Khi nhiệt độ toàn cầu đang đạt mức cao kỷ lục và tác động khí hậu từ cuộc chiến ở Ukraine nhận được nhiều chú ý hơn, các chuyên gia đang gây sức ép để Liên Hiệp Quốc buộc quân đội các nước công bố nhiều thông tin hơn.
Tuy nhiên, tại sao quân sự lại là điểm mù trong cuộc chiến chống khí thải?
Theo ước tính của các chuyên gia năm 2022, quân đội các nước nằm trong số những đối tượng tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới, tạo ra 5,5% tổng khí thải nhà kính toàn cầu. Một chuyên gia khác cho rằng quân đội các nước hiện có thể tạo ra hàng trăm triệu tấn khí thải carbon.
Về cơ bản, hoạt động quân sự ở nước ngoài không cần được báo cáo. Những hoạt động này có thể bao gồm triển khai máy bay, tàu thuyền, và các hoạt động huấn luyện.
Lượng khí thải từ những hoạt động này không được thông kê theo Nghị định Kyoto năm 1997 và Hiệp định Paris năm 2015. Lý do là vì dữ liệu về năng lượng quân đội sử dụng có thể làm suy yếu an ninh quốc gia. Tuy nhiên, nhiều nhóm vận động môi trường đã chỉ ra sự gia tăng khí thải liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.
Một báo cáo ước đoán rằng năm đầu tiên của xung đột đã làm khí thải nhà kính tăng ròng thêm 120 triệu tấn - tương đương với tổng lượng khí thải hằng năm của Singapore, Thụy Sĩ và Syria.
Các tổ chức môi trường và nhiều học giả đang sử dụng nghiên cứu, chiến dịch viết thư và hội thảo để thúc đẩy thay đổi. Số lượng bài báo khoa học được bình duyệt đã tăng trong vài năm gần đây.
Cơ quan khí hậu của Liên Hiệp Quốc cho biết hiện không có kế hoạch cụ thể nào để sửa đổi hướng dẫn về cách tính lượng khí thải quân sự. Tuy nhiên, quân đội một số nước có dấu hiệu sẵn sàng thay đổi. Liên minh quân sự NATO cho biết đã thiết lập phương pháp để tính toán số lượng khí thải.
New Zealand, Anh và Đức đều khẳng định đang tìm cách giải quyết các vùng xám trong báo cáo. Còn Mỹ lần đầu tiên đã triển khai một phái đoàn Lầu Năm Góc tham gia hội nghị thượng đỉnh COP27 ở Ai Cập hồi năm ngoái.
Xung đột ở Ukraine vì sao làm trầm trọng thêm khủng hoảng khí hậu?
Bình luận (0)