Trong 3 ngày 12 - 14.7, tại Trường đại học Hà Nội diễn ra Hội nghị Mô phỏng Liên hợp quốc Hà Nội (Hanoi Model United Nations - HMUN) do một nhóm học sinh THPT tổ chức, nhằm thỏa mãn niềm đam mê học hỏi của giới trẻ; cung cấp những kiến thức xã hội bổ ích và làm tăng nhận thức của các bạn trẻ về những vấn đề quốc tế.
Học sinh nhập vai các thành viên Liên hợp quốc
Đây là chương trình mang tính học thuật dành cho học sinh và sinh viên, với chủ đề chính là giả lập lại những phiên họp cấp cao của các Hội đồng trực thuộc Liên hợp quốc, lấy học sinh làm trung tâm, đóng vai các đại biểu cho các quốc gia trên thế giới, tham gia vào tranh luận các vấn đề lớn mang tính toàn cầu, để mang lại những giải pháp tối ưu nhất.
Đến với Hội nghị Mô phỏng Liên hợp quốc Hà Nội 2019, các đại biểu được trải nghiệm 5 hội đồng lý thú: Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO); Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC); Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC); Liên đoàn Ả Rập; Hội đồng Khủng hoảng Giả tưởng Kép (JFCC).
Ở Hội đồng Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hợp quốc, các đại biểu thảo luận về chủ đề “Khoa học kỹ thuật trong việc bảo tồn di tích văn hoá”, và tìm ra giải pháp để đảm bảo công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục trên toàn cầu.
|
Tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, các đại biểu sẽ bàn luận về quyền được chăm sóc sức khoẻ tâm lý của con người, cũng như tìm ra giải pháp cho vấn đề nhân quyền và vấn đề tị nạn liên quan tới biến đổi khí hậu.
Các đại biểu của Liên đoàn Ả Rập cùng nhau tìm ra giải pháp tối ưu nhất để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp dầu mỏ, cũng như giải quyết vấn đề bạo lực cực đoan và khủng bố trong khu vực…
Tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc các đại biểu sẽ tìm ra giải pháp đề chấm dứt cuộc nội chiến Yemen…
Khi người dân thấy chính quyền có vấn đề thì sẽ nghe theo tổ chức khủng bố?
Điều thú vị ở hội nghị này, các đại biểu hầu hết là các em lứa tuổi học sinh, có những bạn vừa tốt nghiệp cấp 2. Trong hội nghị, chỉ sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, nhưng các “thành viên Liên hợp quốc” nhí đã tham gia tranh biện rất sôi nổi.
Bạn Nguyễn Kim Hà, lớp 11, Trường THPT Phạm Hồng Thái, cho biết lý do tham gia hội nghị vì sau này muốn trở thành nhà ngoại giao hoặc làm về các công việc liên quan đến chính trị. “Đến đây em được rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng đàm phán, tranh biện và rèn luyện khả năng ngôn ngữ”, Kim Hà cho hay.
Vừa mới tốt nghiệp cấp 2 nhưng Bàng Quỳnh Anh, học sinh lớp 10 Trường chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đến hội nghị với mong muốn thử thách sức mình với những cái mới.
“Hội nghị là môi trường học thuật giúp em thuyết trình, tranh biện và trình độ tiếng Anh tốt hơn; mở mang kiến thức hơn”, Quỳnh Anh chia sẻ.
|
Chia sẻ về dự kiến mang “tiếng nói” đến hội nghị lần này, Quỳnh Anh cho hay, hội đồng của em tham gia có nội dung về phát triển bền vững trong ngành dầu khí và các vấn đề khủng bố. Đây là 2 vấn đề nổi bật mà em quan tâm.
Đặc biệt, Quỳnh Anh cho rằng: “Ở nước mình, vấn đề còn tồn tại là tham nhũng và công an lạm dụng quyền hành quá, cần đưa ra luật nào đấy hoặc hỏi ý kiến người dân để hạn chế tình trạng đó, nhằm phòng chống khủng bố”.
Khi được hỏi vì sao điều đó lại liên quan đến khủng bố, Quỳnh Anh lý giải: “Bởi khi người dân thấy chính quyền có vấn đề, thì sẽ không tin nữa, và sẽ nghe theo các tổ chức khủng bố?”.
Theo kế hoạch, các diễn đàn của Hội nghị Mô phỏng Liên hợp quốc Hà Nội sẽ tiếp tục diễn ra các tranh biện của các “nhà ngoại giao tương lai” với những ý tưởng độc đáo, mới lạ và sẽ bế mạc vào tối 14.7.
Bình luận (0)