Đề thi ngữ văn THPT kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được cả xã hội chú ý vì dư luận đều cho rằng, lứa thí sinh này chịu một áp lực rất lớn của năm học có dịch Covid -19; đến giai đoạn ôn thi, sát ngày lại đối mặt với dịch bệnh lần nữa.
Thế nên, nhiều phỏng đoán cho rằng đề văn năm nay sẽ dễ hơn mọi năm nhiều. Tuy nhiên, không phải như thế. .. Đề đảm bảo đúng cấu trúc đề thi mà Bộ GD-ĐT đã công bố. Các phần đều có yêu cầu phù hợp với trình độ của học sinh có học lực trung bình trở lên.
Tuy nhiên, nếu muốn có điểm cao hẳn, đủ để xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng thì thí sinh thực sự phải đào sâu suy nghĩ và sáng tạo trong cách viết. Nếu viết vòng vo mà nội dung sáo rỗng, chung chung thì dù bài dài vẫn không thể đáp ứng yêu cầu về điểm số.
"Lệch tủ'' đề ăn theo...dịch bệnh
Ở câu đọc hiểu, ngữ liệu đưa ra sâu sắc và ý nghĩa trong tình hình hiện tại, nhưng lại không yêu cầu thí sinh nội dung liên quan trực tiếp đến dịch bệnh của năm nay. Vì thế, những học sinh học tủ đề theo dịch bệnh sẽ dễ ngỡ ngàng và cho rằng không liên quan. Trong khi đó, những học trò biết mở rộng suy luận thì rất dễ liên hệ với tình hình những tháng qua mà toàn thế giới của chúng ta đã phải đối mặt.
Câu hỏi số 1 và số 2 là xác định phương thức biểu đạt, cũng như chỉ ra từ đoạn trích nội dung cần nhận biết thì thí sinh dễ dàng có được điểm tối đa của phần. Nhưng đến câu số 3, học sinh đã bắt đầu cần có nhìn nhận ở mức cao hơn. Đó là yêu cầu chỉ ra những điểm tương đồng về sự sống của các loài thực vật ở vùng Tsunoda thuộc Bắc cực và vùng sa mạc Sahara trong đoạn trích. Nếu thí sinh tinh ý, thì ngoài việc đáp ứng yêu câu của câu hỏi, cũng được mở lối tư duy tìm tương đồng với hiện thực cần sinh tồn và đảm bảo cuộc sống an toàn của chúng ta trước những thử thách khắc nghiệt.
Câu 4 là câu hỏi mở, câu này cũng chính là câu có điểm phân hoá dành cho học sinh nói ý kiến của mình. Đồng tình hay không đồng tình thì thí sinh cũng cần đưa ra lý giải. Nếu không thực sâu sắc và hiểu biết ở mức độ nhất định thì thí sinh khó có thể thuyết phục: “Sống hết mình cho hiện tại sẽ đưa sự sống, dù nhỏ bé, vươn đến ngày mai”.
Cần hiểu đúng và tích cực về sống hết mình cho hiện tại là thế nào. Và mối quan hệ giữa sự sống (dù nhỏ bé) vươn đến ngày mai. Đây là vấn đề từ chân trời của cá nhân đến với cái chung, đến với tương lai. Không dễ viết ngắn mà bao quát ý đầy đủ.
Câu nghị luận xã hội có tính nhắc nhở
Câu yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội cần thí sinh trình bày phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày. Đây là yêu cầu tư duy tiến bộ; thức tỉnh những bạn trẻ sống hời hợt, sống thiếu nỗ lực cố gắng, chưa biết quý, biết yêu đời sống mà mình đang có. Có thể thấy, đề văn ở câu này khá hay, có độ mở để học sinh sáng tạo. Và còn có sự nhắc nhở tới chính những người trẻ đang làm bài thi cách nghĩ về một lối sống đẹp hơn, sống sâu sắc và vị tha hơn.
Câu nghị luận văn học yêu cầu thí sinh phân tích tư tưởng "đất nước là của nhân dân" trong đoạn thơ từ đoạn trích “Đất nước” mà học sinh đã được học trong chương trình ngữ văn lớp 12. Nhiều thí sinh sẽ yên tâm làm bài này hơn vì bài được học ở học kỳ 1, khi việc học của các em chưa bị gián đoạn bởi dịch bệnh.
Với các học trò ở vùng sâu, vùng xa hay vùng khó khăn không đủ điều kiện học online với thầy cô của mình, hoặc học qua truyền hình thì cũng không ảnh hưởng gì. Các bài thuộc học kỳ 2 mới là lo ngại của các em. Tuy vậy, nghiêm túc nghĩ và viết về Đất nước một cách sâu xa thì không phải học sinh nào cũng dễ dàng đạt điểm cao. Vì đoạn ngữ liệu được cho trong đề khá dài và rõ ý, nên học sinh rất thuận lợi khi phân tích. Việc đạt điểm trung bình cho yêu cầu này là khá dễ dàng.
Điều đáng ghi nhận nhất trong đề thi này, theo tôi, đó là cả triệu học trò tuổi 18 đang cùng được giáo dục về lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, vào đúng thời kỳ mà tình cảm với quốc gia, dân tộc với mọi người cần được nâng cao và nuôi nấng có chiều sâu hơn trong mỗi con người.
Bình luận (0)