Không dễ để nói về mối quan hệ bình đẳng giữa thầy cô và học trò, khi giữa hai nhóm có sự khác nhau về tuổi đời, về trải nghiệm, về tri thức và vị trí.
Thế nào là quan hệ thầy trò bình đẳng?
Khi tôi học đại học, giải tích hàm là môn học khá trừu tượng. Giảng đường rộng có khoảng 200 sinh viên. Tôi mắt kém thường ngồi ngay dãy đầu. Đang giờ học, giảng viên bỗng hỏi vọng lên phía trên (những dãy bàn phía sau cao hơn để sinh viên nhìn thấy bảng): "Các cậu làm gì trên đó?". Khi nhóm sinh viên nói đang chơi cờ, thầy bảo "Chơi cờ thì được, nhưng đừng làm ồn".
Cũng môn này, một lần thầy đang giảng, tôi chợt nhận ra có gì đó sai sai nên lúc lắc cái đầu. Thầy dừng lại hỏi tôi có chuyện gì. Tôi mạnh dạn nói "Hình như thầy giảng sai". Tôi bèn chỉ ra chỗ sai đó dù phải hơi loay hoay một lúc. Thầy làm tôi bất ngờ: "Hình như cậu đúng, nhưng chưa biết tôi sai chỗ nào! Thôi cậu lên giảng thay tôi vậy! ".
Tôi lên giảng một hồi, cả hội trường lúc này nghe rất chăm chú. Nhưng khi giảng xong, thầy hỏi hỏi cả lớp có ai hiểu không. Cả lớp đồng loạt nói không. Thầy cũng nói không hiểu. Rồi thầy nói cả lớp về nghĩ tiếp, ai nghĩ được gì hay thì hôm sau bàn tiếp. Buổi học tiếp theo, vừa bước vào thầy nói ngay với tôi: "Hôm trước cậu đúng rồi, nhưng cậu trình bày dở ẹc". Rồi thầy giảng lại phần đó.
Tôi nghĩ như vậy có thể gọi là bình đẳng. Nhưng thử đặt trong nhiều tình huống khác, chẳng hạn thầy cô hỏi học trò: các em cảm thấy giờ học hôm nay thế nào? Nếu học trò nói thật rằng: em thấy buồn ngủ lắm, chỉ thích đi chơi, thì chắc chắn sẽ bị cho là "học trò hư". Không phải học trò nào cũng dám nói thật và không phải thầy cô nào cũng chấp nhận lời nói thẳng thật đó.
Làm thế nào để học sinh dám nói thẳng, nói thật?
Câu hỏi này cần một câu trả lời mang tính hệ thống. Trước hết, cần phải hiểu học sinh ở độ tuổi 6-18 là giai đoạn đang phát triển. Chúng ta quá bao bọc đối với tuổi này nhưng mặt khác lại áp đặt những phép tắc quá khắt khe và… không rõ ràng.
Không có bình đẳng, sẽ không thể có học sinh dám nói thẳng, nói thật các suy nghĩ và ý kiến của mình. Học sinh không dám nói thật thì đất nước sẽ chỉ gồm những công dân quen... nói dối.
Đứa trẻ rất khó tự xác định như thế nào là đúng, là không hỗn với cha mẹ hay thầy cô. Rất nhiều trường hợp, đúng hay sai là do người lớn xác định, không thể gọi là bình đẳng. Đúng hay sai phải được xác định bằng các quy ước khách quan với mọi người, như thế mới gọi là bình đẳng.
Trong nhà trường và cả gia đình, cần phải chấp nhận tụi trẻ có thể sai. Một đứa trẻ sai là chuyện rất bình thường, người lớn còn sai thường xuyên sao bắt đứa trẻ không sai. Người xưa có câu "không biết thì không có tội", rất nhiều khi trẻ sai vì chúng không biết. Những gì trẻ bắt buộc cần tuân thủ thì cần phải viết thành quy định cụ thể, rõ ràng, có thể tự kiểm tra được và phải được dạy từ đầu.
Ở các nước, trường học thường có tuần định hướng (orientation week) dành cho học sinh mới nhập trường. Trong thời gian này các quy chế, quy định được phổ biến rất rõ ràng để mọi học sinh đều nắm được. Ở ta, phần lớn các trường chưa có môn này.
Tiếp theo, chúng ta cần có thái độ bao dung với lỗi của trẻ. Cần hướng dẫn, chỉ ra cái sai và cách khắc phục lỗi thay vì trừng phạt. Một trong những hình phạt tệ nhất và phổ biến nhất hiện nay là yêu cầu phụ huynh đến gặp nhà trường. Kết quả là một lỗi (thường là nhỏ) của học sinh có đến hai quan tòa phán xét.
Nếu cần gặp phụ huynh, nhà trường nên liên lạc trực tiếp và không nhất thiết phải để học sinh biết nếu không thực sự cần thiết. Hình phạt chỉ nên dùng cho những lỗi nặng (ví dụ: đánh bạn, hay vi phạm pháp luật). Gặp phụ huynh cũng không nhất thiết phải đến trường, có rất nhiều việc có thể trao đổi qua điện thoại.
Vai trò của người thầy
Để chấp nhận trẻ có thể sai, trước hết thầy cô phải chấp nhận rằng mình… cũng có thể sai. Văn hóa Việt Nam thường mô tả nghề giáo viên là nghề cao quý. Việc này lại khiến thầy cô nghĩ phải luôn đúng, luôn chuẩn mực, theo cách mà mỗi người lại tự đặt cho mình.
Thầy cô cũng như bất kỳ ai cũng có thể đúng, có thể sai, có thể tốt hoặc xấu. Việc xem xét cần tuân thủ các quy chế rõ ràng. Việc chấp nhận mình sai, như trường hợp ông thầy của tôi trong câu chuyện trên đây, không hề làm giảm uy tín của thầy, ngược lại chúng tôi càng thêm kính trọng ông như một người thầy và như một nhà khoa học.
Không nên áp đặt kết quả học tập của học sinh vào trình độ của người thầy. Cái này liên quan đến khái niệm "học sinh là trung tâm". Công việc của người thầy là truyền tải, hướng dẫn, giúp đỡ còn việc học là việc của học sinh. Dù ở lứa tuổi nào thì thầy cũng không thể học thay học trò. Cần làm cho học sinh và gia đình nhận thức được điều đó.
Đánh đồng (hay ngộ nhận) kết quả học tập của học trò là thước đo trình độ của thầy cô lại góp phần làm trầm trọng hơn căn bệnh thành tích vốn đã rất nặng nề trong nền giáo dục Việt Nam. Cái này là trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục mà đại diện đầu tiên chính là hiệu trưởng nhà trường.
Bình luận (0)