Hội An nói gì về thông tin lan truyền cụ ông chèo ghe bị thu 300.000 đồng

Mạnh Cường
Mạnh Cường
06/03/2022 11:26 GMT+7

Phòng quản lý đô thị TP.Hội An (Quảng Nam) cho biết, thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc thành phố thu mỗi tháng 300.000 đồng của cụ ông lái ghe trên sông Hoài là không đúng.

Dẫn lại thông tin kêu gọi quyên góp giúp cụ nhưng gia đình từ chối

Cộng đồng mạng xã hội Facebook chia sẻ khá rầm rộ về một dòng trạng thái với tiêu đề: “Hội An ơi - Xin giúp đỡ”. Dòng trạng thái này được dẫn lại từ tài khoản T.T. Nội dung bài viết thuật lại câu chuyện diễn ra tại TP.Hội An vào giữa tháng 2 vừa qua xoay quanh câu chuyện ông cụ chèo đò ở Phố cổ Hội An, về gia cảnh nghèo khó và công việc của ông cũng như việc ông phải đóng thuế 300.000 đồng/tháng.

Sau khi chia sẻ lại thông tin trên, chủ tài khoản N.Đ.T.P có kêu gọi cộng đồng quyên góp để giúp đỡ cho cụ. Tuy nhiên, sau đó chị cho biết gia đình cụ có điện thoại và nói rõ không nhận hỗ trợ quyên góp nên không tổ chức quyên góp cho trường hợp này.

Tuy nhiên cũng sau đó tài khoản T.T cũng có thêm câu chuyện chủ tịch nghiệp đoàn ghe bơi TP đến làm việc với ông cụ với mức giá 15.000 đồng/khách là sai với mức giá quy định. Status này được chị N.Đ.T.P dẫn lại với mong muốn chính quyền làm rõ.

Chị N.Đ.T.P., cho biết bài viết đăng tải trên Facebook cá nhân của chị viết về trường hợp của cụ Tô là được chia sẻ lại từ một người khác. “Bản thân mình thấy cụ ông ở xa quá, không có gì giúp nên mới chia sẻ bài viết này nhằm nhờ các bạn ở Hội An hay những người gần đó hỗ trợ cho cụ. Việc đăng bài thì coppy từ người khác qua thôi chứ mình không trực tiếp chứng kiến rồi viết bài này”, chị P. nói.

Theo chị P. sau khi bài viết đăng tải được 10 phút thì con gái cụ Tô đã liên hệ tới chị, bảo gia đình không nhận quyên góp, rất cảm ơn đã đăng bài. Tiền quyên góp xin gửi lại cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Chị P. cho rằng, việc chị bức xúc nhất là khi bài viết đăng tải đã có rất nhiều người tập trung chỗ vị trí của cụ Tô chờ chở đi dạo quanh sông Hoài nên thành ra có những người chèo ghe khác không vừa mắt thì lại kiếm chuyện với cụ.

“Ông là một cựu chiến binh, đã nhiều tuổi nhưng vẫn phải mưu sinh thì tại sao mình không có thể nào nhẹ nhàng với ông thêm một chút, mà cứ phải nhìn vấn đề một cách tiêu cực”, chị P. nói.

Theo chị P., thông tin cụ ông đóng thuế 300.000 đồng mỗi tháng là coppy từ người khác, có ghi nguồn đầy đủ, chứ bản thân mình cũng không kiểm chứng thông tin này. “Tôi cũng đã làm việc với chính quyền địa phương và sẽ có bài đính chính lại nhưng theo phương diện đứng trung lập thôi, không có theo ai cả. Chúng ta nên giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng chút xíu”, chị P. chia sẻ thêm.

"Mỗi tháng đóng 300.000 đồng" là không chính xác

Trả lời về vấn đề này, ông Võ Đăng Phong, Phó trưởng Phòng quản lý đô thị TP.Hội An, cho biết trưa Phòng quản lý đô thị TP.Hội An và Nghiệp đoàn ghe bơi TP.Hội An đã có buổi làm việc với cụ ông được nhắc trên mạng xã hội mấy ngày hôm nay.

Cụ Tô chèo ghe chở khách ở TP.Hội An

T.T

Theo ông Phong, bác chèo ghe tên Nguyễn Tô, 79 tuổi, ở P.Minh An (TP.Hội An) chứ không phải 89 tuổi như dòng trạng thái đăng trên mạng xã hội Facebook. Bác Tô thuộc Nghiệp đoàn ghe bơi của TP.Hội An, được phép hoạt động chở khách du lịch. Cũng theo ông Phong, thông tin mỗi tháng bác Tô phải "nộp thuế 300.000 đồng" là không chính xác.

