sơn (Văn phòng LS Hoàng Xuân Sơn) cho rằng: khi xảy ra tình trạng nhà nghiêng, lún, thanh tra xây dựng có trách nhiệm lập đoàn thanh tra để xác định nguyên nhân sự cố, nếu nhận thấy có tình trạng vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, phải lập biên bản xử phạt hành chính. Sau khi đã xử phạt hành chính và yêu cầu khắc phục, nếu chủ sở hữu không chấp hành dẫn đến công trình bị sụp đổ gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự của chủ sở hữu.

Tuy vậy, nhiều công trình tại TP.HCM có dấu hiệu nghiêng, lún, hư hỏng từ nhiều năm nay nên đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (tối đa 2 năm kể từ khi xảy ra sự cố), và do đó cũng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ đầu tư và nhà thầu.

Theo LS Sơn, việc giám sát, xử phạt đối với các công trình nghiêng, lún là trách nhiệm của các cơ quan quản lý đô thị, chứ không phải chuyện muốn làm hay không cũng được. Do đó, nếu các cơ quan này không thực hiện đúng trách nhiệm thì có thể bị xử phạt hành chính, trong trường hợp xảy ra sự cố gây chết người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

N.Tuấn Đạt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.