Hội Nhiếp ảnh TP.HCM sao chưa thể hoạt động sau đại hội?

Đình Phú
Đình Phú
26/11/2020 06:53 GMT+7

Mặc dù được Đại hội Hội Nhiếp ảnh TP.HCM khóa 8 (nhiệm kỳ 2020 - 2025) bầu và chính thức ra mắt tại đại hội, nhưng ban chấp hành mới của hội này vẫn chưa được “trao quyền” điều hành theo quy định.

Sau khi có sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn, Hội Nhiếp ảnh TP.HCM (HOPA) tổ chức đại hội khóa 8 từ 24 - 25.10 vừa qua, với sự có mặt của 255 hội viên trên tổng số 306 hội viên được triệu tập. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành (BCH) khóa 8 với 11 thành viên. Kết quả phiên họp thứ nhất của BCH khóa 8 đã bầu Chủ tịch hội (nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Ngô Thị Hồng Loan), 2 phó chủ tịch hội: NSNA Nguyễn Thanh Tâm (Chủ tịch hội khóa 7, nhiệm kỳ 2015 - 2020) và NSNA Hoàng Trung Thủy.
Theo đó, cả BCH, tân chủ tịch, 2 phó chủ tịch HOPA khóa 8 chính thức ra mắt và nhận nhiệm vụ trước đại hội. BCH cũ (khóa 7) cũng chính thức từ nhiệm tại đại hội. Đại hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết với tỷ lệ 100% nhất trí, và đại hội được tuyên bố thành công.

Bất ngờ phát sinh khiếu nại

Lý do mà BCH khóa 8 sau một tháng tổ chức đại hội nhưng vẫn chưa được “trao quyền” điều hành theo quy định, là bởi đến ngày 27.10 (2 ngày sau khi kết thúc đại hội) bất ngờ phát sinh đơn khiếu nại có chữ ký của 13 hội viên đồng ký tên. Đơn được gửi đến Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND TP.HCM, Sở VH-TT, BCH Liên hiệp Các hội văn học - nghệ thuật TP.HCM, BCH HOPA. Nội dung đơn khiếu nại có đề cập việc “thành viên Chủ tịch đoàn điều khiển nội dung bầu cử làm sai quy chế bầu cử…”. Đơn đề nghị giải quyết “sao cho hợp tình hợp lý” nhằm “thỏa lòng mong mỏi của đông đảo hội viên về nguyên tắc bầu cử chấp nhận những ứng cử viên được đại hội tín nhiệm với số phiếu quá bán mà thôi”.
Liên quan vấn đề này, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tại đại hội, 100% đại biểu tham dự đều được thẩm tra và đại hội thông qua báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu. Đại hội cũng biểu quyết nhất trí 100% số lượng 5 thành viên và danh sách Đoàn chủ tịch, gồm các NSNA: Nguyễn Thanh Tâm, Hoàng Thạch Vân (Phó chủ tịch thường trực khóa 7), Nguyễn Hồng Nga (Ủy viên Ban Thường vụ khóa 7), Đồng Đức Thành và Đoàn Hoài Trung (Ủy viên BCH khóa 7).
Tại phần bầu cử, NSNA Đồng Đức Thành thay mặt Đoàn chủ tịch trình bày cơ cấu, tiêu chuẩn, số lượng nhân sự BCH khóa 8 do BCH khóa 7 giới thiệu với 15 thành viên; trong đó có các NSNA: Nguyễn Thanh Tâm, Hoàng Trung Thủy, Ngô Thị Hồng Loan... Đoàn chủ tịch xin ý kiến đại hội thông qua quy chế bầu cử, số lượng nhân sự BCH khóa 8 là 11 thành viên; theo đó đại hội cũng biểu quyết nội dung này, đạt 100%. Đến phần ứng cử, đề cử thì không có đại biểu nào tự ứng cử, nhưng có đến 14 hội viên được đề cử bầu vào BCH, trong đó có 7 hội viên xin rút tên. Theo đó, chốt danh sách bầu BCH khóa 8 là 22 hội viên.
Về cách thức bầu cử, Đoàn chủ tịch xin ý kiến đại hội “bỏ phiếu bầu một lần, lấy danh sách từ cao xuống thấp quá bán hoặc bầu làm hai vòng”, thì đại hội thống nhất biểu quyết phương án “bầu một lần và lấy danh sách từ cao xuống thấp quá bán”. Kết quả bầu chỉ có 6/22 hội viên đạt quá bán, gồm: Hoàng Trung Thủy, Nguyễn Hồng Nga, Huỳnh Trí Dũng, Nguyễn Thanh Tâm, Đoàn Hoài Trung, Ngô Đức Cần. Như vậy, BCH khóa 8 còn thiếu đến 5 thành viên.
Trước tình thế trên, Đoàn chủ tịch xin ý kiến đại hội về hai phương án. Phương án 1: Số lượng danh sách nhân sự lấy từ trên xuống để đủ 11 người. Phương án 2: Chọn trong danh sách bầu cử còn lại từ người thứ 7 đến số 13 có số phiếu cao nhất để bầu chọn lấy 5 người cho đủ 11 người. Khi đại hội biểu quyết, gần 90% đại biểu tham dự giơ tay biểu quyết đồng ý phương án 1; tuy nhiên có một số đại biểu không đồng tình phương án 1 vì cho rằng “sai quy chế bầu cử”.
Do đa số đại biểu, kể cả Đoàn chủ tịch đều biểu quyết thông qua phương án 1 nên đại hội quyết định lấy danh sách từ cao xuống thấp để đủ 11 thành viên BCH khóa 8. Như vậy, BCH khóa 8 có thêm 5 thành viên: Nguyễn Minh Tân, Nguyễn Phước Toàn, Ngô Thị Hồng Loan, Huỳnh Phạm Anh Dũng và Vũ Bích Hà.

