Hiền lành mới là khó

TS Huỳnh Văn Thông
TS Huỳnh Văn Thông
30/01/2023 08:35 GMT+7

Với tôi thì 'Quý Mão' có thể được diễn dịch là 'chú mèo hiền lành'. Được đời trao cho cái nhân duyên sắm vai thầy ngồi ghế sếp, tôi thừa biết hàng trăm 'công thức' làm khó người khác để sắm vai thầy dữ, sếp dữ.

Nhưng thôi, năm “chú mèo hiền lành” thì cũng bàn đôi chút về chuyện thầy hiền lành, sếp hiền lành vậy.

Làm khó… thì có khó gì

Biết làm khó thì học trò mới chóng sợ thầy, nhân viên mới mau sợ sếp. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ còn đồn xa hơn. Ý là, nếu bạn biết cách dữ dằn, biết cách làm khó học trò, làm khó nhân viên thì tiếng đồn sẽ lan truyền từ thế hệ học trò này sang thế hệ học trò khác, từ lớp nhân viên này sang lớp nhân viên khác. Và bạn sẽ oai phong lẫm liệt cho tận đến lúc về hưu.

Này là thầy vào lớp học, sắm mặt căng thẳng ngay từ khi bước vào, đứng giữa lớp quét một ánh nhìn “truy sát” quanh phòng, rồi nhìn chằm chằm vào khu vực nào có học sinh không kịp đứng dậy chào thầy. Cho đến khi lớp học 100% học trò đã đứng dậy chào, và im phăng phắc thì thầy mới dịch chuyển về phía “căn cứ địa” bàn giáo viên.

Minh họa: DAD

Này là thầy vào lớp học, nhìn tấm bảng còn chưa được lau sạch, chẳng nói chẳng rằng lẳng lặng bỏ ra khỏi lớp trong sự ngỡ ngàng của đám học trò. Chúng vẫn chưa kịp hiểu là thầy giận vì lớp “thiếu tôn trọng” thầy, không lau bảng sẵn sàng để thầy vào lớp là cứ thế mà ban cho lời vàng ý ngọc. Thầy giận bỏ ra ngoài cả đỗi rồi mà học trò vẫn không hiểu nguyên do, cứ tưởng thầy có việc gì đó cần suy tư một mình ở nơi chốn hành lang. Còn thầy thì giận càng thêm giận, chờ hoài không thấy động tĩnh hối lỗi của học trò, thế là móc điện thoại ra gọi trưởng khoa mắng vốn.

Có lần, trong vai trò trưởng khoa ở đại học, tôi từng nhận cuộc gọi mắng vốn kiểu đó. Đại loại là, học trò khoa thầy sao chẳng biết phép tắc, thầy vào lớp rồi mà không chịu lau bảng sẵn sàng. Tôi nhẹ nhàng gợi ý, rằng học trò có thể vô tâm không để ý, thầy cứ bảo thẳng với các em thì khắc có em sẽ làm ngay việc đó. Thầy vẫn bảo thầy không nói, còn tôi thì gọi thẳng cho học trò lưu ý các em làm việc này để thầy thôi giận. Thú thật, cũng là thầy giáo, tôi có phần ngạc nhiên sao thầy khó dữ.

Rồi chuyện sếp dữ. Ôi trời, sếp mà không ưng chuyện gì là đập bàn quát tháo, nhân viên khiếp xanh mặt mày. Hay là, nhân viên có chút việc muốn xin ý kiến sếp, nhưng trúng sếp khó thì im bặt luôn, sợ hỏi ra không khéo “ăn chửi”. Sếp dữ thì nhân viên sợ, điều đó chẳng gì khó hiểu. Nhân viên sợ thì nhân viên chọn lối im lặng để phòng thân. Và lâu ngày tổ chức sẽ trở thành “tổ chức im lặng” - cái viễn cảnh mà bất cứ nhà quản trị am hiểu con người nào cũng đều không muốn chọn.

Rồi có dịp tiệc tùng vui vẻ cởi mở, có nhân viên mạnh dạn tỏ bày sếp ơi sếp khó quá, sếp dữ quá. Thế là sếp cười nhè nhẹ rồi đáp những câu đại loại như “tôi mà khó gì”, “tôi còn dễ gấp trăm lần sếp của tôi trước đây”… Trả lời không phải để giải tỏa nỗi sợ của nhân viên mà là để thêm một lần đóng khung, nhấn mạnh phong cách “sếp dữ” của mình.


Mong ước của nhà giáo ngày đầu năm 2023

Hiền lành mới là khó

Tôi thì từ lâu đã không còn cho phép mình “làm khó” học trò hoặc sắm vai “thầy dữ”. Hồi mới ra trường, tôi khó tới mức học trò tặng tôi danh hiệu “dũng sĩ diệt sinh viên”. Thành thực là tôi đã từng có “khoái cảm” mỗi khi nghe sinh viên nhắc đến mình trong cái danh hiệu ấy. Nhưng rồi có vài điều khiến tôi phải điều chỉnh hành xử sư phạm của mình.

