Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư:

'Hôm trước Bí thư Bình Định phát biểu như muốn khóc về chính sách đất đai'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
04/12/2023 17:09 GMT+7

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, T.Ư Đảng yêu cầu có cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế đối với các cơ sở giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ, văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Chiều 4.12, quán triệt Nghị quyết 45 Hội nghị T.Ư 8 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới (Nghị quyết 45), Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Nghị quyết 45 đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp với những nhiệm vụ cụ thể.

'Hôm trước Bí thư Bình Định phát biểu như muốn khóc về chính sách đất đai' - Ảnh 1.

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa quán triệt nội dung Nghị quyết 45 về xây dựng, phát huy đội ngũ trí thức

GIA HÂN

Về nhiệm vụ tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, ông Nghĩa cho hay, T.Ư Đảng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ tư duy, nâng cao, thống nhất nhận thức trong các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức.

Cạnh đó, T.Ư Đảng cũng yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể nhằm thu hút, trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng, tôn vinh đội ngũ trí thức phù hợp với yêu cầu và thực tiễn của ngành, địa phương.

Một nhiệm vụ khác, theo ông Nghĩa, là đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài.

Theo đó, ông Nghĩa cho hay, T.Ư yêu cầu tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam và một số cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu trọng điểm ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu, đóng góp của đội ngũ trí thức.

Kịp thời phát hiện nhân tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, nhất là chính sách tuyển dụng, tiền lương, tạo môi trường làm việc.

"Tôi cũng mong khơi thông cái này"

Nhiệm vụ nữa là tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức. Theo đó, có cơ chế phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, đề cao đạo đức, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo; trong văn hóa, văn học, nghệ thuật.

'Hôm trước Bí thư Bình Định phát biểu như muốn khóc về chính sách đất đai' - Ảnh 2.

Hội nghị toàn quốc học tập, nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết Hội nghị T.Ư 8 khóa XIII

GIA HÂN

Tạo điều kiện và khuyến khích đội ngũ trí thức tham gia đóng góp ý kiến, tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với việc hoạch định chính sách, xây dựng và triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, công trình, dự án quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với hoạt động của đội ngũ trí thức; nghiên cứu, sửa đổi tuổi lao động phù hợp với hoạt động của đội ngũ trí thức. Đổi mới, nâng cao hiệu quả việc đánh giá, công nhận các chức danh khoa học; rà soát, hoàn thiện hệ thống giải thưởng nhà nước, giải thưởng ngành, lĩnh vực và các chính sách tôn vinh khác đối với đội ngũ trí thức.

Cạnh đó, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cũng cho biết, T.Ư Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Cụ thể là ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực nước ngoài đầu tư phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, các quỹ đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tạo môi trường thuận lợi cho trí thức làm việc, nghiên cứu, sáng tạo, cống hiến.

"Chúng tôi thấy là nếu chúng ta khơi thông nguồn lực, để làm sao tập hợp sức mạnh trí tuệ người Việt Nam, chắc chắn chúng ta làm được nhiều việc vĩ đại lắm. Bây giờ chúng ta vẫn còn manh mún, nhóm này, nhóm kia, lợi ích này, lợi ích kia, không liên thông với nhau rất khó", ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, Nghị quyết 45 cũng nhấn mạnh việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và đội ngũ trí thức, giữa các tập đoàn kinh tế với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, hội trí thức, thông qua mô hình trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...

Cùng đó, có cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế đối với các cơ sở giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ, văn hóa, văn học, nghệ thuật.

"Cái này cũng rất quan trọng và cũng là mong muốn của nhiều người. Hôm trước ý kiến của đồng chí Bí thư Bình Định tâm huyết, phát biểu như muốn khóc về vấn đề này. Nhất là chính sách về đất đai. Sắp tới luật Đất đai như thế nào, tôi cũng mong khơi thông cái này", ông Nghĩa nói. 

Nhóm giải pháp thứ 5, theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, là phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội trí thức. Trong đó, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của các hội trí thức từ T.Ư đến địa phương, nhất là Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam theo hướng sát thực tiễn, động viên, phát huy tối đa vai trò, tiềm năng to lớn của đội ngũ trí thức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.