Hoa ưu đàm vừa nở - Truyện ngắn của Nguyễn Thanh Nga (Bắc Ninh)

23/09/2023 16:00 GMT+7

Đạt nằm trên chiếc giường có ga trải màu trắng, xung quanh là ống dây dợ chằng chịt kêu tít tít. Tiếng kêu đặc trưng của sự gấp gáp, giục giã thời gian trôi, giục lòng người vội vội, lo lắng. Cô Lan nhìn qua ô cửa kính, tay cô run run, liên tục đưa lên má quệt ngang dòng nước mắt.

Người ta bảo những người có mái tóc xoăn tự nhiên thường sẽ vất vả. Cô Lan có mái tóc xoăn đen, bồng bềnh dù chẳng bao giờ cô ra tiệm uốn. Những lọn xoăn đó giống như những lớp sóng ngoài biển khơi, sóng thì vỗ vào bờ rồi tan biến mất. Nhưng cơn sóng cuộc đời khi xô dạt một ai đó thì cuộc đời ấy biết bao giờ có được bình yên? Thế nên mái tóc xoăn của cô Lan, như những cơn sóng bồng bềnh, trôi dạt cuộc đời cô chẳng biết nơi đâu là bến đậu.

Hoa ưu đàm vừa nở - Truyện ngắn của Nguyễn Thanh Nga (Bắc Ninh)  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nguyễn Thế Thịnh

Ngày ấy, một ngày khoảng mười tám năm về trước, cô sinh Đạt. Ngày cô sinh con cũng là ngày chồng cô mất được trăm ngày. Đạt giống ba y đúc, khuôn mặt khôi ngô với đôi mắt đen láy. Cô Lan nhìn Đạt và ôm ấp con vào lòng. Hơi sữa non trên làn da em mịn thơm nóng hổi. Đạt được ba tháng, những cơn sốt không rõ nguyên nhân cứ bừng bừng mà không một thứ thuốc nào làm giảm đi được. Bác sĩ bảo Đạt bị viêm màng não, có khả năng biến chứng liệt toàn thân. Nhưng cũng may được các bác sĩ nhiệt tình cứu chữa, Đạt không bị liệt toàn thân mà bị liệt hai chân. Cuộc đời, đôi khi trong những điều đen đủi, người ta vẫn vớt vát lại chút may mắn. Hai mẹ con cô Lan sống trong ngôi nhà nhỏ, bữa no bữa đói rau cháo nuôi nhau.

Có nhiều lúc Đạt hỏi mẹ vì sao ba mất sớm trong khi các bạn cùng trang lứa ba của chúng nó vẫn khỏe mạnh. Cô Lan chỉ biết giấu đi giọt nước mắt, bệnh tật có bao giờ chừa một ai. Chú Hoan - chồng cô Lan hồi ấy vẫn còn trẻ, chú gần 30 tuổi. Những ngày làm trong mỏ than hít nhiều khói bụi. Mặt chú đen nhẻm, không phải chú đen vì màu da mà vì than bám trên người nên làn da chú nhuốm màu sạm đen.

Vào một buổi trưa, chú ngất đi trong tình trạng mệt mỏi và được mọi người đưa vào bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán chú bị ung thư phổi. Thời gian chú phát hiện ra bệnh và mất chỉ vỏn vẹn trong vòng một tháng. Cô Lan đang mang bầu Đạt sắp sinh. Cô nhớ thương chú. Nếu đong nước mắt của cô đã khóc vì chú chắc so với dòng sông cũng đủ mà so với cả biển cũng vừa. Cái đệm chú nằm lem nhem đâu đó những vệt than, cô Lan giặt lại và nằm trên chiếc đệm đó, cô cảm nhận hơi ấm của chú đâu đây vẫn còn. Cứ vậy thôi mà cô ru ngủ lòng mình để sống qua ngày đoạn tháng. Chú mất đi, nhưng chắc vẫn dõi theo cô, vẫn gần gũi bên hai mẹ con cô.

