Học từ người trẻ để thấy vấn đề của người trẻ

22/04/2022 09:07 GMT+7

Nhà giáo dục sẽ chẳng giúp gì được các em, nếu như chỉ hô khẩu hiệu và bắt các em hô theo.

“Nếu một xã hội nghĩ đến tương lai của chính mình thì xã hội đó phải nghĩ đến những điều kiện sống của người trẻ.... Những điều kiện giúp họ sống, những điều kiện giúp họ phát triển”. (Karol Joseph Wojtyla)

John Amos Komensky nói rằng “tuổi trẻ là mùa xuân của cuộc đời”. Để giúp người trẻ sống mùa xuân tươi đẹp cuộc đời họ, cha mẹ, thầy cô, nhà giáo dục cần học với người trẻ để biết vấn đề của tuổi trẻ, để “sống trẻ”. Tuổi trẻ là ân huệ lớn lao của Tạo hóa, sống trẻ vừa đẹp vừa khó. Mà có lẽ nó đẹp chính vì nó khó.

Thầy giáo sẽ chẳng giúp gì được các em nếu chỉ bắt các em ghi nhớ các công thức, lý thuyết khô khan vô hồn

ảnh minh họa

Hiện tượng tự tử hay “tàn phá” cuộc đời trong những vui thú chóng qua, thậm chí độc hại, cho thấy rằng, nhiều người trẻ (đáng chú ý là học sinh - sinh viên) đang đánh mất bản thân, không tìm thấy ý nghĩa và động lực cuộc đời. Điểm chung từ những là thư tuyệt mệnh của học sinh - sinh viên khẳng định điều đó. Tại sao vậy?

Một trong những sự hấp dẫn (trở thành động lực nội tại) đối với tuổi trẻ là khám phá thế giới nội tâm, khám phá được cái tôi sâu thẳm và phong phú của bản thân. Từ kết quả khám phá này, sự chọn lựa cho cả cuộc đời được định đoạt. Trong tiến trình khám phá này, có rất nhiều khó khăn thách thức.

Người trẻ ngày nay phải đối mặt với nhiều thách đố, phải sống trong sự giằng kéo giữa những sức mạnh trái ngược nhau đến từ khát vọng sống và từ thế giới xung quanh.

Hằng ngày trong mỗi người trẻ luôn diễn ra sự tranh chấp giữa sức hút đến từ vẻ đẹp lớn lao (nhưng khó thấy) của tri thức, lao động, tình yêu, sự thật, công lý, với những sức hấp dẫn của “thành đạt/sành điệu” thể hiện bằng tiền bạc, thành công, quyền lực, giải trí (vốn được lăng xê hàng ngày bởi các phương tiện truyền thông). Chính ở đây câu hỏi “Ai thực sự giúp được các em?” nổi lên như một sự thúc bách.

Các em đến trường để làm gì? Để học hỏi, khám phá kiến thức khoa học hay để khám phá và phát triển bản thân? Chắc là phải là cả hai, một như mục đích và một như điều kiện. Cần phải học hỏi, cần phải đến trường, nhưng việc học phải giúp cho người học thấy cuộc đời này đẹp hơn, đáng sống hơn, thấy mình không chỉ có thể thưởng thức nhưng còn có thể sáng tạo cái đẹp.

Nhà trường sẽ giúp các em thế nào? Chú trọng quá mức đến các điều kiện vật chất như computer, máy lạnh… hay các tiện nghi khác có phải là đảm bảo chắc chắn cho chất lượng giáo dục? Đòi hỏi các em ghi nhớ thật nhiều các công thức, lý thuyết khô khan vô hồn (mà chắc rồi sẽ quên) có phải là giúp các em khám phá giá trị và vẻ đẹp của tri thức để tìm cách chiếm lĩnh lấy?

Cha mẹ sẽ giúp các em thế nào? Ngày nay, dường như nhiều cha mẹ chú trọng cung cấp các điều kiện vật chất cho con cái hơn là giúp các em hạnh phúc khi gia đình quây quần bên bàn ăn để thưởng thức không chỉ món ăn mà còn là tình yêu của mẹ, công lao động của cha hay tình thương của sự nhường nhịn giữa anh chị em.

Ngày nay, nhiều khi chiếc smartphone (điện thoại thông minh) đã khiến cho thành viên gia đình không còn hiện diện với nhau dù ngồi cùng bàn ăn, đẩy họ tìm kiếm sự chia sẻ nơi những người xa lạ vắng mặt.

Cha mẹ hằng ngày cung cấp cho các em các điều kiện và tiện nghi vật chất, thầy cô hàng ngày rao giảng cho các em các kiến thức (mà thầy cho là quan trọng và cần thiết), nhưng chúng ta có thực sự hiểu về những gì các em cần hay làm sao để các em vui sống với những gì nhận được?

Những phản ứng của các em học sinh - sinh viên qua hành động bỏ nhà đi hoang, nghiện mạng xã hội…thậm chí tự tử thời gian qua đã cho câu trả lời về giá trị của những chúng ta đang làm cho các em. Có phải chúng ta đang cung cấp cho các em những gì người lớn thích và muốn chứ không phải những gì cần và tốt cho các em?

Điều kiện tốt mà thôi thì chưa đủ, nó còn cần phải đúng đắn, thích hợp với việc giúp con người phát triển, nhờ đó con người dấn thân hoàn toàn vào những gì mình có thể làm và phải làm.

Những gì các em “có thể làm” phụ thuộc vào điều kiện được cung cấp, còn những gì các em “phải làm” chỉ xảy ra khi trong các em bùng cháy ước muốn được lớn lên, được phát triển, có được một hướng nhìn xa. Hướng nhìn xa ấy được tạo ra bởi những điều kiện bên ngoài và bởi chính bản thân, nhờ đó vượt thắng những điều kiện bên ngoài với một “sức mạnh xuyên tường”.

Vấn đề lớn nhất đối với người trẻ học sinh - sinh viên hôm nay là các em có dư thừa người chỉ đạo với vô vàn những yêu cầu đặt ra, nhưng lại thiếu những người hướng dẫn đồng hành có trách nhiệm, thiếu những người có thể “là cha, là thầy, là bạn”.

Phải tự mình sống dưới áp lực trong sự thiếu thốn ấy, các em biết dựa vào đâu ngoài những người bạn ảo (thậm chí có thể độc hại) trên mạng xã hội. Phải chăng các em không bỏ nhà đi nhưng sai lầm của người lớn đã đẩy các em đi?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.