Học sinh lớp 9 'hô biến' mùn cưa thành tranh

12/02/2022 12:10 GMT+7

Tận dụng phế phẩm mùn cưa, một nhóm học sinh ở tỉnh Hậu Giang đã làm thành những bức tranh sinh động, đẹp mắt... qua đó truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường .

Cùng có khiếu về mỹ thuật và tình yêu với môi trường, ba học sinh lớp 9 gồm Trịnh Phương Linh, Hồ Thị Kim Ngân, Phạm Trần Minh Anh (Trường THCS Long Thạnh, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) đã triển khai ý tưởng làm tranh từ mùn cưa. Sản phẩm khi ra mắt đã khiến nhiều người ngỡ ngàng khi biết những bức tranh đẹp mắt về phong cảnh, hoa sen... được làm từ một loại phế phẩm tự nhiên.

Những bức tranh sinh động từ mùn cưa của nhóm học sinh lớp 9 Trường THCS Long Thạnh

THANH DUY

Phương Linh cho biết, ý tưởng làm tranh này bắt nguồn từ tình hình thực tế ở địa phương. Trên đường đến trường, nhóm đi ngang một xưởng gỗ và nhận thấy mỗi ngày có mùn cưa tàn dư rất nhiều, loại to thì được tận dụng, riêng phần nhỏ vụn thì hầu như không được quan tâm.

Cần nhiều thời gian để làm ra một tác phẩm

THANH DUY

“Nhiều trường hợp mùn cưa không được xử lý hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường. Khi đó, chúng em nghĩ còn cách nào tận dụng lại loại phế phẩm này để làm điều có ích cho cuộc sống hay không? Vì yêu thích mỹ thuật nên chúng em nghĩ ngay đến việc làm tranh”, Linh nói.

Bức tranh kết hợp giữa mùn cưa, bã xơ dừa và bã cà phê

THANH DUY

Nhóm học sinh chia sẻ hành trình tái chế phế phẩm tự nhiên thành vật phẩm trang trí là không dễ dàng vì không phải công đoạn nào thực hiện một lần là tìm được bí quyết.

Sau hàng tháng học hỏi trên mạng và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ cô Nguyễn Thị Thu Sương, giáo viên dạy văn Trường THCS Long Thạnh, nhóm học sinh mới quen dần với việc làm tranh từ mùn cưa.

Tận dụng hiệu quả phế phẩm làm thành sản phẩm đẹp mắt

THANH DUY

Theo Minh Anh, bước phức tạp nhất là tạo màu cho mùn cưa và ban đầu nhóm phối hợp mùn cưa với màu nước, sơn tường nhưng không thích hợp. Tuy nhiên, mọi thứ trở nên thuận lợi hơn khi nhóm thử nghiệm với màu thực phẩm vì tranh làm ra có độ tươi và sinh động.

“Để tạo nhấn nhá đậm, nhạt cho mùn cưa, chúng em tăng, giảm lượng màu thực phẩm. Riêng màu trắng thì nhóm sử dụng bã xơ dừa, còn màu đen thì dùng bã cà phê”, Minh Anh chia sẻ.

Lược lấy phần mùn cưa nhỏ, mịn

THANH DUY

Tạo màu cho mùn cưa

THANH DUY

Các công đoạn chính làm tranh của nhóm gồm: phết keo, phủ mùn cưa đã nhuộm màu, xịt lớp keo bảo quản và cuối cùng là đóng khung. Trong tranh, các chi tiết cùng màu sẽ được phủ keo, kéo mùn cưa đồng loạt, chờ khô. Cứ thế, hết màu này mới tiếp đến màu khác nên một sản phẩm đến khi hoàn thiện cần nhiều thời gian. Những chi tiết nhỏ, đường nét mảnh của bức tranh khá khó để thể hiện, đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo. Phủ mùn cưa lên lớp keo cần phải chính xác. Bước này sai thì không thể gỡ ra làm lại, mọi công sức trước đó coi như bỏ.

Cô Sương và nhóm học sinh thực hiện ý tưởng

THANH DUY

Vừa qua, ý tưởng tận dụng phế phẩm mùn cưa làm tranh đã đoạt giải 3 cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hậu Giang năm 2021. “Khi ý tưởng lan tỏa nhiều hơn, chúng em cảm thấy rất vui vì nghĩ đã góp phần nào truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường, tìm ra cách tái chế hiệu quả phế phẩm thành sản phẩm có ích cho cuộc sống”, Linh bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.