Ngày 23.10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã trình UBND TP.HCM phê duyệt và ban hành đề án Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông theo định hướng chuẩn quốc tế giai đoạn 2020 - 2030.
Theo tờ trình do ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ký đề án Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông xây dựng nhằm tạo tiền đề cho việc triển khai các đề án Giáo dục thông minh, Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020- 2025 và khuyến khích đại học chia sẻ đã được Thường trực Thành ủy và UBND TP.HCM phê duyệt.
57 trường tiểu học chưa có phòng máy tính
Đề cập đến thực trạng dạy tin học trong trường phổ thông hiện nay, theo Sở GD-ĐT, do môn tin học chỉ là môn tự chọn đối với học sinh lớp 3 đến lớp 5 nên vẫn còn 57 trường tiểu học chưa tổ chức được việc dạy môn học này. Giáo viên được huy động từ nhiều nguồn, được bồi dưỡng thường xuyên nên đa số đáp ứng yêu cầu giảng dạy nhưng vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, thiếu phòng máy tính, nhiều giáo viên còn kiêm nhiệm hoặc thuộc dạng hợp đồng, chưa ổn định.
3 giai đoạn triển khai của đề án Giai đoạn 1 từ năm 2020 đến năm 2022, TP rà soát, trang bị cơ sở vật chất đảm bảo 100% trường phổ thông có phòng máy và 50% đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, cấu hình đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình chuẩn quốc tế. Đồng thời 80% giáo viên được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu của chương trình. Giai đoạn 2 từ năm 2023 đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu 100% giáo viên được chuẩn hóa và 80% số trường có phòng máy đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, cấu hình đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình chuẩn quốc tế. Giai đoạn 3 hoàn thành các mục tiêu và tiếp tục nâng cấp về số lượng và chất lượng phòng máy, đội ngũ giáo viên theo chuẩn quốc tế… |
Học sinh cần đạt những chứng chỉ gì?
Vì vậy, để nâng cao chất lượng dạy và học môn học, trang bị kiến thức kỹ năng theo định hướng chuẩn quốc tế cũng như phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, đề án Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông thực hiện theo 3 giai đoạn với chương trình và mục tiêu cụ thể.
Trong đề án, Sở cũng đặt yêu cầu chuẩn đầu ra đối với bậc tiểu học. Theo đó, học sinh lớp 5 đạt chứng chỉ IC3 Spark, học sinh bậc THCS đạt chứng chỉ IC3 còn bậc THPT đạt chứng chỉ MOS.
Như vậy, ở bậc tiểu học, nhà trường tổ chức dạy các nội dung về làm quen với thế giới số, làm quen với ứng dụng máy tính, mạng trực tuyến.
Ở bậc THCS , học sinh sẽ học các nội dung như: Cơ bản về công nghệ thông tin và truyền thông, mạng trực tuyến, xử lý văn bản, làm quen với điện toán và lập trình, sử dụng trình chiếu…
Còn ở bậc THPT, giáo viên sẽ tập trung dạy các kiến thức tin học về an toàn và bảo mật công nghệ thông tin, điện toán và lập trình, sử dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu…
Bình luận (0)