Hiệu trưởng nhắn nhủ sinh viên ra trường: Hãy tự tin bước đi

21/07/2020 12:47 GMT+7

‘Hãy đi và ít nhất tại thời điểm này, các em hãy tự tin bởi những thứ các em đã có được’, lời nhắn nhủ của hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế trong lễ tốt nghiệp đã truyền động lực cho sinh viên bước vào đời.

Lễ ra trường của sinh viên, học sinh cuối cấp không chỉ là một sự kiện với người học mà còn là những thời điểm khó quên với các thầy cô, đặc biệt là hiệu trưởng nhà trường.
Vì đó là khi những “người đưa đò” hoàn thành nhiệm vụ của mình, đưa học trò bắt đầu bước vào một cuộc sống mới và vận dụng những gì đã được học.
Năm nay, dịch Covid-19 bùng phát cả thế giới. Trong khi ở nhiều nước, học sinh vẫn chưa được đến trường học trực tiếp thì Việt Nam may mắn hơn, dù bị gián đoạn nhưng cuối cùng chúng ta vẫn có được những buổi lễ tốt nghiệp ra trường với bạn bè, thầy cô và cả những người thân trong gia đình.
Và trong bối cảnh đặc biệt của năm nay, hiệu trưởng nhiều trường đã có những lời phát biểu chia tay đầy cảm xúc.

Những giá trị sinh tồn cho sinh viên sư phạm

Tại buổi lễ trao bằng tốt nghiệp của sinh viên Trường ĐH Sư phạm Huế cuối tháng 6 vừa qua, thầy hiệu trưởng Lê Anh Phương, có những lời chia sẻ nhiều cảm xúc, nhiều thông điệp gửi đến các nhà giáo tương lai.
Thầy Phương bắt đầu “câu chuyện” với sinh viên bằng cách gợi mở về những giá trị trong cuộc sống: “Mỗi chuyến đò sang sông đối với người thầy mang một cảm xúc khác nhau. Vì chúng tôi biết, hành lý của mỗi người trên chuyến đò này cũng khác chuyến đò của năm trước. Tôi tự tin ở hành lý mà các bạn sinh viên mang theo. Đó là những giá trị của triết lý giáo dục được biến thành giá trị thực trong hành lý ra đi trên con đường của các em sinh viên bắt đầu từ ngày mai”.
Thầy nêu lên các giá trị cụ thể: “Chia tay các em hôm nay, chúng tôi tự tin bởi những giá trị mà chúng tôi đã trang bị cho các em trong 4 năm qua: giá trị của Nhân văn - Khai phóng - Hội nhập. Giá trị đó không chỉ được thể hiện trong từng mục tiêu đặt ra ở từng tiết dạy, từng trang giáo án, mà giá trị đó như là thói quen, như là cuộc sống của toàn thể giảng viên, cán bộ công nhân viên của nhà trường trong những nỗ lực không ngừng nghỉ vì sự nghiệp vĩ đại mà xã hội giao phó: sự nghiệp trồng người dành cho các em. Trên vạn nẻo đường lập thân lập nghiệp của các em bắt đầu từ ngay hôm nay, chúng tôi tự tin mình đã tiễn các em bằng sự cống hiến không ngừng nghỉ, bằng thái độ chuyên nghiệp và lối sống nhân văn. Những tinh thần đó, những niềm tin đó như là món quà đặc biệt của tất cả chúng tôi dành cho các em khi rời xa nơi này”.
Trong sự kiện trọng đại này của sinh viên, thầy Phương không quên nhắc lại những khó khăn mọi người trải qua, đặc biệt trong năm đầy biến động vì dịch Covid-19. “Bốn năm đã qua, chúng tôi đã nỗ lực không ngừng nghỉ bên các em, cùng các em. Dù có những lúc gian khó từ đâu bỗng chợt tràn về tưởng chừng như chúng ta sẽ không về đích được đúng hẹn, đó là đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trên toàn cầu. Chúng ta nằm trong vòng quay đó, chúng ta đã phải tự tìm cách thoát ra bằng việc xây dựng và vận hành tốt hệ thống đào tạo trực tuyến E-learning của trường trong suốt thời gian giãn cách xã hội để người học vẫn đảm bảo tiến độ học tập. Trường ĐH Sư phạm Huế cũng là trường ĐH đầu tiên trong khối các trường sư phạm tổ chức lễ tốt nghiệp cho sinh viên năm 2020. Những khó khăn khách quan đó, tưởng chừng sẽ là kiến giải hợp lý cho việc về đích chậm của chúng ta, nhưng chúng ta đã không dừng lại, đã tìm cách vượt lên, đi thẳng và về đích trong tâm bão. Hãy đi đi, và ít nhất tại thời điểm này, các em hãy tự tin bởi những thứ các em đã có được. Bởi bốn năm qua, bằng vô số các hoạt động nối tiếp trong một vòng quay lớn của giáo dục đại học, nhà trường đã không chỉ trang bị cho các em kiến thức để làm thầy mà còn trang bị cho các em kiến thức để thích nghi ở những mảng màu khác nhau của cuộc sống. Những tri thức từ hoạt động học tập, kỹ năng sống trang bị cho các em chính là những giá trị sinh tồn giúp các em sẽ làm tốt dù ở vị trí nào: giáo viên, hướng dẫn viên, nhà quản lý, doanh nghiệp…”, thầy Phương nhắn gửi.