Cả 2 “chủ tịch” đều kiến nghị

Sau khi phát sinh đơn khiếu nại về kết quả đại hội, việc bàn giao từ BCH khóa 7 cho BCH khóa 8 chưa được tiến hành, nên nghịch lý là tại HOPA đang có đến 2 “chủ tịch”.
Liên quan đến giải quyết đơn khiếu nại ngày 27.10 đã đề cập trên, NSNA Nguyễn Thanh Tâm vẫn dùng con dấu của HOPA, thay mặt BCH khóa 7 và với chức danh Chủ tịch khóa 7 ký thư mời họp giải quyết; mặc dù BCH khóa 7 đã chính thức từ nhiệm tại đại hội. Tương tự, đến ngày 10.11, NSNA Nguyễn Thanh Tâm tiếp tục ký công văn gửi Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở VH-TT, Sở Nội vụ, Đảng đoàn Liên hiệp Các hội văn học - nghệ thuật TP.HCM kiến nghị “xem xét cho ý kiến chỉ đạo để hoạt động của HOPA không bị tê liệt như hiện nay”.
Trong khi đó, tân Chủ tịch HOPA khóa 8 Ngô Thị Hồng Loan cũng có đơn gửi Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở VH-TT, và Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học - nghệ thuật TP.HCM.
“Tại phiên chính thức, Đoàn chủ tịch tuyên bố Đại hội HOPA nhiệm kỳ 8 thành công; BCH nhiệm kỳ 7 đã hoàn thành nhiệm vụ và giải tán; BCH nhiệm kỳ 8 ra mắt đại hội. Đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy tặng hoa BCH mới, đọc bài phát biểu chúc mừng đại hội, chúc mừng BCH mới. Chủ tịch HOPA nhiệm kỳ 8 đọc bài phát biểu nhận nhiệm vụ... Như vậy, đây là một BCH hợp pháp. Đại hội đã diễn ra công khai, dân chủ, minh bạch, bầu cử trực tiếp, trước sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo các cơ quan chính quyền TP.HCM…”, NSNA Ngô Thị Hồng Loan trình bày trong đơn; đồng thời kiến nghị chính quyền các cấp có ý kiến giải quyết công nhận kết quả bầu cử của HOPA nhiệm kỳ 8 và sớm trao quyền cho BCH nhiệm kỳ 8 để HOPA hoạt động “vì việc này nhằm đảm bảo quyền dân chủ của hội viên và tôn trọng ý chí của Đại hội HOPA”.
Chiều 25.11, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, các cơ quan liên quan về quản lý nhà nước về hội tại TP.HCM đã nhận các đơn kiến nghị từ HOPA, đồng thời đang tiếp xúc các bên liên quan, họp bàn xử lý tình huống phát sinh sau Đại hội HOPA khóa 8.
Theo Quy chế bầu cử của Ban tổ chức Đại hội Hội Nhiếp ảnh TP.HCM khóa 8, thì “người trúng cử phải được quá bán số phiếu hợp lệ; bầu lần thứ 1 chưa đủ số lượng thành viên BCH thì đại hội sẽ bầu lần 2”.
Ngoài ra, cũng căn cứ Quy chế bầu cử, thì “trường hợp sau đại hội có khiếu nại về kết quả bầu cử thì việc giải quyết khiếu nại do BCH nhiệm kỳ 2020 - 2025 xem xét, quyết định và thông báo đến toàn thể hội viên”.
Còn căn cứ theo khoản 1, điều 20 Nghị định 45/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước đối với hội, thì: “Cơ quan lãnh đạo cao nhất của hội là đại hội nhiệm kỳ hoặc đại hội bất thường”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.