Hồ sơ sức khỏe điện tử và nỗi lo bảo mật

Duy Tính
Duy Tính
28/12/2019 07:36 GMT+7

Bộ Y tế đang có đề án thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT) trên toàn quốc. Theo kế hoạch đến năm 2025, mỗi người dân có một HSSKĐT có mã số định danh (ID).

Đây là điều mà nhiều nước tiên tiến đã làm. TP.HCM cũng đã có kế hoạch cụ thể và đang ráo riết thực hiện. Hồ sơ sức khỏe điện tử được kỳ vọng giúp mỗi người dân cập nhật tình hình sức khỏe từ lúc sinh ra đến hết đời. Người dân đi bất cứ đâu khám, chữa bệnh thì bác sĩ cũng có thể biết được tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trong từng giai đoạn để có cách xử lý phù hợp.
Quan trọng không kém là từ dữ liệu sức khỏe cá nhân trên HSSKĐT, nhà quản lý sẽ phân tích, giám sát chỉ số sức khỏe người dân để báo cáo, đánh giá về mô hình bệnh tật, tình hình sức khỏe người dân TP; đồng thời đề ra các giải pháp, chiến lược can thiệp phù hợp nhằm cải thiện sức khỏe...
Nhưng để xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu là không hề đơn giản; cần một chiến dịch quy mô lớn để thu thập thông tin, tổng hợp và số hóa. Thực tế hiện nay, có quá nhiều vấn đề bảo mật thông tin cần bàn, như chiến lược kết nối nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc trên thị trường tự do, công ty dược trên toàn quốc để quản lý việc sử dụng thuốc kê đơn, thuốc kháng sinh là hợp lý. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp lo lắng khi thuốc của mình “hút hàng” cũng là thông tin để đối thủ có thể nhắm vào khai thác. Chuyện đơn giản mà phổ biến nhất hiện nay là nhiều người dân bị làm phiền bởi hình thức “tiếp thị”, “chào hàng” qua điện thoại. Thông tin của người dân vì đâu bị lọt ra ngoài cho “cò” nhà đất, cho các dịch vụ mua bán hàng hóa...?
Trong lĩnh vực sức khỏe, thông tin bệnh nhân rất quan trọng. Vậy nên, trong chính sách bảo mật hồ sơ sức khỏe điện tử, cần quy định các tình huống và các biện pháp chế tài rõ ràng, nghiêm khắc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.