Hoang phí 'đất vàng': Truy trách nhiệm để xử lý

22/11/2022 05:30 GMT+7

Như Thanh Niên ngày 21.11 thông tin, tình trạng lãng phí đất đai ở Bình Thuận thời gian qua có trách nhiệm rất lớn của các cơ quan chuyên môn, trong đó trách nhiệm chính là của chính quyền các cấp cho đến UBND tỉnh Bình Thuận.

Qua kiểm tra, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) cho rằng “có trách nhiệm của chính quyền” đối với việc hàng trăm dự án (DA) với hàng nghìn héc ta đất, mà chủ yếu là đất ven biển để phát triển du lịch, dịch vụ thương mại có giá trị rất cao, đang bị lãng phí do không đưa vào sử dụng.

Nhiều DA có thời hạn sử dụng đất đã hết tiến độ đầu tư nhiều năm (có DA trên 15 năm), vi phạm không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất nhưng UBND tỉnh, Sở KH-ĐT Bình Thuận vẫn cho điều chỉnh, gia hạn tiến độ đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư DA mới. Chẳng hạn như DA khu du lịch Minh Sơn, khu du lịch Thành Hưng, khu du lịch Ngọc Khánh, khu du lịch E Den và khu du lịch Thu Hằng…

Không chỉ cho chuyển nhượng nhiều lần, Tổng cục Quản lý đất đai còn phát hiện UBND tỉnh Bình Thuận cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa đúng quy định của pháp luật.

“Đất vàng” dự án ven biển Bình Thuận chỉ có hàng rào giữ đất mà không được đưa vào sử dụng

Buông lỏng quản lý đất đai ?

Trên thực tế, tình trạng để lãng phí đất đai ở Bình Thuận không chỉ nằm ở dải “đất vàng” ven biển trải dài hàng trăm ki lô mét, không chỉ nằm trong số ít các DA đã được kiểm tra, mà còn diễn ra ở nhiều địa phương khác, và không chỉ có đất dịch vụ, thương mại.

Trả lời PV Thanh Niên, ông Mai Văn Tam, nguyên Chánh thanh tra Sở TN-MT Bình Thuận, cho rằng để khắc phục tình trạng lãng phí đất đai, tài nguyên thì phải khắc phục cho được tình trạng “dễ dãi” trong cấp phép đầu tư, trong giao đất, cho thuê đất.

“Nhìn thực tế thời gian qua, Bình Thuận đã xảy ra tình trạng nhiều DA được cho thuê đất, giao đất, thậm chí giao đất dễ dãi, không đấu giá theo quy định pháp luật. Theo quan điểm của cá nhân tôi thì rõ ràng có dấu hiệu buông lỏng trong công tác quản lý, cấp phép đầu tư, trong giao đất, cho thuê đất đối với doanh nghiệp”, ông nói.

Cũng theo ông Tam, để tháo “nút thắt” này phải có cơ chế rõ ràng trong phân cấp phân quyền giữa cấp huyện và cấp tỉnh trong giao đất, cho thuê đất và cấp quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, phải tăng cường kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư đã được giao đất.

“Theo tôi, trước khi chấp thuận DA đầu tư để giao đất, cho thuê đất, phải kiểm tra chặt chẽ năng lực của nhà đầu tư và phải siết quy định trong việc cấp phép, gia hạn đầu tư. Liệu có thể tính toán chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư đã thực hiện DA? Còn nếu cấp trước, khi họ có giấy tờ rồi thì sẽ thế chấp vào ngân hàng vay vốn nhưng lại không đưa đất vào sử dụng, gây khó khăn trong việc xử lý sau này”, ông Tam nói và nhấn mạnh cần kiên quyết xử lý hành vi vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ của những cán bộ công chức tiêu cực, liên kết với doanh nghiệp để tạo lợi ích nhóm.

Hai bên đường Võ Nguyên Giáp (TP.Phan Thiết) quỹ đất còn rất lớn chưa được đưa vào đầu tư khai thác

Q.H

Cũng theo nguyên Chánh thanh tra Sở TN-MT Bình Thuận, phải rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gắn với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để kêu gọi đầu tư hiệu quả. Trên thực tế, có những DA nhà đầu tư không thể triển khai do không đồng bộ hoặc thiếu đầu tư hạ tầng.

“Giao đất cho nhà đầu tư nhưng không có đường vào DA thì sao mà triển khai. Mặt khác, cũng phải khắc phục ngay tình trạng điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo yêu cầu của nhà đầu tư, hoặc là không nhận tài trợ của nhà đầu tư để làm quy hoạch. Nếu cứ "chạy" theo nhà đầu tư sẽ làm phá vỡ quy hoạch chung, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước về tiền sử dụng đất”, ông Tam phân tích.

“Làm sai, phải làm lại”

Ông Nguyễn Thiện Lưu, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (thuộc Sở TN-MT Bình Thuận), thừa nhận có tình trạng lãng phí đất đai như kết luận của Tổng cục Quản lý đất đai đã nêu. Theo ông Lưu, việc nhiều DA không đưa đất vào sử dụng, gây lãng phí có nhiều nguyên nhân. Trước hết đó là vướng khai thác titan, còn đất của dân chưa giải tỏa đền bù được, và đặc biệt là thiếu hạ tầng; nhiều DA bị chậm là do thiếu quy hoạch.

