Học thế nào trong thế giới nhiều thay đổi?: Đồng hành cùng con 'học cách biết'

29/11/2022 14:20 GMT+7

Hiện nay có ý kiến cho rằng nên đổi mục tiêu 'Học để biết' thành 'Học cách biết' cho phù hợp với thời đại đang có nhiều đổi mới. Phụ huynh nên đồng hành cùng con trong hành trình 'học cách biết'.

Tổ chức Giáo dục khoa học văn hoá của Liên hiệp Quốc (UNESCO) đề ra mục tiêu giáo dục là “Học để biết, để làm, để chung sống và khẳng định bản thân”. Hiện nay có ý kiến cho rằng nên đổi “Học để biết” thành “Học cách biết” cho phù hợp với thời đại đang có nhiều đổi mới.

Hướng đến kỹ năng tự học

“Học để biết” nhằm nhấn mạnh vai trò của chủ thể là người học và người truyền thụ kiến thức (người thầy).

thế giới đã có nhiều thay đổi như việc tạo ra robot cùng nhiều công cụ học tập khác nhưng vai trò truyền đạt của người thầy vẫn đóng vai trò quan trọng và chưa có một công cụ nhân tạo, phần mềm, robot nào có thể thay thế.

Người thầy có thể giải đáp ngay những thắc mắc mà người học muốn tìm hiểu; ngay trong quá trình truyền thụ kiến thức, người thầy có thể thay đổi cách giảng dạy cho phù hợp với hoàn cảnh và trình độ của đối tượng.

Bên cạnh đó, giáo viên có thể chấn chỉnh (uốn nắn) những sai trái của học viên khi học tập; tranh luận một cách tế nhị, hòa nhã, dân chủ với học viên khi học viên có ý kiến phản biện; sử dụng nhiều yếu tố ngôn ngữ (ngữ điệu, từ ngữ hài hước, sự nhấn mạnh đi sâu vào phần chính của bài dạy...) và các yếu tố phi ngôn ngữ (nét mặt, cử chỉ, điệu bộ...) để tăng tính thuyết phục, hiệu quả của bài dạy.

Khi dịch Covid-19 đã qua, nhiều cơ sở giáo dục trên toàn quốc trở lại với cách dạy truyền thống. Đó là minh chứng cho vai trò quan trọng của giáo viên dù thế giới có nhiều thay đổi.

Giảng dạy trực tuyến (online) chưa thể thay thế cho dạy trực tiếp. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật chỉ góp thêm vào sự thành công trong phương thức truyền đạt của người thầy.

Phụ huynh nên đồng hành, giúp con hình thành khả năng tự học

ĐÀO NGỌC THẠCH

Tuy nhiên, “Học cách biết” là mục tiêu hướng đến kỹ năng tự học của học viên, nhấn mạnh chủ thể là người học tập, người tiếp thu kiến thức từ cuộc sống thực tế, từ xã hội, bạn bè, sách vở, báo chí và các phương tiện truyền thông...

Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các thủ khoa trong một số kỳ thi cấp quốc gia và quốc tế đều khẳng định tầm quan trọng của tự học (không có đi học thêm).

Hãy giúp con hình thành khả năng tự học

Sau khoảng 3 giờ dạy thêm cho con học lớp 2, tôi cho con nghỉ thì cháu bật khóc khiến tôi bất ngờ và hối hận. Cách dạy của tôi không đúng nguyên tắc sư phạm vì nhồi nhét kiến thức cho trẻ mới ở cấp tiểu học suốt một thời gian dài. Từ đó, tôi bỏ lối dạy nhồi nhét, mà hướng dẫn cho con tự học.

"Học cách biết” là mục tiêu hướng đến kỹ năng tự học

đ.n.t

Tôi mua các sách, tranh ảnh cho con tham khảo sau khi đã tự làm bài. Nhờ đó, con có được những kiến thức cơ bản, nền tảng vững vàng và quan trọng hơn là làm quen với hình thức tự học.

Khi con lên cấp 2, tôi không bắt con phải học thêm mà cho con tự học. Kết quả thật bất ngờ! Điểm thi của con ở ba môn toán, văn, tiếng Anh thi vào lớp 10 đủ để con trúng tuyển vào trường THPT tốp đầu của TP.HCM.

Lên cấp 3, tôi cho rằng muốn đậu đại học thì con phải học thêm ngay từ lớp 10 để có thể giải những bài toán khó. Thế là, tôi cho con học thêm môn toán ở một trung tâm.

Đến lớp 12, con lại học thêm các môn lý, hóa, sinh, tiếng Anh. Thời gian học kín mít khiến con dường như không còn có thời gian giải trí, thể thao. Kết quả kỳ thi THPT năm ấy, điểm số của con không cao, không đủ để trúng tuyển vào một trường đại học mà con mong muốn. Cũng may điểm thi của con vừa đủ để đậu vào một trường đại học khác...

Qua việc học của con tôi, tôi muốn gửi đến các bậc phụ huynh một vài kinh nghiệm trong dạy dỗ con cái: nên khuyến khích, tạo điều kiện cho trẻ tự học. Hãy để trẻ làm bài bằng cái đầu của mình, chứ không phải của thầy cô dạy thêm.

Hãy cho trẻ suy nghĩ, giải quyết tình huống bằng trí não của mình. Hãy cho trẻ đi trên đôi chân của mình dù có thể trẻ sẽ bị vấp ngã. Hãy cho trẻ được là chính mình.

Đừng can thiệp thô bạo vào việc học tập, vui chơi, giải trí của trẻ. Cần tạo sự hài hòa để trẻ có được tuổi thơ hồn nhiên, vui đùa và một tương lai mà trẻ đã phần nào định hướng.

Như vậy “Học để biết” và “Học cách biết” cho phù hợp với thời đại đang có nhiều đổi mới đều quan trọng như nhau. Học để có kiến thức và học kỹ năng tự học đều cần thiết. Có lẽ vì vậy đã có ý kiến cho rằng “Học để biết” bao hàm ý nghĩa “Học cách biết”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.