Nếu kết quả thi không như mong đợi, hãy biết đứng dậy

Cũng trong buổi tổng kết năm học, Hiệu trưởng Trường THPT Việt - Nhật, đã viết tâm thư chia sẻ, dặn dò học trò. Trong đó, ông dặn các em cả việc chuẩn bị tinh thần nếu không may kết quả thi không được như mong đợi.
Đó là bức thư của ông Phạm Ngọc Thanh, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, Hiệu trưởng Trường THPT Việt - Nhật (Q.Gò Vấp, TP.HCM). Ông đã nhắn nhủ các em học sinh rất nhiều, bao gồm cả việc 'nếu lỡ các em thi rớt'.
Nhắn nhủ với học sinh lớp 12, ông Phạm Ngọc Thanh viết: “Thầy biết rằng thời gian này là giai đoạn cao điểm ôn tập của các em. Hầu hết các em đều mong muốn sẽ được vào học một trường đại học nào đó. Các em đều mong muốn đạt điểm cao trong kỳ thi. Nếu kết quả đến như mong đợi là điều thật tuyệt vời. Các em có quyền tự hào về điều đó và tự tin bước tiếp để thực hiện ước mơ của mình. Còn nếu như kết quả không được như mong đợi thì các em cũng nên nhớ rằng, đây chỉ là một cuộc thi. Vào đại học cũng chỉ là một trong những con đường giúp ta thực hiện ước mơ và đích cuối cùng vẫn là rèn luyện để trở thành một con người chân chính, biết đúng, sai, thiện, ác - biết yêu thương, thấu hiểu và sẻ chia. Và đặc biệt phải có nghị lực để rèn luyện năng lực bản thân đóng góp cho xã hội. Có thể các em không trở thành một tài năng xuất chúng để làm những việc vĩ đại nhưng thầy mong rằng các em có thể đóng góp cho đời những chuyên nhỏ bé với cả tấm lòng yêu thương rộng lớn”.
Chia sẻ về học sinh của mình, ông Thanh cho biết thành tích học tập của học sinh trong trường không quá cao, thậm chí còn có 4-5% học sinh yếu. Tuy nhiên, việc dạy kiến thức cho học trò rất quan trọng, nhưng dạy cho các em cách sống, cách hành xử có đạo đức, văn hóa cũng như nghị lực vượt qua những thất bại, vấp ngã cũng rất cần thiết.
“Năm trước, trường tôi cũng có vài học sinh thi rớt tốt nghiệp. Ngày nhận kết quả có một em quay trở lại trường, gặp tôi em bảo là ‘con rớt rồi thầy ơi’. Ánh mắt buồn, nước mắt chực rơi của em làm tôi nhớ mãi. Nhưng khi được hỏi ‘con sẽ làm gì tiếp theo’, thấy các em đã có kế hoạch sẵn cho mình rồi, tôi rất tự hào. Có em thì dự định sẽ học để thi lại, có em chọn đi học nghề để tiếp tục theo đuổi đam mê… Tôi cho rằng như vậy là đã thành công”, ông Thanh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.