Hoang tin 'CSGT 'giả' thổi phạt chuẩn đến nỗi ai cũng quý mến'

12/10/2019 08:46 GMT+7

Mạng xã hội có tin một sinh viên bị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM bắt về hành vi giả CSGT xử phạt người phạm luật nhưng nạn nhân không tố cáo vì “CSGT” "đúng mực”. Nhiều người chưa biết thực hư đã chia sẻ rầm rộ.

Dân mạng tin sái cổ
Bài viết xuất hiện trên mạng xã hội mấy ngày qua như một bài báo chuyên nghiệp với cách phân tích và trích dẫn lời của những người liên quan. Câu chuyện được kể rằng, N.V.D là sinh viên năm cuối đại học, do thiếu tiền sinh hoạt nên dùng cảnh phục của anh rể ra đường xử phạt những người vi phạm luật giao thông để thu tiền. Địa bàn hoạt động của D. thường ở quận 2, 8 và 9 (TP.HCM).
Để bản tin thuyết phục hơn, người chia sẻ còn viết, khi khám xét chỗ ở của D., công an đã thu được một tập biên lai giả, trong đó có chi tiết thể hiện D. đã phạt 120 trường hợp với số tiền khoảng 40 triệu đồng. Từ những thông tin trên biên lai phạt, công an đã liên lạc với những người bị hại nhưng tất cả đều xác nhận họ không phàn nàn gì về việc bị D. phạt vì tác phong của D. rất chuyên nghiệp.

Bài đăng trên mạng xã hội dù bịa chuyện nhưng nhận được hàng ngàn lượt like và chia sẻ

Tác giả của câu chuyện còn ghi lại những lời chia sẻ có cánh của nhiều “bị hại” như: CSGT dỏm này đã cảnh báo rất tâm huyết khi người mẹ chở hai con không đội mũ bảo hiểm, chở người xỉn về tận nhà, thậm chí có người còn muốn gả con gái cho anh CSGT... Do vậy, các “bị hại” không ký đơn tố cáo.
Đáng chú ý, sau khi bị bắt, nhà D. còn thuê luật sư bào chữa cho D. theo hướng “hàng giả nhưng chất lượng tốt hơn hàng thật”.
Bài đăng nói trên lộ rõ sự mâu thuẫn. Phần đầu bài đăng nói D. cần tiền tiêu xài nên mới giả làm CSGT để phạt người đi đường nhưng sau đó lại nói D. có tác phong chuyên nghiệp, không nhận tiền phạt của người đi đường mà nhắc nhở, quan tâm để họ thay đổi.
Thế nhưng rất hiếm người nhận ra sự mâu thuẫn đó. Đa phần dân mạng nhảy vào khen nức nở về hành động của anh CSGT dỏm này. Bài viết nhận được hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận. “Đặc cách vào ngành ngay”, “Anh này có tâm với ngành quá”, “Cũng có lợi cho đất nước và giúp giữ gìn an ninh khu vực”... là những lời khen có cánh mà cư dân mạng viết. Tài khoản Kenny Minh còn khẳng định: “Lúc nào về quê 4 - 5 giờ sáng cũng gặp anh này ngay Suối Tiên suốt mấy năm nay”.

Cẩn trọng với hoang tin

Ngay khi thông tin trên xuất hiện, PV Thanh Niên đã liên lạc với Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) để xác minh thông tin. PC08 tìm hết hồ sơ cũng không hề có vì vụ việc này không phải ở TP.HCM và thời gian gần đây đơn vị không phát hiện trường hợp nào giả danh CSGT ra đường xử phạt.
Liên lạc với đại diện Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM cũng được biết, ngay khi nhận thông tin phản ánh, đơn vị đã lập tức xác minh nhưng các phòng điều tra của Công an TP đều không thụ lý vụ việc như trên. Tìm mãi thì mới lòi ra đây là “hoang tin” vì vụ việc giả CSGT này xảy ra ở Nghệ An từ năm 2011 và không hề có câu chuyện anh chàng giả dạng chuẩn mực nào ở đây cả. Vị đại diện Phòng Tham mưu cũng cho biết, đây chỉ là hoang tin trên mạng xã hội nên người dân cần hết sức tỉnh táo với những thông tin chưa được kiểm chứng.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, hình ảnh một người mặc cảnh phục CSGT xuất hiện trong các bài đăng trên mạng xã hội là N.V.T (quê H.Can Lộc, Hà Tĩnh) từng bị Đội CSGT TP.Vinh (Nghệ An) phát hiện khi đang cố gắng đuổi theo hai phụ nữ vi phạm luật giao thông để nhận tiền phạt vào dịp tết năm 2011. Bộ đồ T. mặc là của T. tự đi may và mua thêm những công cụ hỗ trợ như còi, gậy, biển hiệu mang tên N.T.T cùng một số giấy tờ điều động giả của Tổng cục Cảnh sát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.