Hơn trăm triệu mua đề thi IELTS 'thật': Xử lý ra sao?

07/10/2022 07:05 GMT+7

Người mua đề IELTS 'thật' đối mặt khả năng bị hủy kết quả và cấm thi từ đơn vị tổ chức thi, nhưng vẫn có thể tố cáo nếu bị lừa đảo.

Hành vi vi phạm pháp luật

Đối chiếu với quy định của pháp luật, luật sư (LS) Nguyễn Thạch Thảo, Văn phòng LS Nguyễn Thạch Thảo, cho biết các loại đề thi IELTS “thật” không có trong danh mục hàng hóa cấm kinh doanh. “Nhưng theo tôi, bản chất của việc bán đề “thật” trước khi thi đã là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, không thể coi nó là loại hàng để kinh doanh và các giao dịch dân sự đương nhiên sẽ không được pháp luật bảo hộ”, ông Thảo nói.

Tuy nhiên, người mua vẫn có thể tố cáo người bán về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu bị chiếm đoạt số tiền từ 2 triệu đồng trở lên, theo quy định tại điều 174 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Theo đó, tùy vào tính chất, mức độ của số tiền chiếm đoạt sẽ quyết định khung hình phạt của tội này, thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, và cao nhất là từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Khi được hỏi liệu hành vi mua đề thi “thật” có làm người mua bị xử lý liên đới khi tố cáo, LS Thảo phân tích: “Vì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên khi tố cáo, người mua sẽ được xác định là bị hại trong vụ án và giao dịch giữa người mua và người bán trở nên vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Người mua được quyền yêu cầu người bán trả lại số tiền mà mình đã bị lừa đảo”.

Thông tin cảnh báo trên trang web chính thức của Hội đồng Anh và IDP, 2 đơn vị được ủy quyền tổ chức thi IELTS tại VN

CHỤP MÀN HÌNH

Trường hợp hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa đủ các điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể, theo khoản 1 điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thì sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng.

Ngoài ra, theo LS Thảo, người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn phải chịu hình phạt bổ sung và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. “Hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm”, LS Thảo cho biết.

Nói về yêu cầu phải chụp ảnh CMND/CCCD để “làm tin” của một số người bán, LS Thảo cho hay trên thực tế, không có quy định nào cấm thực hiện điều này, và người mua có quyền quyết định nên xuất trình thông tin cá nhân hay không cũng như tự đánh giá các rủi ro nếu có.

“Đây là các thỏa thuận dân sự trên nguyên tắc tự nguyện nên pháp luật tôn trọng quyền quyết định của công dân. Nhưng nếu người bán sử dụng thông tin, hình ảnh CMND/CCCD của khách hàng vào mục đích bất chính thì đương nhiên là hành vi phạm pháp”, LS Thảo thông tin.

Rao bán đề thi IELTS có giá lên đến 120 triệu đồng

chụp màn hình

Đơn vị tổ chức thi nói gì ?

Ghi nhận trên trang web chính thức, 2 đơn vị được ủy quyền tổ chức thi IELTS tại VN là Hội đồng Anh (British Council) và Tổ chức giáo dục quốc tế IDP (Úc) đều phát đi thông điệp cảnh báo lừa đảo liên quan tới kỳ thi IELTS, trong đó đề cập đến hiện tượng “cung cấp đề thi trước ngày thi chính thức” (Hội đồng Anh) và “cung cấp nội dung đề thi” (IDP).

“Tất cả các hành vi và nội dung quảng cáo trên đều là lừa đảo. Hội đồng Anh mong các thí sinh (TS) luôn cảnh giác khi tiếp nhận những thông tin lừa đảo này. Kỳ thi IELTS được bảo mật chặt chẽ qua nhiều khâu trước, trong và sau kỳ thi nhằm đảm bảo tính chính xác và tin cậy của một kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ chuẩn quốc tế”, trang web thông tin.

Đề cập đến chế tài xử lý TS nếu phát hiện có tham gia vào hành vi gian lận trong kỳ thi, Hội đồng Anh cho biết: “Có thể sẽ bị hủy kết quả thi, cấm thi trong vòng hai năm, đồng thời sẽ bị từ chối xét duyệt trong khoảng thời gian quy định bởi các tổ chức công nhận chứng chỉ IELTS trên toàn cầu”. Trong khi đó, IDP khẳng định: “TS có thể bị hủy kết quả và chứng chỉ thi từ các quá trình điều tra an ninh sau kỳ thi”.

Cuối bài, cả Hội đồng Anh và IDP đều kêu gọi TS báo cáo nếu gặp các hành vi lừa đảo.

Chúng tôi đã liên hệ với những đơn vị trên để làm rõ vấn đề và sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.