Hội họa Gia Định, pha chút 'trường phái Huế' bàng bạc trong tranh Huyền Lam

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
24/10/2022 12:10 GMT+7

Cố họa sĩ Trần Thanh Lâm nhận xét: “Tranh Huyền Lam là những mảng màu nổi trôi nghe như lời đối thoại của thiên nhiên thuở hồng hoang” thì nhà phê bình Lý Đợi cho rằng “điển hình của hội họa Gia Định, pha chút trường phái Huế”.

Với mảng tranh sơn dầu, giáo sư Đặng Tiến và họa sĩ Lê Thanh Trừ cũng khen hết lời Huyền Lam trong triển lãm tranh Việt Nam tại Pháp (năm 1994) cùng với 5 họa sĩ khác là: Đào Trọng Lưu, Hồ Hồng Lĩnh, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm và Thọ Văn.

Tranh sơn mài của nữ họa sĩ Huyền Lam với những đường nét nhịp nhàng, uyển chuyển của những chiếc ghe thuyền trong một đêm trăng của miền sông nước, cùng những mảng màu đỏ son huyền bí, màu trắng cẩn trứng lấp lánh như ẩn như hiện bên những màu xanh rong rêu, nhẹ nhàng với lối cắt lập thể đã tạo nên một bức tranh quê nhà đầy nhung nhớ và thơ mộng

NVCC

Thực vậy, tranh sơn mài của nữ họa sĩ Huyền Lam từ những bức vẽ biểu hiện như bức quê nhà đoạt giải A trong triển lãm Sáng tác mới của Hội Mỹ thuật TP.HCM với những đường nét nhịp nhàng, uyển chuyển của những chiếc ghe thuyền trong một đêm trăng của miền sông nước, cùng những mảng màu đỏ son huyền bí, màu trắng cẩn trứng lấp lánh như ẩn như hiện bên những màu xanh rong rêu, nhẹ nhàng với lối cắt lập thể đã tạo nên một bức tranh quê nhà đầy nhung nhớ và thơ mộng.

Và đúng thế, như bức sơn mài Ánh trăng và Cá bằng lối cắt lập thể đầy sức quyến rũ với những mảng vàng rực rỡ của ánh trăng phản chiếu xuống dòng sông trong đêm tối mùa thu tuyệt đẹp… làm nên nét rất riêng, không lẫn vào ai được trong các sáng tác của Huyền Lam.

Dấu mốc kỷ niệm đời vẽ, vừa mang tính bản lề của sự nghiệp

Xem tranh của nữ họa sĩ Huyền Lam, nhà phê bình mỹ thuật Lý Đợi cho biết: "Tôi rất vui, vì sau gần 50 năm cầm cọ, vẽ đều đặn, triển lãm nhóm vô số lần, tranh bán khắp nơi, nhưng đây mới là triển lãm cá nhân đầu tiên. Nếu chỉ muốn làm triển lãm cá nhân để tính số lượng hoặc bổ túc tiểu sử nghệ thuật, với hành trình đã qua, Huyền Lam dư sức làm 5 - 6 cái bề thế. Nhưng triển lãm như một niềm vui nghề nghiệp, để tạm nhìn lại và đi tiếp, thì quả là không dễ dàng gì. Vui hơn nữa, vì triển lãm này không chỉ bày được khoảng 80 tác phẩm, trong đó có nhiều tranh sơn mài khổ lớn. Huyền Lam đi từ biểu hình đến biểu hiện, rồi trừu tượng và cả trừu tượng biểu hiện. Nhiều bức như là dùng trừu tượng để tạm che mờ biểu hình hoặc biểu hiện”.

Chân dung: 80x100 cm (sơn dầu 2015)

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm tranh của nữ họa sĩ Huyền Lam tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97A Phó Đức Chính, Q.1)

Nữ họa sĩ ký tặng sách cho người yêu mỹ thuật đến tham dự triển lãm

Niềm vui vô bờ trong ngày trọng đại của cả cuộc đời làm nghệ thuật của nữ họa sĩ Huyền Lam

NVCC

Cũng theo nhà sưu tầm Lý Đợi phân tích: “Những bức trừu tượng về sau này của Huyền Lam - và cả của gia đình Nguyễn Lâm - là dạng trừu tượng thi vị (poetic abstraction). Nó bao hàm, dung chứa bên trong những bảng màu, những biểu hiệu và cả hình tượng điển hình của hội họa Gia Định, đôi khi pha chút “trường phái Huế”, vốn giàu chất thơ, sự bay bổng, nữ tính và bao dung. Nó ẩn hiện cả những khám phá khá sớm về kỹ thuật biểu tượng, siêu thực, kỷ hà, ký hiệu… của hội họa miền Nam từ giữa thế kỷ 20. Tôi càng vui hơn nữa, khi Huyền Lam vượt qua được tâm lý e ngại, bởi chị là con gái của họa sĩ Nguyễn Lâm, năm nay ông đã ngoài 80 mà vẫn vẽ hằng ngày, sắp triển lãm tại Anh và Singapore. Từ nhỏ Huyền Lam đã phụ cha trong nhiều công đoạn sơn mài và tranh pháo, chịu ảnh hưởng ít nhiều về lối vẽ, âu cũng là bình thường. Nay Huyền Lam làm triển lãm cá nhân, nghĩa là đang muốn dấn một bước mới vào con đường khác, độc lập hơn. Nên triển lãm lần này vừa như là dấu mốc kỷ niệm đời vẽ, vừa mang tính bản lề của sự nghiệp”.

"Những bức trừu tượng về sau này của Huyền Lam - và cả của gia đình Nguyễn Lâm - là dạng trừu tượng thi vị (poetic abstraction). Nó bao hàm, dung chứa bên trong những bảng màu, những biểu hiệu và cả hình tượng điển hình của hội họa Gia Định, đôi khi pha chút “trường phái Huế”, vốn giàu chất thơ, sự bay bổng, nữ tính và bao dung", nhà phê bình mỹ thuật Lý Đợi nhận xét

NVCC

Được biết, trong gia đình Huyền Lam có tới… 8 họa sĩ, trong đó 6 người cùng lúc là hội viên của Hội Mỹ thuật TP.HCM và Hội Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ Nguyễn Lâm có 9 người con, 5 gái 4 trai, trong đó 6 người theo nghiệp vẽ là Huyền Lam, Lâm Huỳnh Sơn, Huỳnh Lân, Lâm Huỳnh Linh, Huyền Lê, Lâm Lan. Hai người con còn lại là Lâm Huỳnh Lâm và Lâm Huyền Ly làm thợ sơn mài, còn Lâm Huyền Loan là nghệ sĩ đàn tranh. Con trai của Huyền Lam - cháu ngoại của Nguyễn Lâm - là họa sĩ trẻ Lâm Ngọc Thanh. Một gia đình làm nghệ thuật đúng nghĩa.

Nữ họa sĩ Huyền Lam sinh năm 1962, học vẽ từ năm 11 tuổi, trước 1975 học tại Trường Quốc gia trang trí mỹ thuật Gia Định, sau 1975 học Đại học Mỹ thuật TP.HCM và tốt nghiệp năm 1991. Đến nay, sau gần 50 năm cầm cọ thì đây là lần đầu tiên, nữ họa sĩ Huyền Lam tổ chức triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97A Phó Đức Chính, Q.1) và cuộc 'dạo chơi' nghệ thuật, đưa 80 tác phẩm tuyển chọn đến với công chúng sẽ diễn ra đến hết ngày 29.10.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.