Học sinh tiểu học ở Anh đến trường như thế nào trong đại dịch Covid-19?

Quý Hiên
Quý Hiên
04/09/2021 17:04 GMT+7

TS Ngô Đức Thế, ĐH Manchester (Anh), chia sẻ về việc 2 con trai của mình đã đến trường như thế nào trong đại dịch Covid-19 . Theo TS Thế, Việt Nam có thể tham khảo cách làm của Anh nếu buộc phải “sống chung với dịch”.

Hơn 3 tháng học online

TS Ngô Đức Thế là một nhà khoa học làm việc tại ĐH Manchester, Vương quốc Anh. Vợ chồng anh có 2 cậu con trai. Cậu lớn là Long năm nay học lớp 4, cậu út là Nam, năm nay vào lớp 1. Năm học 2020-2021, dù cả thế giới chìm trong đại dịch Covid-19, trong đó có nước Anh, nhưng may mắn thay, Long và Nam đều được đến trường. Vậy các trường tiểu học ở Anh đã tổ chức dạy học cho học sinh như thế nào trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành?
Anh Ngô Đức Thế cho biết, đợt thành phố Manchester bị phong tỏa (lockdown) đầu tiên do đại dịch Covid-19 diễn ra từ tháng 3 đến tháng 7.2020, tất cả học sinh đều phải ở nhà và học trực tuyến. Trường tiểu học của Long và Nam chức dạy học cho học sinh qua nền tảng Google Classroom. Nam khi đó đang học lớp 0, tức lớp tiền lớp 1, giống như lớp mẫu giáo lớn ở Việt Nam.
Hàng ngày, 9 giờ 30 sáng, bắt đầu học. Trong lúc con học, bố mẹ xem chừng để buộc con ngồi tập trung. Cô giáo giao bài tập cho học sinh trên google doc. Thực tế thì trước đó khi đi học ở trường, học sinh đã được tiếp xúc rất nhiều với các nền tảng học trực tuyến (như học toán, học coding, science..), cô giáo vẫn giao cho học sinh qua các nền tảng này. Vì thế, về công nghệ học sinh rất thành thạo. “Nhưng vì trẻ con tiểu học khả năng tập trung kém, nên mỗi buổi học của con, bố mẹ còn mệt hơn con, vì cứ phải trông chừng con”, anh Thế nhận xét.
Riêng với cháu Nam thì vợ chồng anh Thế chịu thua, không ép con tham gia học trực tuyến được. Thành thử trong 4 tháng đó bé Nam chỉ ăn rồi chơi ở nhà. Nhà trường cũng không ép các bé lớp 0 phải học trực tuyến.

Mỗi lớp học là một “ốc đảo”

Sau tháng 7 học sinh được nghỉ hè. Tháng 9.2020, tất cả học sinh tiểu học ở Manchester đều được đến trường dù bệnh dịch Covid-19 khi đó vẫn đang hoành hành ở nước Anh. Để tổ chức dạy học tại trường cho học sinh trong bối cảnh đó mà vẫn đảm bảo an toàn, các trường học ở Anh thực hiện như sau:
Việc đi lại trong trường được phân luồng một chiều, học sinh vào cổng này, ra theo một hướng khác, với nguyên tắc giảm thiểu việc các học sinh tiếp xúc với nhau theo cách mặt đối mặt.
Mỗi lớp là một bubble (bong bóng) riêng. Theo cách hiểu của người Việt thì bubble là trạng thái biệt lập của một nhóm người nhỏ, giống như trên “ốc đảo”. Học sinh các lớp không tiếp xúc với nhau, thành thử Long và Nam tuy là hai anh em ruột học chung trường nhưng ở trường không nhìn thấy mặt nhau bao giờ.
Mỗi nhóm lớp bắt đầu giờ học một giờ khác nhau. Ví dụ, lớp của Long (năm ngoái là lớp 3) đến trường trong khoảng 8 giờ 45 - 9 giờ sáng, kết thúc lúc 3 giờ chiều. Còn lớp của Nam đến trường trong khoảng từ 9 - 9 giờ 30 sáng, kết thúc 3 giờ 30 - 3 giờ 45 chiều.
Mỗi lớp ăn trưa riêng biệt. Ra chơi và học thể thao giờ riêng biệt.

Nhà trường xử lý thế nào nếu trường học có F0?

Các trường đều chuẩn bị sẵn phương án cho các tình huống xấu xảy ra, chẳng hạn như trong trường phát sinh 1 ca nhiễm (mà ở Việt Nam gọi là F0). Nếu xảy ra ca nhiễm (positive) trong 1 lớp, thì cả lớp bao gồm các thầy cô và học sinh (mà Việt Nam gọi là F1) cùng với ca nhiễm đều sẽ ở nhà và chuyển qua học online. Còn các lớp khác (không có ca nhiễm) sẽ vẫn đến trường học bình thường.
Cả lớp có ca nhiễm sẽ được cách ly tại nhà (ban đầu là 14 ngày, sau này chuyển thành 10 ngày). Hết thời gian cách ly, cả lớp lại đến trường học nếu không ai có bất kỳ triệu chứng nào.
Khi có ca nhiễm trong lớp, cả cô giáo và học sinh sẽ được đề nghị (nhưng không bắt buộc) đi xét nghiệm. Nếu ai đó nhiễm virus thì được tự cách ly 14 ngày tại nhà.
Nếu hai anh em học cùng trường mà lớp của một trong hai anh em có ca nhiễm thì người còn lại vẫn đến trường bình thường, người kia học online ở nhà nếu chưa bị nhiễm virus.
Với cách tổ chức day học như trên, việc học hành ở trường của 2 anh em Long và Nam vẫn diễn ra bình thường trong suốt thời gian dịch bệnh cho đến cuối năm 2020.