Một trong những lần ấy là có một phụ nữ lớn tuổi đến xin gặp tôi trong vai trò phụ huynh, vừa khóc vừa kể rằng con bà ấy không thể vượt qua môn học của tôi sau nhiều lần thi, không phải vì không cố gắng mà là vì cảm giác sợ sệt đã lấy mất sự tự tin cần thiết, chữ nghĩa bỗng dưng biến mất tiêu mỗi khi đối diện với tôi trong giờ thi vấn đáp. Sau những chuyện như thế, tôi nhận ra mình đã chuyển năng lượng tiêu cực đến học trò và làm sai lệch con người cá nhân của họ. Tôi càng ngạo nghễ với cái sự khó tính của mình thì càng dễ có học trò không nhận được sự dẫn dắt thật sự có ý nghĩa đối với cuộc đời đi học của họ. Sinh viên quá sợ thầy cô thì làm sao có đủ tự tin để học tập trong tư thế một người trưởng thành.

Trong bản năng nguyên thủy của con người thì hung dữ để tự vệ hay để giành ưu thế dường như là sẵn có trong mỗi người, chỉ cần có cơ hội thì năng lượng bản năng ấy sẽ bộc lộ. Còn “hiền lành”, hiểu theo nghĩa “cách ứng xử điềm đạm, biết lắng nghe và thấu cảm với người khác” thật sự là một lựa chọn hành xử. Và lựa chọn được điều đó quả thật không dễ dàng chút nào đâu.

Thầy khó thì chắc chắn chẳng bao giờ có cơ hội “đàm đạo” cởi mở với học trò. Mà thế tức là không có cơ hội thực hành một trong những cách thức dạy học dễ đi vào lòng người nhất và có chất lượng tương tác cao nhất. Học trò không quá sợ thầy, thế là học trò tự tin đặt câu hỏi, thoải mái nêu ý kiến cá nhân, và đặc biệt là không sợ sai. Học trò mà sợ sai thì học trò sẽ giấu dốt, mà giấu dốt là con đường nhanh nhất dẫn đến sự yếu kém về năng lực.

Thế còn sếp khó thì sao? Thoạt nhìn thì có vẻ ổn, sếp “thét ra lửa”, nhân viên chấp hành không dám cãi lại một lời. Nhưng rồi sai lầm cũng có thể từ đó mà ra. Nhưng rồi phong cách lãnh đạo “bạo chúa” cũng từ đó mà ra. Quan hệ sếp - nhân viên tạo dựng trên nỗi sợ hãi thì khó lòng khai phá năng lực sáng tạo của nhân viên. Và sự trung thành, nếu được nhắc đến, chắc cũng chỉ là một biến dạng của sự khiếp sợ mà thôi.

Trước đây tôi vẫn nghĩ hiền hay dữ là chuyện tính cách tự nhiên của mỗi người. Nhưng rồi cuộc sống dần dần dạy tôi điều quan trọng hơn, hiền hay dữ còn là một lựa chọn về cách hành xử trong đời sống.

Thầy giáo hay sếp đều phải nghiêm khắc với học trò, với nhân viên. Nhưng sự nghiêm khắc không nhất thiết phải đi đôi với lối hành xử dữ dằn.

Khi bạn trong vai thầy cô giáo, bạn có hàng trăm lý do để biện minh cho các kiểu làm khó người học. Đặc biệt, bạn dễ viện dẫn “sự nghiêm khắc”, vốn được triết lý dân gian “bảo trợ” qua câu tục ngữ “thương cho roi cho vọt”. Thế là chẳng mấy chốc mà sự nghiêm khắc biến dạng thành những kiểu trừng phạt mỗi khi học trò mắc lỗi. Giáo dục sẽ là gì nếu dựa trên sự trừng phạt?

Khi bạn là sếp, bạn thậm chí còn có nhiều hơn lý do và “vũ khí” để thực hành lối ứng xử “sếp dữ”. Không loại trừ việc những người giữ vị trí “sếp” trong một số bối cảnh quản trị đặc thù nào đó có thể đã tìm được thành công nhất thời với lối hành xử “sếp dữ”, nhưng điều đó không bao giờ có thể “bảo hộ” lâu dài cho mối quan hệ thiếu cân xứng về sự tôn trọng giá trị con người trong tổ chức. Sếp muốn có một tổ chức đủ sức mạnh sáng tạo để thích ứng với môi trường đầy biến động như hiện nay, thì trước hết sếp nên học cách rời bỏ quan điểm mình có “thẩm quyền” để hành xử dữ dằn với nhân viên cấp dưới.

Trong bản năng nguyên thủy của con người thì hung dữ để tự vệ hay để giành ưu thế dường như là sẵn có trong mỗi người, chỉ cần có cơ hội thì năng lượng bản năng ấy sẽ bộc lộ. Còn “hiền lành”, hiểu theo nghĩa “cách ứng xử điềm đạm, biết lắng nghe và thấu cảm với người khác” thật sự là một lựa chọn hành xử. Và lựa chọn được điều đó quả thật không dễ dàng chút nào đâu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.