Người hướng nội nên làm nghề gì?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
15/02/2023 14:16 GMT+7

'Em là người tỉ mỉ, hướng nội và muốn làm công việc đều đặn trong văn phòng thì ngành quản trị nhân lực có phù hợp không?', bạn đọc băn khoăn. Như vậy, người hướng nội, hướng ngoại thì nên học, làm ngành nghề gì thì hợp?

Người hướng nội nên làm nghề gì? - Ảnh 1.

Chọn ngành học gì, làm nghề gì trong tương lai để có thu nhập cao, đúng với đam mê?

Đ.N.T

Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến chủ đề "Chọn ngành học cho tương lai: khối ngành kinh tế-ngân hàng-luật" phát sóng chiều 14.2 thu hút nhiều câu hỏi thú vị về nên học ngành gì, làm nghề gì. Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn Fanpage facebook, kênh YouTube, Tik Tok Báo Thanh Niên.

Người hướng nội có ưu điểm gì?

Tiến sĩ Bùi Văn Thời, Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết ngành quản trị nhân lực giúp sinh viên được học cách xây dựng các chiến lược, chính sách nhân sự, thiết lập quy trình tuyển chọn đúng người đúng việc… Sinh viên cũng được học về quá trình đào tạo phát triển nhân lực, xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Nhiều bạn trẻ băn khoăn mình tỉ mỉ, là người hướng nội có phù hợp với ngành này không. Ông Thời cho biết người hướng nội có những ưu điểm như cẩn thận, tỉ mỉ, kỹ năng lắng nghe tốt, kỹ năng phân tích vấn đề sâu, kỹ năng làm việc độc lập tốt. Họ có óc sáng tạo nhưng có một số điểm chưa mạnh như ngại nói chuyện trước đám đông, rụt rè trong việc duy trì mối quan hệ với đồng nghiệp…

Tuy nhiên, bạn trẻ không nên lo lắng bởi trong một ngành học cũng có nhiều nghề, theo ông Thời. Chẳng hạn, học quản trị nhân sự có thể làm nghề nghiệp về công tác hồ sơ, chấm công, bảo hiểm… "Bạn là người hướng nội có thể làm các công việc như sắp xếp hồ sơ nhân viên, tính lương, làm bảo hiểm hay chế độ phúc lợi cho nhân viên…", tiến sĩ Thời lưu ý.

Thu nhập ngành kinh tế-ngân hàng-luật cao không?

Trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến chủ đề "Chọn ngành học cho tương lai: khối ngành kinh tế-ngân hàng-luật" chiều 14.2, nhiều người quan tâm đến cơ hội việc làm và thu nhập. Bạn đọc Đăng Khoa hỏi "Trong các ngành đào tạo bậc CĐ, ngành nào có cơ hội việc làm tốt nhất trong nhóm ngành kinh tế-quản lý? Cơ hội việc làm và thu nhập cụ thể ra sao?".

Thạc sĩ Huỳnh Trọng Hiếu, đại diện Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, liệt kê ra những ngành có cơ hội việc làm cao như quản trị kinh doanh, kế toán, kiểm toán và marketing.

"Thu nhập của khối ngành kinh tế - ngân hàng - luật thì không cố định, có thể 8 triệu đồng/tháng hoặc thậm chí từ 50 triệu đồng/tháng trở lên. Tôi biết có những bạn tốt nghiệp ngành thương mại điện tử, logistics có công việc với mức lương cao. Quan trọng là sau thời gian học tại trường ĐH, CĐ các bạn đã học được gì, thu được gì, có những phẩm chất gì…", thạc sĩ Hiếu nói.

Còn thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing, cho biết dù bạn là người hướng nội hay hướng ngoại thì đều có những ưu điểm để phục vụ tốt cho công việc trong tương lai.

Với sinh viên hướng nội, nhà trường có những câu lạc bộ kỹ năng, hội nhóm rèn luyện kỹ năng đàm phán, kỹ năng nói chuyện với đám đông. Sinh viên tham gia nhiều đội nhóm có thể tích lũy thêm kiến thức và rèn luyện kỹ năng mềm, theo bà Phụng.

Cũng theo bà Phụng, phẩm chất cần có để chọn lựa khối ngành kinh tế-ngân hàng-luật là sự đam mê, sáng tạo, đầu óc linh hoạt, chịu được áp lực cao, vượt qua được khó khăn thử thách. "Khi bạn nỗ lực, bạn sẽ chọn được ngành phù hợp với tố chất. Bạn nỗ lực đóng góp cho doanh nghiệp thì cũng sẽ được trả lương xứng đáng", bà Phụng nói thêm.

Người hướng nội nên làm nghề gì? - Ảnh 2.

Các chuyên gia tham dự chương trình tư vấn của Báo Thanh Niên chiều 14.2

ĐÀO NGỌC THẠCH


"Thất bại trong đam mê của con còn hơn thành công trong đam mê của cha mẹ"

PGS-TS Lê Thanh Tùng, Phó trưởng khoa Kinh tế và quản lý công, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết phẩm chất quan trọng với người học khối ngành kinh tế-ngân hàng-luật là sự đam mê. "Nghề nào cũng có trở ngại và thuận lợi. Với khối ngành kinh tế nói chung, khi có đam mê, nhiệt huyết thì chúng ta có thể vượt qua khó khăn, khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh".

Thạc sĩ Huỳnh Trọng Hiếu dẫn ra một câu nói quen thuộc của nhiều bạn trẻ thời gian qua: "Thất bại trong đam mê của con còn hơn thành công trong đam mê của cha mẹ". Do đó, người trẻ cần đam mê, cần sự tìm tòi, biết thế mạnh của mình ở đâu để phát huy được thế mạnh, rèn luyện để trưởng thành.

Tiến sĩ Bùi Văn Thời cũng cho rằng ngoài những phẩm chất, năng lực chuyên môn kể trên thì các bạn học, làm trong ngành kinh tế-ngân hàng-luật cần phải có sự thân thiện, hòa đồng, khéo léo, ngoại giao tốt, sự chính trực, trung thực, đáng tin cậy và trí tuệ cảm xúc (EQ).

"Về cơ hội việc làm, tôi nghĩ đây không chỉ là vấn đề mà sinh viên, phụ huynh lo mà cả chúng tôi-nhà trường còn lo hơn cả phụ huynh. Chẳng hạn, có một anh thất nghiệp, người ta hỏi anh học trường nào. Anh nói trường A, thì còn ai dám vô trường A học nữa", ông Thời chia sẻ.

Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nói thêm: "Chúng tôi rất quan tâm tỷ lệ sinh viên có việc làm. Ngay khi sinh viên đi học, chúng tôi cũng có nhiều việc làm bán thời gian cho sinh viên, chứ không phải đợi học đến năm cuối mới tính đến việc đi làm. Với nhiều ngành, chúng tôi có thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 6 tháng là 100%".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.