Trau dồi kiến thức, kỹ năng
Sáng 4.11, Trường THPT Ernst Thälmann tại Q.1, TP.HCM tổ chức buổi báo cáo dự án môn lịch sử năm học 2024-2025 với chủ đề "Bài ca thống nhất", hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước. Dự án do tổ lịch sử phụ trách với sự hỗ trợ từ các câu lạc bộ học sinh, thu hút 3 khối lớp tham gia nộp sản phẩm theo hình thức cá nhân hoặc nhóm.
Tại sự kiện, học sinh không chỉ được theo dõi các tiết mục văn nghệ múa, thổi sáo được trình diễn công phu bởi các bạn học đồng trang lứa, mà còn có cơ hội thể hiện kiến thức, vốn hiểu biết qua những câu hỏi về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các bạn còn được lắng nghe ca khúc Lá xanh do những nhân vật đặc biệt trình diễn là các giáo viên, đóng vai nghệ sĩ đoàn văn công biểu diễn giữa núi rừng Trường Sơn.
Cuối cùng, cả sân trường vừa cười "nết nấc", vừa lặng người để rồi hoàn toàn vỡ òa với tiết mục kịch nói cải biên từ vở cải lương "Khách sạn Hào Hoa" nổi tiếng, vốn dựa trên câu chuyện có thật về các chiến sĩ biệt động Sài Gòn đánh bom khách sạn Caravelle vào năm 1964. Điểm đặc biệt là từng câu thoại, cử chỉ đến bối cảnh đều do chính nhóm học sinh ở mảng kịch HEART thuộc CLB Văn học lên ý tưởng và thực hiện.
Là diễn viên chính và cũng là biên kịch của tiết mục, Nguyễn Hạo Nhiên (lớp 11A9) và Nguyễn Điền Thảo Trâm (lớp 10A5) cho biết các em đã mất đến 5 tháng để chuẩn bị và tập dượt. Cụ thể, nhóm học sinh gần 20 bạn mất 1 tháng để hoàn thiện kịch bản, sau đó tiến hành phân vai, phân công các nhiệm vụ hậu cần, rồi dành 2 tuần cuối để luyện diễn và ráp kịch bản.
"Tụi em lấy cảm hứng từ vở cải lương 'Khách sạn Hào Hoa' một phần vì đó là nội dung mới lạ không kể về các trận chiến quy mô nơi sa trường, mà là một cuộc chiến âm thầm diễn ra ngay trong 'lòng địch'. Một phần nữa, tụi em muốn nhân cơ hội này để giúp các bạn hiểu thêm về lực lượng biệt động Sài Gòn, từ đó thêm yêu lịch sử địa phương mình", nhóm học sinh bộc bạch.
Nhóm cho biết thêm, nhờ tiết mục này, các thành viên không chỉ được rèn giũa thêm kỹ năng diễn xuất, truyền thông, mà còn có cơ hội tìm tòi, đào sâu những nội dung lịch sử không được kể quá chi tiết trong sách giáo khoa, như xu hướng thời trang tân thời những năm 1960, hay chiến đấu bằng cách cải trang để tiếp cận quân địch. Đây cũng là cơ hội để cô cậu học trò tiến gần hơn đến giấc mơ trở thành diễn viên và đạo diễn.
Trích đoạn cao trào trong vở kịch "Nhiệm vụ mật" của nhóm học sinh Trường THPT Ernst Thälmann
Một điểm nhấn khác là học sinh được tham gia lên kế hoạch, vận hành sự kiện. Hồ Xuân Mai (lớp 11A9), thành viên CLB Sử học, kể rằng dự án nói riêng và các hoạt động của CLB nói chung giúp tái hiện lại những câu chuyện lịch sử theo hướng trẻ trung hơn, từ đó lan tỏa rộng rãi hơn nữa tinh thần, cảm xúc của bậc cha ông quyết hy sinh để làm nên hình hài Tổ quốc.
