(TNO) Khắp châu Á, Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn các mối quan hệ đồng minh của Mỹ, cố gắng chia rẽ các nước thân với Washington, còn Mỹ thì chỉ cố đóng vai trò như một trọng tài hòa giải các căng thẳng trong khu vực, các chuyên gia phân tích quốc tế bình luận.
|
Mục tiêu của Trung Quốc là gửi cho Mỹ một thông điệp rõ ràng rằng nếu Mỹ duy trì các mối quan hệ tại châu Á, Washington có nguy cơ xung đột với Bắc Kinh, tờ New York Times (Mỹ) ngày 31.5 dẫn lời ông Huge White, cựu quan chức quốc phòng Úc.
Ông Huge White từng cộng tác chặt chẽ với Washington và hiện đang là giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trường đại học quốc gia Úc.
“Trung Quốc cố ý thực hiện những hành động đơn phương tại biển Đông nhằm chứng minh rằng không thể có chuyện Mỹ vừa có mối quan hệ tốt với Trung Quốc, vừa có thể duy trì các mối quan hệ đồng minh tại châu Á”, ông White nói.
Trung Quốc đang muốn Mỹ, một cường quốc mệt mỏi đang tìm cách tập trung giải quyết các vấn đề trong nước, sẽ rút khỏi châu Á - một động thái sẽ làm hao mòn ảnh hưởng bao trùm châu Á bấy lâu của Washington và làm gia tăng vị thế của Trung Quốc, giáo sư người Úc nói.
Tuy nhiên, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và nhiều quan chức cấp cao Mỹ khác thẳng thừng công khai tuyên bố ủng hộ Nhật Bản, cũng như chỉ trích các hành động gây hấn của Bắc Kinh đối với Việt Nam, Philippines, một số quan chức tại Washington đã ngầm bày tỏ bức xúc. Với họ, Mỹ đang toàn tâm tham gia vào một cuộc chơi “mèo vờn chuột” có nguy cơ dẫn đến chiến tranh, theo New York Times.
“Không có quốc gia nào đang giúp giải quyết vấn đề cả”, một quan chức cấp cao của Mỹ nói với New York Times.
Yêu cầu được giấu tên để có thể bình luận thẳng về các chính sách của Mỹ, vị quan chức này nói rằng mặc dù đã công khai khẳng định sẽ bảo vệ Nhật nếu Nhật bị Trung Quốc tấn công, nhưng Washington cũng đã ngấm ngầm yêu cầu phía Nhật phải suy nghĩ thấu đáo, tránh dồn Bắc Kinh vào chân tường.
Ông Vikram J. Singh, từng là trợ lý về vấn đề Nam và Đông Nam Á của bộ trưởng bộ quốc phòng Mỹ, hiện là phó giám đốc một trung tâm nghiên cứu chính sách của chính phủ Mỹ, so sánh các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo tại châu Á như những đứa trẻ ở trường “và những đứa trẻ này đang vừa cầm kéo vừa chạy vòng quanh sân chơi”.
“Chiến tranh có thể bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhặt, thường là xuất phát từ tai nạn hay sơ suất - chẳng hạn như máy bay đâm vào nhau khi đang vờn trên không hoặc các hành động hiếu chiến”, ông Singh nói.
Phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La hôm 30.5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không trả lời trực tiếp câu hỏi liệu ông có sẵn sàng đi đến chiến tranh với Trung Quốc vì quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hay không, New York Times tường thuật.
Thay vào đó, ông Abe chỉ nói rằng “quan trọng là tất cả chúng ta phải cùng nỗ lực” làm sao để tránh “những sự kiện không lường trước xảy ra”.
New York Times cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel và phần lớn các tướng lĩnh Mỹ, bao gồm cả tướng Martin E. Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ và Đô đốc Samuel J. Locklear, tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đã "liên tục đi sứ" để đảm bảo rằng những sự cố bất ngờ sẽ không xảy ra.
Hoàng Uy
>> Trung Quốc mỉa mai Mỹ, Nhật Bản 'đang song ca' tại Shangri-La
>> Đối thoại Shangri-la: Bộ trưởng quốc phòng các nước chỉ trích Trung Quốc
>> Quan chức Trung Quốc chỉ trích thủ tướng Nhật tại Shangri-La
>> Nhật sẽ 'hỗ trợ hết mình' Việt Nam, Philippines bảo vệ lãnh hải và không phận
Bình luận (0)