Hỗ trợ mái ấm Tà Nung
Điểm đầu tiên đoàn ghé thăm là Mái ấm Tà Nung, xã Tà Nung, TP.Đà Lạt. Thương cảm những trái tim bé bỏng bị bỏ rơi, mong muốn các con có cơ hội làm người, các nữ tu sĩ đón nhận các con trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có em bị cha mẹ chối bỏ khi vừa cất tiếng khóc chào đời, bị ruồng bỏ khi cha mẹ chia tay hay những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi phong tục lạc hậu ...
Với mong ước sẽ lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn non trẻ, những người mẹ khoác trên vai tấm áo tu sĩ và trái tim nhân hậu đã dang rộng vòng tay, đón nhận tất cả các con vào lòng, lo từng bữa ăn, giấc ngủ, giáo dục, để mai sau các con trở thành người tử tế.
Nữ tu Nguyễn Thị Khoe, phụ trách mái ấm cho biết, hiện mái ấm đang chăm sóc 70 trẻ mồ côi và suy dinh dưỡng. Hơn 27 năm qua, không thể nào tính đếm được có bao nhiêu người đã trưởng thành từ mái ấm này, chỉ khi tết đến, các cháu tập trung về dưới mái nhà xưa, thăm các nữ tu, gọi nhau bằng những tiếng thân ái như mẹ, bà ngoại, bà nội thì lúc đó mới có thể nhớ được.
Một em bé được các nữ tu đón về chăm sóc |
Hạo Thiên |
Để lo cho các trẻ mồ côi, các nữ tu đã cố gắng làm lụng, chắt chiu, họ cần mẫn mang từ bó rau, con gà, con heo, hoa trái thu hái trong vườn đưa ra chợ bán kiếm thêm tiền lo cho các em mồ côi. Có những hôm, các trẻ về hỏi tiền học nhưng chẳng biết xoay xở đâu ra đành xin khất.
Để phần nào san sẻ gánh nặng với các nữ tu nơi mái ấm Tà Nung, ngày 13.11.2021, ông Nguyễn Phú Đức, Giám đốc Quỹ từ thiện Kim Oanh đã gửi tặng 10 triệu đồng hỗ trợ các trẻ mồ côi nơi đây.
Ông Nguyễn Phú Đức (bìa trái), Giám đốc Quỹ từ thiện Kim Oanh trao tiền hỗ trợ các trẻ mồ côi |
Hạo Thiên |
Giúp những người khiếm thị
Quỹ từ thiện Kim Oanh cũng đã đến thăm Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng. Ông Vũ Xuân Trường, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh tiếp đoàn và cho biết, Hội có 1.500 hội viên. Người khiếm thị vẫn cố gắng từng ngày, tự mưu sinh bằng chính tài năng thiên phú và hạnh phúc với những điều giản đơn làm được.
Để có kinh phí hoạt động, Hội người mù đã thành lập một cơ sở xoa bóp trị liệu với 20 hội viên lành nghề. Mỗi tháng sau khi trừ các chi phí, mọi người sẽ đóng góp hơn 2 triệu đồng vào quỹ chung để mở lớp dạy nghề, tặng quà cho hội viên khó khăn.
Giai điệu và lời ca của người khiếm thị góp phần điểm tô cuộc sống. |
Hạo Thiên |
Từ tháng 5.2021, tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, cơ sở xoa bóp trị liệu ngừng hoạt động. Không có nguồn thu mà thời gian qua, cơ sở phải lo ăn uống cho 50 người gồm nhân viên xoa bóp trị liệu, người khiếm thị neo đơn, bán vé số, hát dạo, nên rất khó khăn.
Thấu hiểu những khó khăn vất vả của người khiếm thị, với tinh thần sẻ chia nhân ái, ngày 14.11.2021, Quỹ từ thiện Kim Oanh đã gửi tặng gạo, nhu yếu phẩm thiết yếu, tiền mặt để hỗ trợ.
Những phần gạo, nhu yếu phẩm thiết yếu được Quỹ từ thiện Kim Oanh trao hỗ trợ cho những người khiếm thị. |
Hạo Thiên |
Tiếp sức các bệnh nhân khó khăn
Đại diện Quỹ từ thiện Kim Oanh cũng đã đến thăm, tiếp sức cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, đang khám bệnh, chữa trị tại Tuệ tĩnh đường Linh Quang (TP. Đà Lạt).
Đại Đức Thích Linh Toàn, Phụ trách Tuệ tĩnh đường cho biết, các lương y, bác sĩ, điều dưỡng tại đây mỗi ngày đón tiếp khoảng 80 bệnh nhân, và cấp phát 500 thang thuốc các loại. Tuệ tĩnh đường có 1 phòng khám, 3 phòng điều trị với 7 giường dùng để khám bệnh, chẩn mạch, cấp thuốc nam, châm cứu, siêu âm trị liệu, vận động trị liệu, xung điện, siêu âm trị liệu, tâm lý trị liệu.
Các lương y chuẩn bị thuốc cho các bệnh nhân |
Hạo Thiên |
Để có được nguồn nguyên liệu sử dụng mỗi ngày, phòng khám tiếp nhận nguồn thuốc nam từ các tình nguyện viên, từ những bệnh nhân đã được chữa khỏi gửi đến, họ lấy từ vườn nhà hoặc cất công đi tìm hái trong tự nhiên, góp vào tủ thuốc. Một số dược liệu khác, thì phòng khám phải đi mua nhưng cũng chỉ hạn chế vì kinh phí không có nhiều.
Một bệnh nhân đang kiên trì tập luyện |
Hạo Thiên |
Tại Tuệ tĩnh đường Linh Quang, Quỹ từ thiện Kim Oanh đã trao 10 triệu đồng để phòng khám mua thêm các dược liệu, chữa bệnh cho người nghèo.
Bình luận (0)