Đạt lớn lên cũng đến ngày phải đi học. Cô Lan sắp xếp việc đồng áng rồi thay đôi chân cùng Đạt tới trường. Cô cõng Đạt đi học từ những ngày lớp một với sự lạ lẫm bạn bè xung quanh. Các bạn có hai chân để chạy, còn Đạt dùng hai tay để lê lết trên mặt đất mà di chuyển. Có những ngày trời mưa, cô Lan cõng Đạt trên lưng, mười đầu ngón chân của cô bấm chặt xuống đất kẻo đường trơn dễ ngã. Lúc đi qua bờ mương, đất sét thì nhiều, dù đã bấm ngón chân thật chặt mà hai mẹ con vẫn ngã nhào xuống ruộng lúa, người ướt lướt thướt. Đạt mếu máo nói với cô Lan: "Mẹ ơi! Nếu lần sau con sinh ra, mẹ nhớ đừng để hai chân con bị liệt mẹ nhé!". Cô Lan gật đầu, nước mắt cô hòa cùng nước mưa. Biết bao giờ mới có lần sau để Đạt lại được sinh ra, cuộc đời con người có lần sau dễ dàng được như thế không? Cô nâng Đạt dậy, tiếp tục cõng con đi trên con đường đất.

Đạt học rất giỏi lại có năng khiếu hội họa. Em vẽ phong cảnh cũng đẹp mà vẽ chân dung cũng hay. Có nhiều lúc sau giờ học bài, Đạt hỏi mẹ: "Khuôn mặt ba thế nào, mẹ tả lại để con vẽ ba?". Cô Lan lại lấy tấm ảnh đen trắng ra, mường tượng thêm trong trí nhớ của mình, khuôn mặt của chú Hoan, chú ấy thật hiền từ với vầng trán cao và đôi mắt sâu. Khuôn mặt Đạt cũng giống bố vậy. Thế là Đạt ngồi vẽ, những nét bút chì phác thảo sáng tối, ngang dọc. Một lát sau, bức tranh ba ngồi bên mẹ trong ánh chiều tà, họ cùng ngắm hoàng hôn phía mặt trời sắp lặn. Đó cũng là khoảnh khắc cô Lan nhớ lại và tả cho Đạt vẽ. Lúc ấy, cô và chú Hoan đang yêu nhau.

Hồi ấy ở làng Đặng nơi mẹ con cô Lan sống, nhiều người đi bộ đội vào Nam rồi chẳng trở về nữa. Chiến tranh đi qua, bao người đã hy sinh chẳng lấy nổi một dòng tin tức, một dòng thư gửi về cũng không có, chỉ còn người ở lại, là vợ, là mẹ, mong ngóng, nhớ thương. Đạt vẽ lại bức chân dung và những bức tranh theo trí nhớ của mọi người tả. "Tú nhà bà có cái răng khểnh rất duyên, bà nhớ mãi lúc nó khoác ba lô, tay vẫy vẫy hứa với mẹ sẽ trở về..". "Cô nhớ hôm chú ra đi, cô tặng chú ấy chiếc cặp ba lá gói trong chiếc khăn tay. Chú ôm cô lần cuối, cái ôm rất ấm trong mắt nhìn rất say". Đạt nghe từng câu chuyện và họa lại trong nét vẽ, những bức tranh từ trong trí nhớ của các bà, các cô kể cho Đạt nghe và ra đời. Họ như được sống lại kỷ niệm một thời, họ đặt khẽ ngón tay vào đôi mắt trong bức tranh, mọi thứ tưởng như đã nằm sâu trong ký ức, nay được Đạt vẽ ra. Sao mà họ như được gặp lại, như thấy con họ, chồng họ, người yêu họ trở về, gần gũi kề bên.

Cô Lan và Đạt cũng vui và hạnh phúc vì điều đó. Cũng có nhiều lúc, Đạt vẽ một bức tranh họa chính mình, nhưng Đạt vẽ thêm cả đôi chân của Đạt lành lặn, một chân co, chân duỗi Đạt đứng tựa vào gốc cây. Nhìn bức vẽ rồi Đạt khẽ nhủ thầm: "Mình vẽ mình hay vẽ ba Hoan vậy?".