Vẫn mở cửa đón học sinh kể cả khi bị lockdown

Hoc-sinh-tieu-hoc-Anh-den-truong-trong-dai-dicg-Covid-19

Bé Nam (áo đỏ, đeo ba lô) theo mẹ và anh trai lên núi chơi trong mùa nghỉ học do dịch Covid-19

Ảnh Đức Thế

Khi nước Anh có lockdown lần thứ hai (từ giáng sinh 2020 đến tháng 2.2021), phần lớn học sinh phải ở nhà học online. Tuy nhiên, các trường vẫn mở cửa đón nhận học sinh với những trường hợp mà bố mẹ buộc phải đến cơ quan làm việc chứ không thể ở nhà làm việc online. Vì cả 2 vợ chồng TS Thế đều thuộc diện buộc phải đi làm nên mấy tháng đầu năm 2021 hai anh em Long và Nam vẫn đến trường học, và trường học vẫn vận hành theo kiểu bubble như đã mô tả ở trên với những học sinh đến học tại trường.
“Thời gian đó, mỗi ngày nước Anh ghi nhận tới 50.000 - 60.000 ca nhiễm, cả ngàn người vĩnh biệt người thân đi theo Chúa, nên tình hình rất căng thẳng. May mắn thay, 2 cậu con trai tôi và vợ chồng tôi vẫn chưa bị nàng Covid-19 “tán tỉnh”. Thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy nhà trường nhắn là ở lớp nọ lớp kia có ca nhiễm (có lúc rơi vào lớp con mình, có lúc ở lớp khác), nhưng trường vẫn vận hành bình thường”, anh Thế chia sẻ, rồi giải thích thêm: “Danh tính ca nhiễm được 100% bảo mật. Nhà trường chỉ báo cho phụ huynh là lớp có ca nhiễm và học sinh lớp đó cần ở nhà, chứ không bao giờ nói rõ đó là cháu nào”.
Qua đợt nghỉ hè 2021, nước Anh đã phủ vắc xin với phần lớn người lớn. Bắt đầu từ tháng 9, tất cả trường học đều trở lại bình thường, nghĩa là không còn chế độ “bubble” trong trường, lớp học không còn bị cách ly nếu có ca nhiễm (trừ người bị nhiễm). Giờ ra chơi, trẻ em toàn trường lại chơi chung với nhau.

Việt Nam có thể học gì từ trải nghiệm “sống chung với dịch” của học sinh Anh?

TS Thế cho biết, điều kiện để tổ chức học trực tuyến ở Anh rất tốt. Chương trình tiểu học của Anh được thiết kế khá nhẹ nhàng, nên việc đảm bảo kiến thức cho học sinh trong thời gian tổ chức dạy học trực tuyến không phải là vấn đề. Gia đình nào không có thiết bị cho con học online thì nhà trường cho mượn.
Tuy nhiên, vì học online tương tác kém, buộc học sinh phải tập trung trong quá trình học là rất khó khăn, các em chán không thích học. Đặc biệt là với các xã hội thì việc học online còn buồn chán hơn, vì khi đó hoạt động học của học sinh sẽ chủ yếu phụ thuộc vào bài giảng của cô giáo, còn học sinh không được thực hành. Trong khi đó, nếu được học tại lớp, chẳng hạn như với tiết lịch sử, học sinh sẽ được dùng thiết bị VR để khám phá, thực hành việc tái diễn lịch sử. Còn nếu học online thì các em chỉ nghe giảng và trả lời các câu hỏi của giáo viên.
Vì thế, nhà trường cũng như phụ huynh đều không ủng hộ việc kéo dài thời gian tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh. Nhà trường khắc phục các khó khăn, tạo điều kiện tối đa để mở cửa đón học sinh, còn phụ huynh cũng thấy việc con được đến trường là lợi ích lớn nhất.
TS Thế nói: “Tôi hy vọng rằng những trải nghiệm việc "sống chung với dịch bệnh" của học sinh tiểu học ở nước Anh mà các con tôi là “người thật việc thật có thể có ích cho các nhà trường ở Việt Nam khi tính chuyện đi học trong tâm thế xác định “sống chung với dịch bệnh”. Vừa rồi Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã phát biểu sẽ phải sống chung với dịch, vì không thể diệt hoàn toàn virus. Thế nên Bộ GD-ĐT cũng cần phải tính toán tất cả các kịch bản cho các trường học nhằm giảm thiểu việc thiệt hại học hành đối với học sinh. Việc học online chỉ nên là ngắn hạn trước mắt. Còn về lâu dài, học sinh cần được đến trường. Để học sinh đến trường an toàn thì cần thiết kế các quy tắc giảm thiểu rủi ro”.
“Ở Việt Nam, nếu diễn biến dịch bệnh còn kéo dài, Bộ GD-ĐT cũng nên nghiên cứu tìm cách khắc phục. Vấn đề là Bộ GD-ĐT cần có tính toán, hoạch định sớm”, TS Thế bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.