Nhiều dự án ven biển thuộc H.Hàm Thuận Nam không được triển khai hoặc triển khai chậm, gây lãng phí đất đai

“Muốn được cấp phép xây dựng phải có quy hoạch tỷ lệ 1/500. Mà muốn có 1/500 thì phải có quy hoạch phân khu, muốn có quy hoạch phân khu lại phải có quy hoạch vùng. Nếu không có cái này thì không thể triển khai DA được”, ông Lưu lý giải và cho biết hiện nay UBND tỉnh đã giao cho Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Bình Thuận thực hiện việc quy hoạch.

Lãnh đạo Chi cục Quản lý đất đai Bình Thuận cũng thừa nhận trước đây một số DA được tham mưu cho tỉnh gia hạn nhiều lần, không đúng với các thủ tục quy định của pháp luật, nên bây giờ phải làm lại.

Trong khi đó, Phó giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận Nguyễn Đức Toàn cho hay từ năm 2021, UBND tỉnh Bình Thuận mới cho triển khai các quy hoạch phân khu trên toàn tỉnh. Riêng khu vực Mũi Né sẽ có quy hoạch khu du lịch quốc gia theo luật Du lịch. Xong quy hoạch du lịch mới làm được quy hoạch phân khu. Sau đó mới có quy hoạch chi tiết để cấp phép xây dựng. Như vậy, nếu DA nào chưa có quy hoạch chi tiết thì sẽ còn phải chờ, chưa thể triển khai ngay được.

Thu hồi dự án “ngâm” đất

Ngày 12.9 vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn gửi các sở, ngành về việc triển khai các kiến nghị của Tổng cục Quản lý đất đai. Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở TN-MT chủ động công bố công khai các DA chậm tiến độ, lãng phí đất đai mà Tổng cục Quản lý đất đai đã kết luận.

Đối với Sở KH-ĐT, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, gia hạn hoặc chấm dứt DA đầu tư đối với những DA không đưa đất vào sử dụng. Chủ trì, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp còn vướng về thủ tục. Đối với Sở Xây dựng, UBND tỉnh yêu cầu đôn đốc việc lập và phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500 để có căn cứ cấp phép xây dựng cho các DA chậm tiến độ.

Trả lời Thanh Niên, đại diện Sở KH-ĐT Bình Thuận khẳng định sẽ thu hồi DA khi nói đến các DA cố tình không triển khai, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Đại diện Sở KH-ĐT thừa nhận, sau 2 lần tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư (năm 2017 và 2019) đã thu hút được nhiều DA trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ nhưng đến nay có những DA vẫn chưa triển khai được do bị chồng lấn khai thác titan, thiếu quy hoạch và nhiều nguyên nhân khác.

Cũng theo thống kê từ Sở KH-ĐT Bình Thuận, từ đầu năm 2022 đến nay, cơ quan này đã tham mưu UBND tỉnh thu hồi 10 DA (617 ha). DA mới nhất đã thu hồi là DA chăn nuôi bò sữa 497 ha của Công ty CP sữa Thông Thuận ở H.Bắc Bình do không đưa đất vào sử dụng từ năm 2017 đến nay.

Lập đoàn giám sát

Theo tin từ HĐND tỉnh Bình Thuận, hiện nay cơ quan này đã thành lập đoàn giám sát DA ngoài ngân sách. Đoàn giám sát sẽ do ông Tiêu Hồng Phúc, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, làm trưởng đoàn; Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Đỗ Văn Chung làm phó đoàn. Đoàn giám sát sẽ đánh giá kết quả, những tồn tại, bất cập, vướng mắc, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong công tác thu hút đầu tư, cấp phép và quản lý DA ngoài ngân sách, giai đoạn từ năm 2019 đến tháng 6.2022.

Đoàn giám sát sẽ tập trung vào việc UBND tỉnh, các sở ngành và địa phương ban hành văn bản, chỉ đạo triển khai việc thu hút đầu tư, cấp phép và quản lý dự án. Như vậy, tất cả các DA thuộc diện gây lãng phí đất đai sẽ thuộc phạm vi giám sát của HĐND tỉnh Bình Thuận từ nay cho đến hết tháng 11.2022.

Hoang phí 'đất vàng'

Hoang phí 'đất vàng'

'Bánh vẽ' ở nhiều khu đất vàng ven biển

Nản lòng với 3 dự án siêu 'treo'

Ôm hơn 4 ha 'đất vàng' rồi bỏ hoang

Dự án bị bỏ hoang 17 năm

7 năm địa phương nhận lấy bãi cỏ dại

3,2 ha 'đất vàng' ở Ninh Bình bỏ hoang 2 thập niên

Dự án bị chia nhỏ, bỏ dở sau 12 năm được giao đất

Đất đẹp 'độc nhất vô nhị' bỏ hoang giữa thủ đô

Mặt bằng tiền tỉ bỏ trống vì cơ chế

Để hoang hàng trăm ngàn mét vuông 'đất vàng' vì kiện cáo

Bỏ không hàng nghìn căn hộ tái định cư

Lấy 'đất vàng' xây ký túc xá nghìn tỉ rồi bỏ không

Đất vàng 'treo' giữa thủ phủ phố núi

Dự án 33 triệu USD thành điểm tiêm chích ma túy

Dự án chung cư nghìn tỉ 'ôm đất vàng' rồi bỏ hoang

Hàng trăm héc ta đất mặt biển hoang phí từng ngày

'Chết yểu' trên đất vàng nội đô Hà Nội

Mất tiền tỉ để giữ 'đất vàng' bỏ hoang

Định hướng sử dụng 'đất vàng'... trên giấy

Treo cả dự án trên đất trúng đấu giá

Đầy rẫy đô thị hoang

Xí phần rồi bỏ hoang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.