'Hoàng tử Mưa bụi' Đình Văn và những thăng trầm cùng nghiệp hát

10/06/2021 12:33 GMT+7

"Hoàng tử Mưa bụi" Đình Văn đã rời xa ánh đèn sân khấu nhiều năm qua, nên sự trở lại của anh trong chương trình Dấu ấn huyền thoại mang đến nhiều xúc cảm, hoài niệm cho người xem.

Với ca sĩ Đình Văn, Dấu ấn huyền thoại không chỉ là nơi để anh được sống lại với những hoài niệm mà còn là “một chương trình thật sâu để nói về cuộc đời mình và tôi nghĩ rằng mình nên một lần tham gia, để thổ lộ những nỗi niềm chưa bao giờ bộc lộ”.

Anh bảo: "Con tim nguội lạnh bỗng nóng lại nhờ đến với chương trình này"

Ảnh: Đ.Q

Được lên truyền hình nhờ nhạc sĩ Phan Nhân

Là một trong những giọng ca nổi tiếng của thập niên 1980, 1990, nhắc đến anh, khán giả sẽ nhớ đến Thành phố của tôi, Mưa bụi và ngược lại. Xuất thân từ một công nhân chuyên sửa chữa và lắp ráp máy in nhưng trái tim chàng thanh niên tuổi đôi mươi đã hướng về âm nhạc. Sau giờ làm việc tại công xưởng, phần lớn thời gian Đình Văn dành cho những buổi giao lưu văn nghệ. Đây là lúc anh “đặc cách” cho bản thân được sống với đam mê âm nhạc, với nhịp đập con tim mình.

Ca-nhạc sĩ Đình Văn đã "vẽ lại" bức tranh nhuốm màu thời gian về giai đoạn vàng son của âm nhạc Việt Nam trong thập niên 1980, 1990

Ảnh: Đ.Q

Sở hữu chất giọng mộc mạc, sâu lắng dễ đi vào lòng người, Đình Văn đã chiếm được tình cảm của phần lớn người nghe nhạc lúc bấy giờ. Năm 1982, anh đoạt Huy chương vàng Văn nghệ quần chúng với ca khúc Thành phố của tôi. Giải thưởng năm đó chính là bước ngoặt để Đình Văn chọn đi theo con đường nghệ thuật, âm nhạc chuyên nghiệp.
Đình Văn chia sẻ, người thầy đầu tiên của anh là nhạc sĩ Phan Nhân, và anh một lần nữa muốn gửi lời cảm ơn đến người thầy đã yêu thương mình. "Chú là người nổi tiếng với bài Hà Nội niềm tin và hy vọng, khi vào Sài Gòn chú nói chú ước mơ viết một bài cho Thành phố Hồ Chí Minh và tìm được một giọng nam, giọng Sài Gòn để hát bài này (ca khúc Thành phố của tôi). Mà khi đó tôi ốm, ôm cây đàn thùng trông xấu xí lắm, nên đài truyền hình đâu cho lên. Vậy là chú Phan Nhân mới nói để cho cậu này hát. Đến hồi hát được rồi, trời ơi, người ta ái mộ, phát loa phường cả ngày lẫn đêm…", Đình Văn nhớ lại. Anh bồi hồi: "Đêm nào truyền hình mở lên là toàn chỉ có tôi hát thôi. Mà hồi đó hát làm gì có tiền đâu, tụi tôi chỉ hát vì con tim thôi”. 
Thời điểm đó, ca khúc Thành phố của tôi gần như vang lên ở mọi miền đất nước. Nhờ sự phủ sóng dày đặc mà tên tuổi của Đình Văn năm ấy nổi lên như một hiện tượng và tiếp nối cho thành công của anh chính là nhạc tập Mưa bụi. Dấu ấn của Mưa bụi như một cái tên khắc họa rõ nét cho thời kỳ âm nhạc vàng son. Cũng vì vậy mà khi nói đến Đình Văn người ta sẽ gọi anh là “hoàng tử Mưa bụi”.
Và, anh cũng không quên bày tỏ: “Phải nói tôi nhớ mãi người em rất là tài giỏi - nhạc sĩ Hữu Minh (Minh Vy), người đã sinh ra Mưa bụi. Chính nhờ Mưa bụi mà từ thời kỳ đàn thùng của Đình Văn cho tới khi chuyển qua Mưa bụi được anh em và các thế hệ yêu mến… Lúc đó Đình Văn đi hát mà Hà Nội giống như ghiền Mưa bụi vậy đó. 5 tháng, các bạn tưởng tượng 5 tháng ngày nào cũng hát mà không còn vé".

Cảm ơn người vợ đã đến khi tôi chỉ có cây đàn thùng

Trở lại với ánh đèn sân khấu, nơi tôn vinh những "huyền thoại âm nhạc", danh ca Đình Văn đã mang hình ảnh của “hoàng tử Mưa bụi” trở về. Đứng trên sân khấu cùng cây đàn guitar quen thuộc, tiếng hát vượt thời gian của nam ca/nhạc sĩ như đưa khán giả trở về năm tháng của thanh xuân, của tuổi trẻ với những ca khúc Thành phố của tôi, Những bông hoa trên tuyến lửa.
Dù đã hơn 20 năm không hát bài Thành phố của tôi nhưng cảm xúc mà Đình Văn mang lại cho khán giả như vẫn vẹn nguyên. Bên cạnh đó, anh cũng đưa người nghe "quay về kỷ niệm" với những ca khúc đi cùng năm tháng: Giăng câu, Đêm gành hào nghe điệu hoài lang, Bạc Liêu đất trời yêu thương, Nhành cây trứng cá cùng với hai giọng ca trẻ Mai Yến Chi và Lê Như.

Dù thời gian để lại vết hằn tuổi tác trên khuôn mặt lẫn giọng ca thì Đình Văn vẫn mãi là “hoàng tử” trong tâm trí của khán giả...

Ảnh: Đ.Q

Khi chia sẻ cùng khán giả về chuyện đời, giọng ca Mưa bụi đã gửi lời cảm ơn đến người vợ của mình, người phụ nữ tần tảo không ngại khổ cực một lòng yêu thương anh. Đình Văn nói: “Khi cô này cổ đến là vẫn đang ở nhà mướn, rồi hai vợ chồng đi bằng chiếc Attila màu đỏ mà chiếc Atila đó cũng của người bạn tặng thôi. Tôi vẫn đèo vợ tôi đi về quê mà cô này không có mắc cỡ, không nghĩ anh này nổi tiếng một thời mà đi chiếc Attila...". 
Theo anh, "bao nhiêu tình cảm mà cô dành cho tôi làm tôi cảm thấy rằng lúc vinh quang thì không có cô đến khi mình rời khỏi chương trình Mưa bụi rồi, không còn gì, chỉ còn cây đàn thùng mà cô đã đến xây dựng gia đình với Đình Văn, là cô không màng đến vật chất xa hoa. Và từ đó con tim tôi tất cả dành cho người vợ mình yêu thương”. Đây là lần hiếm hoi Đình Văn chia sẻ chuyện gia đình trước công chúng bởi trước đây anh luôn giữ kín chuyện đời tư nhưng những cảm xúc mà Dấu ấn huyền thoại mang lại đã khiến anh muốn nói lên tâm tư, tình cảm được giấu kín của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.