Học tiếng Anh chương trình mới không còn ‘trầy trật’ luyện IELTS?

20/10/2022 18:19 GMT+7

Môn tiếng Anh chương trình mới hướng đến phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh thông qua 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Đây cũng là mục tiêu đánh giá của bài thi IELTS và nhiều chứng chỉ quốc tế khác.

Học sinh lớp 10 năm nay học tiếng Anh theo chương trình, sách giáo khoa mới

đào ngọc thạch

Được dạy IELTS trong lớp

Sau hơn 1 tháng học trực tiếp tại trường, Hà Đức Cường (lớp 10A5 Trường THPT Trần Khai Nguyên, TP.HCM) được luyện đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết từ sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh chương trình mới. “Mỗi tuần còn có thầy cô bản ngữ đứng lớp 2 tiết để dạy và sửa cách phát âm, nói năng cho chúng em. Về kỹ năng viết, em đang được tập viết câu, chưa làm thành bài hoàn chỉnh”, Cường kể.

Để có chứng chỉ IELTS xét tuyển thẳng vào trường ĐH, nam sinh cũng theo học tại trung tâm 3 tiếng mỗi thứ bảy, chủ nhật, và tự ôn thêm vào những buổi tối bằng cách luyện đề, học từ mới, xem phim và nghe podcast bằng tiếng Anh.

Nam sinh khẳng định: “Nếu biết phân bổ hợp lý thời gian học trên lớp và ôn IELTS ngoài giờ thì rất có lợi cho bản thân, vì cả 2 chương trình vừa cải thiện 4 kỹ năng, vừa mở rộng vốn từ vựng bằng những chủ đề khác nhau. Vì có sẵn nền tảng tiếng Anh từ nhỏ nên em vẫn đang cân bằng tốt việc học”.

Nhiều thí sinh tự tin điểm cao sau khi hết giờ làm bài môn tiếng Anh ngày 8.7 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

Ngọc long

Cũng theo học IELTS, Trương Ngô Gia Bảo (lớp 10A6 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) dự định du học Đức vào giữa năm lớp 12 và đang ôn luyện tại trung tâm 2 tiếng mỗi buổi, 3 buổi mỗi tuần. “Em thường dậy lúc 3 giờ sáng để tự ôn IELTS và làm bài tập của những bộ môn khác”, nam sinh kể.

Điểm đặc biệt khi học tiếng Anh trên lớp, theo Bảo, là ngoài tiếp xúc với SGK mới, em còn được cô giáo hướng dẫn làm quen, học thêm về IELTS với sách Complete IELTS Bands 4-5. “Ưu điểm của 2 sách là hình thức trình bày sáng tạo, nhiều hình ảnh, với nội dung đều có đủ kỹ năng cùng từ vựng. Chất lượng audio cũng tốt hơn”, Bảo đánh giá.

Mặt khác, Bảo nhìn nhận tuy cách dạy cùng hướng đến phát triển năng lực nhưng về nội dung, bài học trên lớp và bài thi IELTS không đồng nhất, dẫn đến “phải ôn song song”. “Nếu gộp hai chương trình học lại với nhau, em tin sẽ đỡ ‘oải’ trong việc học ngoại ngữ, cũng như ứng dụng vào thực tế nhiều hơn”, nam sinh nêu quan điểm.

Trau dồi tiếng Anh nhờ câu lạc bộ

Đức Cường chia sẻ ngoài học trên lớp, em còn sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh ở trường. Đây là nơi giúp Cường nâng cao trình độ ngoại ngữ và kỹ năng mềm thông qua những hoạt động như giải ô chữ, làm video miêu tả lễ hội của các quốc gia,...

Tương tự, Gia Bảo cho hay ở trường cũng có nhiều hoạt động ngoại khóa, phong trào đa dạng về môn tiếng Anh. “Câu lạc bộ tiếng Anh tổ chức nhiều hoạt động để chúng em có thể học thêm kiến thức, vốn từ và mạnh dạn hơn trong giao tiếp”, nam sinh kể.

Giảm thời lượng học ngữ pháp trên lớp

Là thành viên hội đồng chọn sách mới tại TP.HCM, một tổ phó tổ ngoại ngữ tại trường THPT cho hay SGK tiếng Anh hiện hành xuất xứ đa phần từ NXB nước ngoài, được mua bản quyền rồi chỉnh sửa nội dung cho phù hợp với chương trình học và văn hóa Việt Nam. Vì thế, sách có kiến thức chuẩn, hình ảnh đẹp và nội dung cập nhật. “Sách bài học và bài tập là công cụ chính để tôi giảng dạy, không cần dùng thêm nhiều tài liệu ngoài như ở chương trình cũ”, thầy khẳng định.