“Qua làm việc thì bác Tô xác nhận không có nói câu trên, và thực tế TP.Hội An không hề thu khoản thuế nào. Đây là người dân lao động tự do nên chủ trương của thành phố tạo điều kiện cho họ và không thu một đồng nào từ trước đến nay”, ông Phong nói.

Ông Phong cũng thông tin, vừa qua chính quyền đã giao cho nghiệp đoàn ghe bơi thành phố thống nhất với tất cả các hộ ghe bơi, xây dựng quy chế chi tiêu cụ thể về việc tham gia phí tự nguyện đóng góp cho nghiệp đoàn để thực hiện ma chay, hiếu hỉ. Sau đó, quy chế này gửi lên thành phố xem xét và thống nhất, nhưng việc này vẫn chưa triển khai thu.

Trả lời thông tin có hay không việc cụ Tô "phá giá", ông Phong khẳng định: "Bác Tô hoàn toàn không sai trong việc này".

“Trước đây, nghiệp đoàn có hiệp thương một giá chuẩn ở mức tương đối để tất cả các thành viên tuân theo. Mỗi thuyền như vậy sẽ có giá 150.000 đồng/15 phút. Số tiền trên sẽ được chia đều trên đầu người. Về bác Tô, bác có hạ giá hơi thấp, cùng với hiệu ứng mạng xã hội đã dẫn đến việc nhiều người chưa đồng ý. Nhưng vì dịch bệnh nên việc người dân linh động giá cả để phù hợp cũng là điều dễ hiểu”, ông Phong nói.

Phó trưởng Phòng quản lý đô thị TP.Hội An thông tin thêm, tới đây đơn vị sẽ giao nghiệp đoàn tự thống nhất với nhau, xác lập biên bản về giá cả báo cáo thành phố theo tình hình và nhu cầu của khách hiện nay. Hiện giá quá chung chung, không cụ thể dẫn đến việc mỗi người một giá, không đưa vào khuôn khổ. Chính quyền TP.Hội An dựng bảng niêm yết giá tại các bến đón, đỗ khách nhằm đảm bảo ổn định giá cả.

Đưa hoạt động ghe bơi trở thành một sản phẩm du lịch du lịch văn hóa

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, cho biết địa phương đã làm việc với người đăng tải bài viết về cụ Nguyễn Tô. Việc thông tin đưa lên mạng xã hội có nhiều chi tiết thêu dệt thêm, không chính xác.

Hội An sẽ chấn chỉnh hoạt động ghe thuyền chở khách trên sông Hoài

mạnh cường

“Cụ Tô năm nay đã nhiều tuổi rồi thì làm chi có chuyện cụ đi phụ hồ, rồi một tháng phải nộp 300.000 đồng tiền thuế. Địa phương hỗ trợ người dân không hết chứ đừng nói đi thu tiền những người này”, ông Lanh nói.

Theo ông Lanh, việc viết bài kêu gọi giúp đỡ cụ Tô là có ý tốt nhưng lại gây tác dụng ngược. Bài viết vô hình dung tạo sự cô lập cho cụ trước cộng đồng ghe bơi, làm đứt gãy tình đoàn kết nội bộ. Trong khi, thành phố đang cố gắng kết nối lại nhằm chia sẻ, nương tựa lẫn nhau. Cụ Tô và hai con gái cũng rất buồn khi bị lôi vào những việc này.

Hoàn cảnh của gia đình cụ Tô không đến mức quá khó khăn. Cụ Tô là một trong những người chèo thuyền lâu năm, gắn bó với sông Hoài và việc chèo thuyền phục vụ khách đối với cụ không chỉ là nghề kiếm tiền mà còn là sự đam mê, là niềm vui mỗi ngày.

Cũng theo ông Lanh, trước đây chỉ có 140 chiếc nhưng đến nay đã phát triển lên 300 chiếc. Hoạt động bơi thuyền du lịch trên sông Hoài trước nay có một số vấn đề bất cập bị du khách, người dân phàn nàn. Tuy nhiên, hiện nay thành phố đã tổ chức đối thoại và hàn gắn cộng đồng ghe bơi với nhau thành một tập thể.

“Sắp tới TP.Hội An sẽ phân luồng, phân tuyến, tổ chức nhiều cái để hoạt động ghe bơi trở thành một sản phẩm du lịch du lịch văn hóa, chứ không đơn thuần chỉ chở khách đi dạo trên sông Hoài”, ông Lanh khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.