80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam: Tiền tỉ từ kinh tế di sản

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
23/03/2023 07:43 GMT+7

Những chiếc áo mang logo Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chai nước lấy từ giếng Hoàng thành Thăng Long, tour du lịch ở Nhà tù Hỏa Lò… Tiền tỉ đến từ đó, cũng là tiền tỉ từ nền kinh tế di sản.

Đây Văn Miếu, kia Hoàng thành…

Nữ sinh lớp 9 Vũ Hà Trang rất vui vì được tự tay đóng chữ "Đỗ đạt" lên tờ giấy dó trước khi bước vào kỳ thi vào lớp 10. Phòng trải nghiệm của Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đông nghịt các cô cậu học trò muốn có một tờ giấy như thế, kỳ thi quan trọng cuối cấp mà.

Tiền tỉ từ kinh tế di sản  - Ảnh 1.

Hoàng thành Thăng Long đã phát triển được kinh tế du lịch

Lưu Quang Phổ

Trải nghiệm này của các em gần như miễn phí, chỉ phải trả chút tiền mua giấy mực. Tuy nhiên, các cô cậu học trò có thể mua thêm một vài sản phẩm khác ở Văn Miếu mang về. Ở đây, có áo phông với hình Khuê Văn Các, các bình nước với logo Văn Miếu. "Các sản phẩm này cho thấy ứng dụng văn hóa vào làm kinh tế du lịch", PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, đánh giá.

Tại Hoàng thành, các sản phẩm du lịch di sản cũng phát triển đều đặn trong vài năm gần đây. Khách tham quan có thể "uống" ký ức hoàng cung xưa khi được sở hữu một chai nước lấy lên từ giếng cổ. Những trải nghiệm về cuộc kháng chiến trong những căn hầm tại Hoàng thành cũng rất thu hút. Ở đó, người xem có thể hình dung, Hà Nội đã chống B52 như thế nào, những mệnh lệnh quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra làm sao. Tất cả trải nghiệm đó đều gói gọn trong tấm vé tham quan du lịch. Tiền đến từ những trải nghiệm như thế, theo TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa và du lịch, chính là từ nền kinh tế di sản.

Trong bài viết gửi hội thảo "80 năm Đề cương về văn hóa VN khởi nguồn và động lực phát triển", TS Trần Hữu Sơn viết: "Một đặc điểm nổi trội của di sản, di tích là tính biểu tượng, tượng trưng cao. Các di tích ở Hội An, Hà Nội như hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành đều trở thành các biểu tượng xuất hiện trên truyền thông, rồi đi vào một số sản phẩm như trò chơi điện tử, các đồ lưu niệm như áo, mũ, túi, bút… Đây là một đặc điểm về con đường phát huy giá trị di sản trong hàng hóa. Tính biểu tượng của di sản càng được quảng bá, càng hàm chứa giá trị nổi tiếng thì biểu tượng đó càng trở thành đắt giá".

Cũng theo ông Sơn, bên cạnh ngành công nghiệp văn hóa "ăn theo" biểu tượng văn hóa, kinh tế di sản còn gồm các loại hình khác như: du lịch di sản, các sản phẩm nông nghiệp OCOP (mỗi xã một sản phẩm - PV), ẩm thực truyền thống, thủ công mỹ nghệ truyền thống… "Các loại hình thuộc kinh tế di sản đều có đặc điểm chung là bắt nguồn từ di sản, là các loại hình kinh tế dựa vào di sản văn hóa", TS Sơn cho biết.

Tiền tỉ từ kinh tế di sản  - Ảnh 2.

Trải nghiệm viết chữ tại Văn Miếu trước kỳ thi vào PTTH

Thanh Hồng

Đón xu hướng, lập quy chế

Theo PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia, các khoản thu từ kinh tế di sản đang dần trở nên lớn hơn. "Ở Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội - PV), một đơn vị có thể nộp thuế như di tích Nhà tù Hỏa Lò không nhiều. Văn Miếu cũng hoạt động rất tốt, thu tốt. Như thế, di sản được phát huy mà kinh tế cũng phát triển", TS Bài nói.

