Hồi sinh tập tục vùng cao Quảng Trị: Nối 'ân linh' với thần núi

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
04/03/2023 07:04 GMT+7

Lập bản, lập làng giữa điệp trùng núi non, người Pa Kô luôn tin rằng họ mang ơn thần núi, vị thần quyền lực đại diện cho thiên nhiên. Ấy thế nhưng mất những 10 năm, người Pa Kô ở thung lũng A Liêng (xã Tà Rụt, H.Đakrông, Quảng Trị) mới tổ chức lễ nối "ân linh" với thần núi một lần.

DÒNG HỌ KRAY KIÊU HÃNH CÚI ĐẦU TRƯỚC THẦN NÚI

Thung lũng A Liêng nằm giữa khoảng đất khá bằng phẳng, xung quanh được bao bọc bởi 3 ngọn núi Kỗh A Liêng, Kỗh Paliing và Kỗh Plăng. Nơi đây cũng là nơi quần tụ của dòng họ Kray, một trong những dòng họ lớn, đầy kiêu hãnh của người Pa Kô ở miền tây Quảng Trị. Tương truyền rằng từ xa xưa, người trong dòng họ Kray đã nổi tiếng khỏe mạnh và dũng cảm, có vai trò thủ lĩnh, thường đứng ra lo liệu những việc lớn của bản.

Nhưng ở đại ngàn Trường Sơn, có là ai đi nữa thì cũng phải cúi đầu trước thần núi. Và dòng họ Kray ở bản A Liêng cúi đầu trước Kỗh Plăng-Kâr Tăng Xỗi, vị thần núi có công lớn trong việc hộ mệnh cho dòng họ cũng như các thành viên ở làng A Liêng được bình an, mạnh khỏe, no ấm, hạnh phúc.

Hồi sinh tập tục vùng cao Quảng Trị: Nối 'ân linh' với thần núi - Ảnh 1.

Lễ “Nối ân linh với thần núi” là lễ trọng đối với người Pa Kô cần được giữ gìn

THANH LỘC

Định kỳ 10 năm một lần, dòng họ Kray lại tập trung lại để làm lễ "Nối ân linh thần núi", nôm na là "nối lại ân huệ giữa thần núi và các gia đình dòng họ Kray". Đây là một lễ tục .

Cuối năm 2022, đến hẹn, lễ "Nối ân linh thần núi" lại được họ tộc Kray ở A Liêng tổ chức. Hôm ấy, có cả trăm "người Kray" tụ hội về nhà trưởng tộc, cùng nhau chuẩn bị các lễ vật, một lòng hướng về Kỗh Plăng-Kâr Tăng Xỗi.

Ông Kray Văn (Hồ Xuân Văn, Trưởng họ Kray) cho biết lễ "Nối dây ân linh thần núi" nghiêng về tâm linh, là một hành xử rất tốt của dòng họ Kray nói riêng và người Pa Kô nói chung đối với thần núi, vạn vật xung quanh. "Thông qua lễ này gợi nhớ cho lớp hậu thế thấy được những hành động, ứng xử đẹp của con người với thiên nhiên nơi mình đang sinh sống, gắn chặt tình đoàn kết cộng đồng, nâng cao trách nhiệm của cá nhân và tập thể trong cộng đồng làng bản", ông Kray Văn nhấn mạnh.

CÙNG NHAU DÂNG CÚNG, NHẢY MÚA, HÁT CA

Lễ "Nối dây ân linh thần núi" thường diễn ra trong 2 ngày, 1 đêm với nhiều nghi lễ. Trong đó có lễ cúng tổ tiên, lễ nối ân linh tạ ơn thần núi và lễ cầu an.

Với lễ cúng tổ tiên, lễ vật khá cầu kỳ với một con lợn 30 kg; một con gà trống to màu đỏ, đuôi dài; một con dê đực; một tấm vải thổ cẩm dài 30 m…Khi vào lễ, con dê (vật hiến sinh) sẽ được cột vào cây nêu được dựng giữa sân, chủ lễ đứng vào vị trí trung tâm, trong khi mọi người đứng vây quanh thành vòng tròn. Sau nghi thức cúng bái, con dê sẽ được "hóa kiếp", xẻ thịt, chế biến và đưa lên nhà thờ lớn để mời thần của dòng họ, tổ tiên, thần người âm.

Nghi lễ quan trọng nhất tất nhiên là lễ nối dây ân linh và tạ ơn thần núi. Tất cả mọi người tham gia lễ này từ già trẻ gái trai đều phải mặc đồ truyền thống mới. Lễ vật thậm chí còn "tốn kém" hơn lễ cúng tổ tiên với một con trâu đực màu đen to, có sừng đẹp và đều, một con lợn to... Tương tự, như con dê ở lễ cúng tổ tiên, con trâu hiến sinh cũng được buộc vào cây nêu, được hóa kiếp sau khi vị chủ lễ mời thần núi về chứng kiến. Tuy nhiên, nó "may mắn" hơn, phải đến sáng hôm sau mới bị "hóa kiếp", bởi hết thảy người tham gia lễ "bận" nhảy múa, ca hát… xuyên đêm.

Không chỉ cùng nhau tham gia trong các lễ cúng tế, điều làm nên sự đặc biệt ở lễ "Nối ân linh thần núi" của dòng họ Kray chính là việc tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình mà mọi người góp gà, góp cơm ống tre, cá ống tre để chung vui. Từ đó, họ cùng ăn uống, cùng nhảy múa, cùng hát ca.

Lễ nối dây ân linh thần núi còn là dịp để các cộng đồng dân cư trong làng có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Nghệ nhân ưu tú Kray Sức cho biết: "Đây là lễ tục rất quan trọng và có ý nghĩa trong đời sống của người Pa Kô. Lễ hội toát lên tinh thần lành mạnh, giúp thế hệ trẻ và tất cả mọi người biết được ân nghĩa của con người đối với đồi núi, với thiên nhiên. Thông qua những lễ tục này, các thế hệ trong dòng họ biết được những việc làm tốt đẹp của ông cha, nghĩa cử cao đẹp giữa thần núi và đời sống con người ở thôn A Liêng, cùng chung tay bảo tồn và phát huy văn hóa đặc sắc của dân tộc".

Ngày nay, cuộc sống đổi thay, người Pa Kô không còn sống phụ thuộc vào thiên nhiên hoàn toàn như ngày trước, họ biết trồng lúa nước, thậm chí là trồng rừng. Nhưng sự ngưỡng vọng đến thần núi vẫn vẹn nguyên, dẫu bao biến thiên. Vậy nên, tin rằng tục "Nối ân linh với thần núi" sẽ còn sống theo tháng năm. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.