Tư liệu lần đầu công bố về Nam Phương hoàng hậu và vua Bảo Đại

Hoàng hậu Nam Phương và tình yêu văn hóa Việt

29/03/2023 08:31 GMT+7

Hoàng hậu Nam Phương thuộc người của Tây học. Dù được đào tạo theo ngôn ngữ và văn minh Pháp, nhưng có một điều ngạc nhiên là khi đọc thư từ của bà gửi cựu hoàng Bảo Đại, bàng bạc trong đó khá nhiều suy nghĩ, niềm yêu thích đối với tiếng Việt và văn hóa Việt.

Năm 1926, bà được gia đình cho du học Pháp, tại Trường Dòng Couvent des Oiseaux - một trường danh tiếng bậc nhất ở Paris - do các nữ tu giảng dạy. Năm 1932, bà tốt nghiệp tú tài và trở về nước.

Sách Hoàng hậu Nam Phương qua một số tài liệu chưa công bố (NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành) cho biết: Dù đã được thưởng thức nhiều món ngon phương Tây, nhưng bà luôn nhớ về những món ăn cực kỳ dân dã nơi quê nhà. Thú vị hơn, là có những từ trong các bức thư gửi cho chồng là cựu hoàng Bảo Đại, bà sử dụng tiếng Việt chứ không dùng từ tương đương có thể tìm thấy trong tiếng Pháp.

Hoàng hậu Nam Phương và tình yêu văn hóa Việt - Ảnh 1.

Kim Bảo ấn của Nam Phương hoàng hậu (phía bên phải là mặt dấu khắc chữ Hoàng hậu chi bảo) đang được Bảo tàng Lịch sử VN lưu giữ

"Nếu Mình xuống Sài Gòn, xin Mình nói giúp với bà Hữu đặt làm cho em một ít bánh tráng khoai và bánh hỏi phơi khô vì các con thích ăn những thứ bánh này lắm" (thư ngày 3.7.1949); "Mình nhớ gửi vài chai nước mắm và gạo sang đây cho em bằng đường biển từ Sài Gòn" (thư ngày 6.2.1950); "Bính đã chuyển tới em mắm và gạo của bà Hữu ở Paris gửi biếu. Có cả nem và lạp xưởng và em đã thưởng thức ngay trong sáng nay" (thư ngày 13.12.1950); "Họ mang đến cho em bánh Trung thu, nước mắm của Mẫu hậu nhờ chuyển và cả chả lụa nữa" (thư ngày 1.9.1950)…

Một trong những nội dung trao đổi với cựu hoàng Bảo Đại, ta thấy nhiều lần bà nhắc đến việc học hành của các con. Có lúc bà than phiền: "Tiếng Việt ở đây không được dạy đều đặn" (thư ngày 19.10.1951).

Do đó, "Mình đã làm em vô cùng sung sướng khi giao Long khôi phục lại tủ sách Việt ngữ cho em, gồm cả thơ, tiểu thuyết, truyện sử v.v… và tất cả những cuốn sách em có trong cung An Định đã bị những kẻ hầu hạ Mẫu hậu lấy hết rồi. Em hoài vọng về nền văn học của nước nhà. Xin Mình hãy giúp em mua lại những tủ sách của các quan chức thuộc địa cũ nhằm khôi phục lại bộ sách của em bao gồm tất cả các sách nói về Đông Dương" (thư ngày 1.11.1951).

Hoàng hậu Nam Phương và tình yêu văn hóa Việt - Ảnh 2.

Nam Phương hoàng hậu thời thiếu nữ

Q.TRÂN chụp từ sách

Ở lá thư này còn thú vị ở chỗ hé lộ cho chúng ta biết Nam Phương hoàng hậu rất ham thích đọc sách.

Chính nhờ hay đọc sách nên có lần bà đã phát hiện ra những chi tiết không đúng viết về Nam kỳ in trong sách giáo khoa phát hành ở Pháp: "Đó là cuốn Thế giới toàn cảnh của tác giả Renaud de Jouvenel do nhà xuất bản ở địa chỉ 33 André des Arts, Quận 6, Paris ấn hành ngày 15.6.1949 tại xí nghiệp in Chaise số 20 Bergère, Paris. Hãy đọc trang 240 viết về Nam kỳ, và điều đó được giảng dạy trong một số trường học công. Em rất bực mình và đã gửi thông báo cho Đệ để ông ta làm văn bản kháng nghị lên Bộ Các nước liên kết đòi rút tài liệu này ra khỏi các trường học" (thư ngày 18.1.1952).

Lời lẽ trong thư quyết liệt và các cứ liệu rõ ràng, đầy đủ, "nói có sách, mách có chứng", chứng tỏ dù sống xa đất nước nhưng trong lòng bà vẫn hướng về cố hương và có mối quan tâm sâu sắc.

Sống nơi đất khách quê người, tất nhiên 5 người con của bà đều học theo lối giáo dục của văn hóa Pháp, nhưng lúc nào bà cũng đau đáu: "Con của chúng ta đang cần một thầy phụ đạo xứng đáng có kiến thức văn hóa như Trần Trọng Kim vậy để giảng dạy cho nó về nền văn hóa Việt - Hoa và có thể đi ra ngoài phố mà không bị sự khinh rẻ của đồng hương".

Nam Phương hoàng hậu tha thiết: "Xin Mình cho biết liệu em có thể gọi Lê Thành Ý đến dạy Việt ngữ cho con trai lớn chúng ta được không?" (thư ngày 23.3.1954). Được biết, ông Lê Thành Ý có người con trai về sau trở thành nhà sử học, nhà khoa học xuất sắc Lê Thành Khôi, gần đây bộ sách giá trị Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX của ông Khôi đã được dịch và phát hành tại VN.

Nhắc lại điều này, để thấy Nam Phương hoàng hậu luôn tự hào và rất ý thức bảo tồn về văn hóa Việt nên bằng mọi cách bà quyết tìm đúng người tài để dạy Việt ngữ cho con của mình.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.