Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện, đang nghiên cứu đưa một số thành phố của Việt Nam tham gia vào mạng lưới với hy vọng giới thiệu cho bạn bè quốc tế những giá trị vật thể và phi vật thể đặc sắc, độc đáo. PGS-TS Đỗ Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Nghiên cứu văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, thành viên ban soạn thảo đề án, chia sẻ về trường hợp của Hội An.
- PGS-TS Đỗ Thị Thanh Thủy: Trong một chuyến đi nghiên cứu khảo sát tiền khả thi vào tháng 4.2022 về tiềm năng của Hội An trong việc tham gia mạng lưới, chúng tôi nhận thấy ở Hội An có một tương tác mật thiết giữa các bên liên quan như doanh nghiệp, chính quyền, cộng đồng cư dân, các tổ chức nghiên cứu, tư vấn, các nhà thực hành nghệ thuật, đối tác truyền thông, giữa các ngành và lĩnh vực khác nhau, điều đã tạo nên một không khí cởi mở và mang tính tham dự, hỗ trợ cho văn hóa sáng tạo nơi đây.
PGS-TS Đỗ Thị Thanh Thủy |
Đặc biệt, sự tiên phong của các doanh nghiệp sáng tạo là điểm sáng, góp phần phát triển Hội An theo định hướng của một thành phố văn hóa, sinh thái - du lịch, một mục tiêu, tầm nhìn chiến lược đã được chính quyền thành phố chính thức đề ra trong những năm gần đây. Phát triển du lịch xanh, bền vững là định hướng tiên phong ở thành phố Hội An nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung, với yêu cầu vừa phát triển du lịch vừa phải bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, bồi đắp các giá trị nhân văn và tiếp tục tạo ra giá trị gia tăng từ văn hóa bản địa.
* Bà có thể chia sẻ những câu chuyện về các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của thành phố Hội An?
- PGS-TS Đỗ Thị Thanh Thủy: Tôi được biết cộng đồng doanh nghiệp sáng tạo ở Hội An có khoảng vài chục doanh nghiệp, trong số đó một số doanh nghiệp tiên phong đã góp phần tạo ra rất nhiều sản phẩm, dịch vụ mới mang đậm bản sắc văn hóa, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm đa dạng của du khách, vừa thân thiện với môi trường, vừa góp phần tạo ra sinh kế, kết nối cộng đồng, tạo ra tính cạnh tranh và hấp dẫn cao của thương hiệu điểm đến du lịch Hội An. Thành phố đã kế thừa phát huy nhiều tài nguyên di sản văn hóa thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như các sản phẩm du lịch dựa trên nghệ thuật trình diễn dân gian, các nghề thủ công truyền thống, và nhiều sáng tạo khác về các ngành công nghiệp văn hóa, đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho thành phố, tạo công ăn làm cho người dân Hội An và các nơi lân cận.
Những tấm gương tiêu biểu về các doanh nghiệp sáng tạo của thành phố có thể kể đến như chị Trịnh Diễm Vy, người đã dành tâm huyết gây dựng nên thương hiệu ẩm thực Việt Nam, thực thi nhiều ý tưởng, sáng kiến tiên phong táo bạo như các chuỗi nhà hàng, các khóa đào tạo nấu ăn về ẩm thực Việt Nam và rất nhiều hoạt động khác ngay từ thập niên 90 của thế kỷ trước cho đến hiện nay. Qua đó góp phần lan tỏa những giá trị, vẻ đẹp của ẩm thực truyền thống Việt Nam giàu bản sắc, truyền tải những lối sống, triết lý của dân tộc qua ẩm thực tới bạn bè quốc tế, cũng như truyền cảm hứng, tầm nhìn và khát vọng tới những người trẻ tuổi và cộng đồng.
Hay những người như anh Võ Tấn Tân ở xã Cẩm Thanh, người đam mê và đã sáng tạo nên rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ trang trí nội thất, các vật dụng, đồ lưu niệm, các món đồ chơi độc đáo từ tre, trúc, lá dừa, những vật liệu địa phương, thân thiện với môi trường. Những sản phẩm bền đẹp, sinh động, có giá trị gia tăng cao này đã góp phần lan tỏa lối sống xanh, đồng thời chuyển tải những nét đẹp mộc mạc, thân thiện, thanh bình của cảnh quan, con người Hội An tới du khách. Xưởng tre Taboo Bamboo Workshop của anh đã trở thành một không gian văn hóa đậm đà bản sắc, một trong những điểm đến yêu thích của nhiều du khách tại Hội An.
Anh Lê Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội Khởi nghiệp sáng tạo TP.Hội An |
Chúng tôi còn gặp anh Lê Ngọc Thuận, một doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo và hiện là Chủ tịch Hội Khởi nghiệp sáng tạo TP.Hội An. Anh Lê Ngọc Thuận được biết đến với nhiều câu chuyện truyền cảm hứng như một trong những người tiên phong góp phần tạo dựng nên dịch vụ lưu trú gia đình (home stay) theo hướng bảo tồn các giá trị văn hóa - kiến trúc làng quê, sử dụng vật liệu địa phương, thân thiện với môi trường. Anh cũng là người khơi dậy sức sáng tạo, gắn kết với cộng đồng, lan tỏa tinh thần doanh nghiệp cho cả cộng đồng làng chài An Bàng và phát triển du lịch cộng đồng nơi đây dựa trên vốn văn hóa truyền thống, góp phần giữ gìn cảnh quan, kiến trúc bản địa.
Gần đây những sáng tạo của Lê Ngọc Thuận với ý tưởng phát triển dòng sản phẩm mộc mỹ thuật tái chế từ củi lũ, vừa gìn giữ phát huy, phục hồi nghề mộc, nghề điêu khắc, chạm trổ gỗ truyền thống của các nghệ nhân tài hoa làng nghề Kim Bồng (Hội An), vừa góp phần gìn giữ, tái tạo các mô típ, biểu tượng văn hóa truyền thống của các dân tộc như người Cơ tu ở Quảng Nam. Các mẫu thiết kế sáng tạo của Lê Ngọc Thuận được bắt rễ trên nền tảng truyền thống, nhưng được biến tấu và sáng tạo, biến những phế phẩm gỗ củi bỏ đi thành các tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao (chứ không chỉ là những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ) là những câu chuyện đầy cảm hứng.
Bình luận (0)