Một ngày năm học cấp ba, Đạt giành giải nhất cuộc thi vẽ Chân dung cuộc sống. Nhà trường trao tặng cho Đạt chiếc xe lăn có ba bánh. Cô Lan rưng rưng lên nhận giải cùng con, cô ôm Đạt vào lòng, có những hạnh phúc chẳng cần nói bằng lời, chỉ cần những cái ôm ấm áp cũng thấy đủ đầy, rưng rưng.

Đạt đi học trên chiếc xe lăn mới, chỉ cần gạt chiếc cần phía bên tay phải là xe chạy bon bon, nhanh không kém gì xe đạp. Mẹ không phải đưa Đạt đi học trên trường huyện với chiếc xe cà tàng tuột xích liên tục nữa. Cô Lan có thời gian chăm bẵm cây lúa ngoài đồng, tăng gia sản xuất nhiều hơn.

Một ngày đầu hạ năm Đạt mười tám tuổi. Đó là những ngày Đạt bận rộn chuẩn bị cho kỳ thi vào Đại học Kiến trúc. Đạt mơ ước nét vẽ của mình sẽ họa được điều gì đó có ích cho cuộc sống, cho quê hương và đất nước thân yêu. Những buổi học đến khuya đèn sách, những vòng xe lăn bánh đến lớp đều đặn miệt mài sáng chiều. Thế mà, có một ngày tưởng chừng giống như bao ngày bình thường khác, Đạt vượt qua đường để vào cổng trường thì bị một chiếc xe tải khuất tầm nhìn lao tới. Người ta kể lại rằng cậu học sinh ấy đã kêu lên, chiếc xe lăn đổ chênh ra đường quay tít. Xe cứu thương đến, y tá cùng các bạn đưa Đạt lên xe nhưng vệt máu còn bám dính đỏ cả một góc đường.

Những lọn tóc của cô Lan vẫn xoăn tít như con sóng cuộc đời tràn vào cô, xô ngã cô hết lần này tới lần khác. Ngày mất chú Hoan, cô tưởng như mình cũng chết, nhưng lúc đó cô chuẩn bị sinh Đạt. Bây giờ thì sao, tiếng tít tít trong giường bệnh kia, nó khiến cô hãi hùng và đau thắt tim gan tới cuộn trào trong lồng ngực.

Bác sĩ trưởng khoa dẫn cô vào phòng riêng và nói:

- Cháu Đạt đã bị chết não, nhưng cháu còn trẻ, cô nghĩ sao nếu bệnh viện có lời ngỏ muốn cô đồng ý để cháu hiến tạng? Như thế, một người có thể cứu được thêm những người khác. Có rất nhiều người bệnh nhân đang ngày ngày hy vọng... 

Cô Lan cầm chiếc cặp sách của con trai mình. Trong ngăn kéo khóa thứ ba chứa chứng minh thư và vài giấy tờ tùy thân, có một tấm thẻ đăng ký hiến tạng còn mới nguyên nằm lẫn trong đó. Đạt không cho cô biết điều này. Đạt cũng không biết được một ngày nào đó mình sẽ gặp nạn như ngày hôm nay. Nhưng Đạt âm thầm làm tấm thẻ hiến tạng đó, như để gieo duyên lành. Hay Đạt cũng hiểu rằng, cô Lan chẳng bao giờ nỡ từ chối một điều mong muốn tốt đẹp của con trai.

- Tôi… tôi đồng ý bác sĩ ạ!

Cô Lan nói trong tiếng nấc nghẹn nơi cổ họng. Lúc này đây biết bao cảm xúc đang dồn nén trong cô: đau khổ, nghẹn ngào, mất mát, xót xa…

Người ta đưa Đạt đi trong tấm vải màu trắng, chiếc giường có bánh lăn được đẩy ra khỏi phòng, tất cả ai cũng cúi chào với sự biết ơn từ trong sâu thẳm.

***

Trên bàn thờ, di ảnh của Đạt đặt dưới ảnh của ba Hoan. Hai cha con giống nhau như đúc. Cô Lan sống cô đơn trong căn nhà vắng vẻ, những bức vẽ và chồng sách vở của Đạt vẫn nằm ngổn ngang trong góc học tập. Cả bộ quần áo đồng phục của Đạt vẫn gấp ngay ngắn trong ngăn tủ. Với cô Lan, Đạt chỉ vừa đi vắng, có thể em đang đi học xa nhà, rồi một ngày em sẽ về bên cô.