"Nhìn chung, em lẫn các bạn không gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức, bởi các thầy cô đã phổ cập kiến thức liên quan để tụi em đào sâu thêm và thầy cô còn mời những anh chị có kinh nghiệm hướng dẫn cách làm sự kiện, hỗ trợ mọi người thế nào, đối nhân xử thế ra sao. Em còn học được cách lọc thông tin lịch sử ngoài sách giáo khoa sao cho phù hợp, chứ không phải trên mạng có gì là mình cũng lấy về dùng", Mai chia sẻ.
Nữ sinh kể thêm, để chuẩn bị cho sự kiện, các bạn thường dành khoảng 1 giờ trong buổi trưa để luyện tập hoặc thực hiện những công tác liên quan. "Tất cả luôn nỗ lực hết mình để thỏa mãn đam mê chứ không mang tinh thần làm để đối phó", Mai bộc bạch.
Học sinh yêu lịch sử hơn
Chịu trách nhiệm chính cho dự án, cô Nguyễn Thị Xuân Hương, tổ trưởng chuyên môn tổ lịch sử, cho biết đã cùng học trò "khởi công" dự án từ giữa tháng 9 và nhận sản phẩm vào giữa tháng 10. Theo cô Hương, đây là phương pháp dạy học theo dự án, là một hoạt động quen thuộc với học sinh Chương trình giáo dục phổ thông 2018. "Tại đây, các bạn đóng vai trò tổ chức còn thầy cô chỉ định hướng, kiểm duyệt", nữ giáo viên chia sẻ.
Cô Hương cho biết, thông qua các dự án, giáo viên sẽ giúp các bạn học các kỹ năng như làm việc nhóm, nghiên cứu tài liệu, thiết kế đồ họa, dựng sa bàn, viết kịch bản hay biểu diễn văn nghệ. Và để đảm bảo yêu cầu "đề bài", các bạn còn chủ động học thêm và nắm chắc kiến thức một cách tự nhiên hơn. "Nhờ đó, học trò rất đam mê với bộ môn lịch sử dù đây không phải là lựa chọn thi tốt nghiệp THPT của các bạn", cô Hương nói.
"Đây là một tín hiệu rất đáng mừng vì lịch sử nay đã đi vào thực tế, đi vào tình cảm của chính các bạn chứ không chỉ còn học để thi", nữ tổ trưởng nhận định.
Chia sẻ thêm về việc dạy và học trong thời gian tới thích ứng với đề minh họa môn lịch sử mà Bộ GD-ĐT công bố gần đây, cô Hương nói trọng tâm chính là rèn luyện kỹ năng. Tuy nhiên, cô Hương lưu ý không chỉ dừng ở kỹ năng nhớ các sự kiện, các bạn nay phải có thêm kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng phân tích đề thi... Ngoài ra, giáo viên cũng cung cấp thêm tài liệu để học sinh tự rèn luyện ngoài giờ trên lớp.
Hàng trăm sản phẩm tham dự
Theo cô Xuân Hương, dự án đã nhận được 421 sản phẩm, trong đó có 36 mô hình những trận đánh tiêu biểu trong đấu tranh chống Mỹ, 11 tiết mục văn nghệ, 374 sản phẩm thiết kế mỹ thuật như tập san, poster, brochure, infographic và nhiều bài thuyết trình được thực hiện trong các tiết học trên lớp. Điểm đánh giá sản phẩm dùng thay thế cho bài kiểm tra giữa học kỳ 1.
Dịp này, trường đã trao giải nhất nội dung thiết kế mỹ thuật cho tập san "Điện Biên Phủ trên không" (lớp 12A2), giải nhất nội dung làm sản phẩm mô hình cho "Dinh Độc Lập" (lớp 12A12), giải nhất nội dung trình diễn văn nghệ cho tiết mục "Nhiệm vụ mật" (nhóm kịch HEART). Ngoài ra dự án cũng trao giải nhì, ba các hạng mục cho những nhóm lớp: 11A1, 12A4, 11A8, 12A5, 12A6, 11A10, 10A10.
Bình luận (0)