Theo TS Sơn, với việc phát triển kinh tế du lịch, chúng ta có thể đón nhiều xu hướng tiêu dùng văn hóa. Hiện nay, nhiều nước phát triển đã vượt qua thời kỳ công nghiệp, chuyển sang hậu công nghiệp. Các nước đang phát triển cũng đã vượt qua giai đoạn kinh tế nông nghiệp, chuyển sang kinh tế công nghiệp. Vì vậy, nhu cầu khám phá về nền văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp đang trở thành nhu cầu của lớp trẻ và cư dân đương đại.

Tính biểu tượng của di sản càng được quảng bá, càng hàm chứa giá trị nổi tiếng thì biểu tượng đó càng trở thành đắt giá.


TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa và du lịch

"Xu hướng du lịch trải nghiệm đang trở thành một xu hướng quan trọng chi phối các hoạt động du lịch. Các phương thức canh tác ở miền núi như làm ruộng bậc thang, chọc lỗ tra hạt, các nghề thủ công như chạm khắc bạc của người Mông, người Dao, dệt thổ cẩm của người Tày, người Thái, người Mường… đang là những xu hướng du lịch mới", TS Sơn khẳng định.

TS Vũ Diệu Trung, Giám đốc Trung tâm dữ liệu di sản văn hóa, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN, cho rằng kinh tế di sản rất gần với bảo tồn di sản. Theo đó, bảo tồn di sản phải gắn với quảng bá hình ảnh di sản nhằm mục tiêu phát triển du lịch để phát triển KT-XH ở từng địa phương cụ thể. Bên cạnh khôi phục nâng cấp công nghệ các ngành nghề thủ công truyền thống, mang tính văn hóa của các vùng dân tộc như dệt lanh, thổ cẩm, may quần áo dân tộc, mây tre đan, trồng và chế biến chè, sản xuất vật liệu xây dựng, rèn, đúc lưỡi cày, cuốc… cần sử dụng các nguồn nguyên liệu địa phương, hình thành các hiệp hội nghề thủ công nghiệp để mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

Mặc dù vậy, theo TS Sơn, để phát triển kinh tế di sản, rất cần chú ý đến vấn đề sở hữu trí tuệ vì dễ xảy ra vi phạm bản quyền. Ông Sơn lấy ví dụ về việc các hội xuân của đồng bào dân tộc thiểu số đang bị chính quyền can thiệp quá nhiều, thậm chí ở nhiều nơi, chính quyền thôn còn đứng ra thu lệ phí tham quan của du khách. Cũng có khi ở vùng du lịch, di sản thuộc cộng đồng địa phương nhưng doanh nghiệp đầu tư một số sản phẩm và bán vé, còn người dân chỉ hưởng lợi rất ít mà điển hình là làng du lịch Cát Cát của người Mông ở Sa Pa.

"Mỗi năm doanh nghiệp thu vài chục tỉ đồng nhưng chỉ chi cho người dân trong làng vài trăm triệu, trong khi cảnh quan thôn bản Mông, nghề thủ công của người Mông, sinh hoạt văn hóa của người Mông trong thôn. Họ là chủ nhân điểm du lịch nhưng lại trở thành người làm thuê cho doanh nghiệp", TS Sơn đánh giá.

Một điểm nữa, theo ông Sơn, cũng quan trọng, là cần xây dựng "Quỹ trùng tu, tôn tạo di sản". "Trong đó, quy định rõ nguồn thu từ kinh tế di sản đóng góp, các nguồn thu do doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ cho Quỹ trùng tu, tôn tạo di sản. Xây dựng các quy định về quản lý quỹ mang tính chất minh bạch, công khai, khoa học và hiệu quả", TS Sơn đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.