Hoang phí 'đất vàng': Bình Thuận có ngăn được hoang phí 'đất vàng'?

Quế Hà
Quế Hà
26/11/2022 06:18 GMT+7

UBND tỉnh Bình Thuận đã thường xuyên chỉ đạo rà soát, kiên quyết thu hồi dự án nếu không có lý do chính đáng. Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã thu hồi 11 dự án 'đất vàng' chậm triển khai.

Liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp thời gian qua khi được tỉnh Bình Thuận giao đất nhưng không đưa đất vào triển khai, bỏ hoang dự án, gây lãng phí tài nguyên đất đai (Thanh Niên đã phản ánh), ngày 24.11 PV Thanh Niên có cuộc phỏng vấn ông Trần Nguyên Lộc (ảnh), Giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận, về vấn đề này.

QUẾ HÀ

Ông Trần Nguyên Lộc cho rằng, nhìn chung thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, các dự án được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã sử dụng đất đúng mục đích, đảm bảo việc đầu tư, sử dụng đất theo tiến độ được duyệt.

Tuy nhiên, một số dự án đầu tư trên lĩnh vực dịch vụ, du lịch, nhất là các dự án nằm xa trung tâm TP.Phan Thiết, hoặc có điều kiện hạ tầng hạn chế thường bị chậm tiến độ đầu tư, chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng, một số nhận định cho rằng đây cũng là hình thức lãng phí đất đai.

Các dự án chậm đầu tư đều có nguyên nhân như giải phóng mặt bằng, tái định cư, đền bù giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn, kéo dài thời gian do chậm xác định tính pháp lý, chính sách giá đền bù thay đổi, chủ dự án và người dân không thỏa thuận được giá đền bù với nhau. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các dự án chậm triển khai. Mặt khác, có tình trạng khiếu nại việc đền bù, tranh chấp đất đai, gây “phiền toái” cho nhà đầu tư trong việc triển khai dự án, nhưng việc xử lý chưa dứt điểm.

Ngoài ra, có tình trạng tái lấn chiếm của các hộ dân làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Chẳng hạn một số nơi như H.Bắc Bình và H.Hàm Tân, dự án đền bù xong giao đất cho các chủ đầu tư khai thác titan. Sau khi khai thác xong titan bàn giao lại cho các dự án du lịch triển khai thì bị dân lấn chiếm.

Nguyên nhân khác, đó là về kết cấu hạ tầng. Có dự án điều kiện hạ tầng thiếu hoặc chưa đồng bộ (chưa có đường giao thông, nước sinh hoạt…). Một số nhà đầu tư triển khai xây dựng cầm chừng. Có thể kể đến như khu vực Long Sơn - Suối Nước (P.Mũi Né, TP.Phan Thiết), khu vực giáp ranh xã Hòa Thắng (H.Bắc Bình); khu vực ven biển xã Tân Thắng, xã Thắng Hải (H.Hàm Tân); các khu vực này hiện chưa có đường vào, chưa có hệ thống nước sinh hoạt, các doanh nghiệp không thể triển khai xây dựng dự án.

Việc chồng lấn quy hoạch titan cũng là một nguyên nhân khách quan khiến các dự án không đưa đất vào sử dụng. Một số dự án chồng lấn quy hoạch titan phải chờ thăm dò, khai thác xong mới được triển khai (theo Nghị định 51 năm 2021 của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia), các dự án này chủ yếu ở khu vực Long Sơn - Suối Nước (P.Mũi Né).

Ngoài ra còn có nhiều dự án ở khu vực xã Hồng Phong, xã Hòa Thắng (H.Bắc Bình), xã Tân Thắng (H.Hàm Tân) bị vướng titan. Hiện nay, một số dự án vừa khai thác xong titan, mới được bàn giao đất, chưa kịp để triển khai.

Vì sao có dự án nhưng chưa có quy hoạch?

Một trong các nguyên nhân chậm đưa đất vào triển khai còn do nguyên nhân chưa có quy hoạch. Do dự án sau khi đã thỏa thuận đền bù xong (đất của dân), phần diện tích đất của dân thì chưa có trong kế hoạch sử dụng đất, nên phải chờ bổ sung kế hoạch sử dụng đất, làm cơ sở để nhà nước thu hồi, rồi mới cho thuê đất theo quy định.

Hiện nay có nhiều dự án vướng quy hoạch xây dựng (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu). Một số khu vực trên địa bàn tỉnh đang phải điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Theo quy định tại điều 25 của luật Xây dựng số 50/2014/QH-13 ngày 18.6.2014 của Quốc hội thì điều kiện để xem xét, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án là phải có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được duyệt. Điều này dẫn đến các chủ đầu tư không thể hoàn thành các thủ tục đầu tư và triển khai xây dựng dự án đúng tiến độ.