Người làng Đặng họ trách cô Lan nhiều lắm! Họ bảo cô không thương con, con cô đã chết rồi mà cô còn muốn Đạt không được vẹn toàn cơ thể, cô thật nhẫn tâm khi cố tình ký tên vào tờ giấy đồng ý cho con mình hiến tạng. Cô Lan đi qua họ, những tiếng xì xào không dứt sau lưng. Cô càng thêm buồn, cô co mình lại trong căn nhà cô đơn như một vỏ ốc. Cô nói thế nào mọi người cũng không nghe và không chịu hiểu cho cô. Cô thu xếp đồ đạc, khăn gói tạm tá túc ở quê ngoại phía bên kia sông. Buổi chiều đi qua bến đò nước phù sa cuồn cuộn chảy, sao cuộc đời cô cũng bàng bạc như những buổi chiều buồn.

***

- Bác ơi cho cháu hỏi, cháu muốn tìm tới nhà cô Lan! 

- Cô ấy ở cùng bố mẹ đẻ, trong căn nhà cuối ngõ này!

Hai bố con đang hỏi đường một người trong làng Đoài chỉ cho họ nơi cô Lan đang sống. Họ dò dẫm, ngơ ngác với ánh mắt kiếm tìm.

- Cô là Lan! Bố con tôi xin chào cô!

Cô Lan đang phơi thóc trên sân, cô nhìn hai bố con người lạ. Nhưng người con trai kia, nó trạc tuổi với Đạt, ánh mắt ấy, ánh mắt của Đạt! Cô đứng sững người một lát rồi chạy tới ôm chầm lấy người con trai kia và khóc.

- Đạt phải không? Con là Đạt phải không? 

- Dạ, con là Dũng, nhưng con có ánh mắt của Đạt. Từ sau khi thay giác mạc của Đạt, con đã tìm thấy ánh sáng, con sống lại lần thứ hai cô ạ! 

- Chúng tôi tới đây để cảm ơn cô! Cảm ơn cháu Đạt - Người đàn ông khẽ đáp lời.

Cuộc trò chuyện thân mật ấy mang lại bao nhiêu niềm vui cho cô Lan. Cô biết Đạt ở nơi nào đó, vẫn nhìn cuộc đời này qua đôi mắt của Dũng, điều ấy đối với cô thật ấm áp biết bao!

Người làng Đặng cũng dần hiểu việc cô Lan đã làm. Họ không còn trách cô như hồi trước. Bởi vì, sau ngày bố con Dũng đến tìm cô, lại thêm gia đình em Minh cũng tìm đến để cảm ơn cô và Đạt. Minh sống lại nhờ trái tim của Đạt. Cả gia đình của Minh và Dũng đều đăng ký hiến tạng như Đạt đã từng làm.

Cô Lan trở về căn nhà cũ, nhưng giờ đây cô không còn cô đơn nữa. Cô có những đứa con mới, họ gọi cô là mẹ. Họ mang trong mình trái tim của Đạt, ánh mắt của Đạt và như thế Đạt vẫn luôn bên cô.

Chiều nay, bên cánh cửa bằng gỗ, cô Lan tìm thấy một bông hoa ưu đàm vừa nở. Cô nhớ tới đứa con thân yêu của mình, cô thương cuộc đời Đạt cũng mỏng manh như cánh hoa. Loài hoa ưu đàm, dù nhỏ bé nhưng vẫn kiên cường phảng phất đâu đây hương thơm dìu dịu. Người ta bảo rằng đó là hoa của Phật, ba ngàn năm mới nở một lần. Ai nhìn thấy loài hoa quý hiếm ấy, cũng như gặp được niềm hạnh phúc và phước lành.

Thể lệ

Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng

Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.

Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.

Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.

Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).

Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.

Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.

Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.

Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.

Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.

Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: songdep2023@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.

Hoa ưu đàm vừa nở - Truyện ngắn của Nguyễn Thanh Nga (Bắc Ninh)  - Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.