Đáng chú ý, theo nam giáo viên, thời lượng học ngữ pháp trên lớp đã được giảm bớt để tập trung ôn từ vựng có thể ứng dụng trong giao tiếp như nghe hoặc nói, cũng như tăng cường 2 kỹ năng này. Tuy nhiên, vì Bộ GD-ĐT chưa ban hành hướng dẫn cách đánh giá mới nên theo thầy, đang diễn ra tình trạng học theo hướng mới nhưng cách kiểm tra còn như cũ, tùy thuộc vào số lượng giáo viên, cơ sở vật chất của từng trường.

“Kỳ thi sắp tới có yêu cầu viết đoạn văn, tăng tỷ trọng phần nghe, giảm những câu hỏi ngữ pháp đơn thuần và thêm câu hỏi về từ vựng trong đề. Còn về nói, sẽ không còn những câu hỏi trắc nghiệm về phát âm, đánh trọng âm như trước mà thay vào đó cho các em nói hay thuyết trình trên lớp để đánh giá cột điểm khác. Quan trọng nhất là giúp học sinh sử dụng kỹ năng nhiều hơn”, vị này bộc bạch.

Đừng “thần tượng hóa” IELTS

Nam giáo viên cũng cảnh báo thực trạng nhiều phụ huynh, học sinh “thần tượng hóa” bài thi IELTS, xem đây là chứng chỉ “vạn năng” nên “đổ” tiền vào trung tâm, phủ nhận công sức trong lớp. “IELTS hay bất cứ chứng chỉ quốc tế nào cũng đều đánh giá năng lực tiếng Anh, nên nếu có kỹ năng tốt thì không cần học thêm vẫn sẽ thi tốt. Phải luyện thi IELTS mới giỏi là một quan niệm sai vì lớp luyện thi cũng học những gì được dạy trong SGK”, giáo viên này phân tích.

Người thầy có kinh nghiệm luyện thi IELTS khẳng định: “Mục đích của tiếng Anh chương trình mới là phát triển kỹ năng để HS đạt chuẩn đầu ra tối thiểu B1 hoặc B2 (tương đương IELTS 5.5 - 6.0) nên bạn nào cố gắng trong lớp sẽ đạt kết quả tốt. Việc ‘trầy trật’ ôn IELTS là không cần thiết. Các em chỉ cần được định hướng, chủ động tự học và xây dựng không gian tiếng Anh để phát triển thêm. Sau đó dành thời gian ngắn làm quen đề thi là có thể đạt thang điểm như ý”.

Học sinh luyện thi IELTS tại nhà

n.l

Học thêm ngoài kiến thức ngôn ngữ

Hiện đang giảng dạy THPT ở một tỉnh phía bắc, thầy Đ.T.Khánh cho hay quá trình dạy tiếng Anh trên trường nhiều năm qua có thể giúp học sinh có đủ năng lực giao tiếp, đặc biệt là nghe và nói. “Trường tích cực xây dựng các hoạt động ngoại ngữ như đóng kịch, thuyết trình, quay phóng sự về các cơ sở sản xuất, làng nghề cho các em tham gia ngoài việc học trong SGK”, thầy Khánh nói.

Thầy Khánh cho biết kiểm tra trên lớp và cuối kỳ tuân theo công văn của Bộ GD-ĐT, tức hướng đến đánh giá năng lực HS với đủ kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. “Ở cuối kỳ, kỹ năng nói có ngày thi riêng. Các em được kiểm tra theo hình thức IELTS hoặc VSTEP, tức trao đổi 1:1 với giáo viên hoặc nói với nhau theo cặp với 3 phần khác nhau”, giáo viên này chia sẻ.

Nam giáo viên chia sẻ đang áp dụng phương pháp dạy tiếng Anh theo hướng giao tiếp (communicative approach) và tích hợp (integrated teaching method). Theo đó, học sinh được học kiến thức giao thoa văn hóa (cross-cultural communication) và chuyên ngành (CLILL), bên cạnh kiến thức ngôn ngữ. “Đây là xu thế tất yếu giúp học sinh có đủ năng lực giao tiếp để đáp ứng yêu cầu hội nhập thế giới hiện nay”, vị này kết luận.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.