Hoặc nhiều dự án nằm ở ven biển (như khu vực Long Sơn - Suối Nước, TP.Phan Thiết), xã Hồng Phong (H.Bắc Bình), Thuận Quý, Tân Thành (H.Hàm Thuận Nam) bị vướng khoản 1, điều 79 luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo vì không xác định được mực nước chiều cao trung bình.

Do vậy, “kể từ thời điểm luật này được công bố (có hiệu lực từ ngày 1.7.2016), giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100 m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền”. Quy định này khiến cho nhiều dự án bị chậm.

“Đứng bánh” vì vô vàn lý do

Hoang phí “đất vàng” có phải còn do sự phối hợp giữa các sở ngành, địa phương chưa hiệu quả, chưa kiên quyết thu hồi dự án?

Về tình trạng bỏ hoang dự án, gây lãng phí tài nguyên đất đai, có một nguyên nhân khác là sự phối hợp của các ngành, các địa phương có dự án để giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả cao. Còn có nhiều chủ đầu tư chưa tích cực phối hợp để giải quyết các vướng mắc.

Hiện nay, có 11 dự án nhà đầu tư chậm triển khai thủ tục đầu tư, thiếu năng lực tài chính hoặc không có thiện chí đầu tư, chờ đợi các dự án trong khu vực cùng triển khai, xây dựng cầm chừng để đối phó.

Đối với những trường hợp này, UBND tỉnh Bình Thuận đã thường xuyên chỉ đạo rà soát, kiên quyết thu hồi dự án nếu không có lý do chính đáng. Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã thu hồi 11 dự án chậm triển khai. Cũng phải nói thêm, trong 2 năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến các nhà đầu tư không thể triển khai dự án. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc huy động nguồn lực tài chính. Các dự án chậm triển khai chủ yếu được chấp thuận từ trước năm 2014, năng lực của chủ đầu tư yếu kém, đầu tư cầm chừng, chờ thời cơ sang nhượng lại.

Cùng với đó là nhiều quy định về quản lý đất đai có chồng chéo, chưa đầy đủ, rõ ràng, chậm được tháo gỡ, gây khó khăn trong việc thực hiện

Việc xác định giá đất hiện có khó khăn?

Việc xác định giá đất cụ thể hiện nay còn chậm, do vướng mắc rất nhiều trong việc áp dụng các phương pháp định giá đất.

Với trách nhiệm của mình, thời gian tới Sở TN-MT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai để gỡ “nút thắt” cho doanh nghiệp (vướng thủ tục giao đất, cho thuê đất - PV). Mặt khác, thường xuyên chấn chỉnh công chức, viên chức của ngành thực thi công vụ tốt, nhanh, đúng quy định để tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư đưa dự án vào hoạt động.

Hằng tháng, Sở TN-MT Bình Thuận đều có lịch tiếp các doanh nghiệp để cùng tháo gỡ các khó khăn trong việc cho thuê đất, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, để hạn chế sự chồng chéo hiện nay.

“Đây là lần gia hạn cuối cùng”

Sở tham mưu cho UBND tỉnh xử lý như thế nào nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, nhưng đồng thời không gây lãng phí tài nguyên đất đai?

Thời gian qua, Sở TN-MT đã tổ chức kiểm tra, báo cáo đề xuất UBND tỉnh thu tiền bổ sung các dự án chậm triển khai.

Trong giai đoạn từ 2019 - 30.6.2022, tổng số dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất được UBND tỉnh cho gia hạn tiến độ sử dụng đất là 79 dự án (khoảng hơn 1.302 ha).

Đầu năm 2022, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) có kiểm tra các dự án chậm đưa đất vào sử dụng đất. Sau khi có thông báo kết luận, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh có công văn (số 3007) chấn chỉnh và công khai 79 dự án vi phạm đất đai lên cổng thông tin điện tử của tỉnh Bình Thuận.

Để tạo điều kiện tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh cho gia hạn thời gian triển khai đối với một số dự án chậm do ảnh hưởng dịch Covid-19. Và đây là lần gia hạn cuối cùng. Sau khi hết thời gian gia hạn mà các dự án vẫn không đưa đất vào sử dụng, Sở TN-MT sẽ phối hợp các sở ngành liên quan, tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất theo quy định tại khoản 1, điều 64 luật Đất đai năm 2013.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.