Đó là chia sẻ của các chuyên gia trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành kinh tế-ngân hàng-luật" diễn ra vào chiều 14.2. Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, Fanpage facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
Bản chất ngành kinh tế đã thay đổi
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, thông tin rằng trong năm 2022, khối ngành kinh tế, ngân hàng, luật chiếm tỷ lệ cao nhất trong số thí sinh trúng tuyển ĐH là 27%. "Một xu hướng của các trường là ứng dụng công nghệ thông tin, như tích hợp thêm yếu tố này trong chương trình đào tạo cũng như mở ra các ngành mới liên quan như công nghệ tài chính (fintech), kinh doanh số (digital business), thương mại điện tử (e-commerce)...", ông Hải cho biết.
Ba yếu tố khiến khối ngành kinh tế luôn thu hút thí sinh, theo thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, là do chỉ tiêu các trường tăng, nhu cầu nhà tuyển dụng luôn có và phù hợp với thực tế vận hành nền kinh tế hiện nay.
"Khi chọn lĩnh vực trong khối ngành này, các bạn cần cân nhắc đến xu hướng phát triển cũng như yếu tố bền vững trong sự phát triển của nền kinh tế trong nước và quốc tế, ngoài ra phải phù hợp với năng lực, sở trường, phẩm chất, tính cách thì khả năng thành công sẽ cao hơn", ông Nguyên lưu ý.
Tiến sĩ Văn Hữu Quang Nhật, Phó trưởng khoa Kinh tế-quản trị Trường ĐH Thái Bình Dương, cho biết thêm bản chất kinh tế có thay đổi thế nào thì nhu cầu vẫn không giảm đi vì đây là lĩnh vực trung gian gắn kết tất cả các ngành. Tuy nhiên, bản chất của ngành chắc chắn đang thay đổi, ông Nhật khẳng định. "Hiện nay, nếu không gắn công nghệ vào hoạt động thì sẽ bị lạc hậu và những gì chúng ta hiểu về khối ngành kinh tế đã không còn đúng nữa. Độ khó của ngành sẽ tăng lên và phải nhận thức được rằng đây là điều tất yếu khi khoa học kỹ thuật phát triển", ông Nhật nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết thêm có 4 nhóm lớn liên quan đến khối kinh tế ngành là kinh doanh, tài chính và ngân hàng, kế toán và kiểm toán, quản lý dự án. Cũng theo ông Vũ, trước đây làm kinh doanh, quản lý thì con người chỉ tập trung vào kỹ năng làm việc với con người nhưng hiện tại, khi công nghệ phát triển, đòi hỏi phải biết thêm cách điều hành, phân tích trên môi trường số. "Nhìn chung, thị trường lao động vẫn luôn tiếp nhận lực lượng nhân sự do các trường đào tạo", ông Vũ nói.
'Đại tu' chương trình đào tạo khối ngành kinh tế
Theo tiến sĩ Hải, vì yêu cầu từ doanh nghiệp đối với người lao động đang cao hơn so với trước đây nên chương trình đào tạo buộc phải tái cấu trúc để đáp ứng. Việc đào tạo cũng cần đưa thêm nhiều ứng dụng về mặt công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy, tăng yếu tố ngoại ngữ, chú trọng phương pháp học dưới dạng dự án đồng thời rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông để xóa bỏ các rào cản, tránh việc sinh viên trượt từ "vòng gửi xe" khi tiến vào thị trường việc làm.
"Điều cần quan tâm nhất khi bước vào giảng đường ĐH từ năm 2023 là sinh viên phải nỗ lực rất lớn. Đó là vì các trường tạo thêm nhiều hoạt động để sinh viên đáp ứng yêu cầu tuyển dụng trong khi thời gian đào tạo lại không thay đổi, thậm chí có xu hướng ngắn lại chỉ từ 3,5-4 năm. Sinh viên cũng cần tìm hiểu về sự đa dạng trong đào tạo như chương trình chất lượng cao, liên kết với trường nước ngoài...", ông Hải nói.
Tương tự, tiến sĩ Vũ đồng tình rằng chương trình đào tạo khối ngành kinh tế đang có sự chuyển mình mạnh mẽ trong cấu trúc. Chẳng hạn, sinh viên trước đây chỉ cần thành thạo tin học văn phòng là đủ thì hiện nay phải biết ứng dụng tin học vào một số hoạt động chuyên môn. "Sinh viên kinh tế được học lập trình Python hay phân tích khai thác dữ liệu để dù không chuyên về công nghệ nhưng ít nhất nắm được những vấn đề cơ bản", ông Vũ nói.
Không chỉ công nghệ, sự thay đổi của mọi lĩnh vực nói chung là nguyên nhân khiến các trường đều có phản ứng đối với khung chương trình đào tạo, đề cương và nội dung môn học, tiến sĩ Nhật nhìn nhận. "Trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp khi theo học phải là vấn đề cốt lõi. Sinh viên cần thấy được sự thay đổi của môi trường kinh doanh và nhu cầu doanh nghiệp ngay từ năm 1 và xuyên suốt đến năm 4, từ đó đối chiếu lại bản thân để bổ sung kiến thức, kỹ năng", ông Nhật lưu ý.
Chia sẻ về những gì cần có khi theo học khối ngành kinh tế, thạc sĩ Nguyên cho rằng tùy vào ngành nghề mà sẽ yêu cầu tố chất "lõi" khác nhau. Chẳng hạn, những ngành về quản lý, kinh doanh, thương mại thường cần những người năng động, nhạy bén, giao tiếp tốt, có tư duy quyết đoán, khả năng đánh giá hoạt động kinh doanh và ra quyết định. Hay ở nhóm ngành truyền thông thì phải tư duy sáng tạo, biết nắm bắt sự phát triển tâm lý của con người và xã hội, cũng như khả năng diễn đạt cùng khiếu thẩm mỹ.
"Ở những ngành kế toán, tài chính ngân hàng, công nghệ tài chính, các bạn cần yêu thích những con số, có thể tính toán tỉ mỉ, cẩn trọng, là người trung thực đồng thời sở hữu trí nhớ tốt để thao tác nghề nghiệp. Hay ở các ngành có chữ quốc tế phía sau, điều tiên quyết là phải giỏi ngoại ngữ, dễ hội nhập văn hóa quốc tế và thích tiếp xúc, làm việc với người nước ngoài", ông Nguyên đúc kết trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học tương lai: Khối ngành kinh tế-ngân hàng-luật".
Lưu ý gì với đề thi đánh giá năng lực mới?
Tiến sĩ Anh Vũ cho biết 2023 là năm đầu tiên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM tổ chức kỳ thi riêng. Theo đó, đề thi có cấu trúc rất khác so với đề của ĐH Quốc gia TP.HCM và có nội dung bám sát với các môn học ở trường phổ thông là toán, vật lý, hóa học, lịch sử, địa lý, tiếng Anh, với 90% là kiến thức lớp 12 và 10% là của lớp 10, 11. "Trường sẽ tổ chức thi nhiều lần và thí sinh được chọn lần thi có điểm cao nhất để xét tuyển. Việc luyện thi là không cần thiết", ông Vũ khẳng định.
Bình luận (0)