Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn về tình hình Ukraine

Khánh An
Khánh An
22/02/2022 11:01 GMT+7

Phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc diễn ra trong bối cảnh tình hình Ukraine diễn biến phức tạp, với Mỹ, Anh chỉ trích Nga, trong khi nhiều nước kêu gọi các bên kiềm chế.

Phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về tình hình Ukraine

afp

Tờ The Guardian ngày 22.2 dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh đưa binh sĩ sang miền đông Ukraine với lý do “gìn giữ hòa bình”.

“Điều này là vô lý. Chúng tôi biết rõ những điều đó là gì”, bà phát biểu tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Theo bà Thomas-Greenfield, việc Nga công nhận độc lập 2 vùng ly khai phía đông Ukraine “rõ ràng là cơ sở cho nỗ lực của Nga nhằm tạo tiền đề cho việc tiếp tục lấn tới tại Ukraine”.

“Không ai có thể đứng bên lề”, bà phát biểu, đồng thời gọi những hành động của Nga là sự vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế và gây ảnh hưởng nghiêm trọng ở Ukraine, châu Âu và trên thế giới.

Bên cạnh đó, bà khẳng định thông tin Ukraine muốn có vũ khí hạt nhân từ phương Tây là không đúng. Mỹ và các đồng minh “không hề có ý định cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine và Ukraine cũng không muốn có chúng”, theo bà Thomas-Greenfield.

Về phần mình, Trưởng phái đoàn thường trực Anh tại Liên Hiệp Quốc Barbara Woodward nhấn mạnh về nguy cơ ảnh hưởng nhân đạo, những hậu quả nghiêm trọng của chiến tranh, chết chóc và sự hủy diệt đối với nhân dân Ukraine.

Theo bà, những hành động của Nga “là lời nhạo báng” đối với những cam kết trước đó trong thỏa thuận Minsk và là “sự coi thường rõ ràng đối với luật pháp quốc tế”.

“Nga đã đưa chúng ta đến bờ vực. Chúng tôi kêu gọi Nga phải lùi lại”, bà phát biểu và cho hay Nga sẽ chịu hậu quả kinh tế nghiêm trọng vì những hành động của mình.

LHQ, phương Tây phản ứng mạnh vì Nga công nhận độc lập 2 vùng miền đông Ukraine

Trước đó khi phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Rosemary DiCarlo bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Ukraine khi viện dẫn 3.331 trường hợp vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ở miền đông nước này trong vài ngày qua, đồng thời kêu gọi đàm phán thêm.

Theo bà, các bên cần hướng đến giải pháp ngoại giao đối với khủng hoảng, và những ngày, giờ sắp tới là trọng yếu.

Cũng tại cuộc họp, đại diện của Ireland tại Liên Hiệp Quốc Geraldine Nason khẳng định sự ủng hộ đối với Ukraine. “Ukraine cũng có quyền cơ bản như mọi nước khác”, bà nhấn mạnh và cáo buộc hành động của Nga vi phạm luật pháp quốc tế.

Đại diện các nước khác như Ấn Độ, UAE kêu gọi các bên kiềm chế nhằm duy trì hòa bình, an ninh, tránh thương vong và nên quay lại thỏa thuận Minsk.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân có bài phát biểu ngắn gọn, kêu gọi “tất cả các bên liên quan phải kiềm chế và tìm kiếm giải pháp hợp lý đối với những quan ngại của nhau”.

Nga, Ukraine cáo buộc nhau

Cũng tại phiên họp, Đại sứ Nga Vasily Nebenzya khẳng định rằng việc để xảy ra “cuộc tắm máu mới ở Donbass là điều mà chúng tôi không định làm”.

Phản hồi về những lời kêu gọi xuống thang căng thẳng ở Ukraine, ông nói: “Tôi sẽ để những lời công kích trực tiếp đối với chúng tôi không có câu trả lời”.

Ông cáo buộc Ukraine vi phạm thỏa thuận Minsk khi không đối thoại với lực lượng ly khai ở miền đông. Bên cạnh đó, ông cho rằng phương Tây là “cú hích” đẩy Ukraine đến mâu thuẫn.

Theo Đại sứ Nebenzya, Ukraine đang trên bờ vực “phiêu lưu quân sự”. Ông cho biết Nga vẫn cởi mở về ngoại giao liên quan vấn đề Ukraine.

Ông cho rằng nhiều nước xem nhẹ hoàn cảnh của những người ở Donbass. “Hầu hết các vị không tìm được bất cứ nơi nào cho gần 4 triệu người dân Donbass. Phương Tây đã không hổ thẹn khi nhồi nhét vũ khí vào Ukraine”, ông phát biểu.

Tổng thống Putin công nhận độc lập hai vùng thuộc miền đông Ukraine

Đáp lại, Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc Sergiy Kyslytsya giải thích lý do ông cởi khẩu trang một cách không dễ dàng để bắt đầu bài phát biểu, không phải vì Covid-19 mà vì “virus đã tấn công Liên Hiệp Quốc, virus do Điện Kremlin lây lan”.

“Chúng tôi ở trên đất của chính mình. Chúng tôi không sợ bất cứ ai hay bất cứ điều gì. Chúng tôi sẽ không trao cho ai cái gì cả. Chúng tôi yêu cầu Nga hủy quyết định công nhận đó và quay lại bàn đàm phán. Chúng tôi lên án quyết định điều thêm quân của Nga đến lãnh thổ Ukraine”, theo ông Kyslytsya.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.