TP.HCM xử phạt hơn 1.700 vụ vi phạm an toàn thực phẩm

Duy Tính
Duy Tính
23/12/2023 13:02 GMT+7

Năm 2023, trên địa bàn TP.HCM có 7 vụ vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm được chuyển cơ quan điều tra, trong đó đã khởi tố 2 vụ.

Chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm

Ngày 23.12, nguồn tin của Thanh Niên cho biết, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TP.HCM đã có báo cáo kết quả công tác kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2023.

Theo báo cáo tổng kết, năm 2023, các cơ quan chức năng tại TP.HCM kiểm tra hàng ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và phát hiện hơn 1.735 vụ (cơ sở) vi phạm liên quan an toàn thực phẩm. Tổng số tiền xử phạt hơn 21 tỉ đồng.

Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra 529 vụ về thực phẩm, phát hiện 441 vụ vi phạm. Các hành vi vi phạm chủ yếu, gồm: hàng không có hóa đơn chứng từ; kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; sử dụng người lao động không mang trang phục bảo hộ lao động theo quy định; vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, an toàn thực phẩm... Tang vật vi phạm bị tạm giữ là 234.297 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 6,3 tỉ đồng.

Cục Quản lý thị trường TP.HCM xử lý, xử phạt số tiền 7,74 tỉ đồng, buộc tiêu hủy 188.488 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại. Riêng đối với mặt hàng đường cát, đã kiểm tra, phát hiện 35 vụ vi phạm, tạm giữ hơn 112 tấn đường cát không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

TP.HCM xử phạt hơn 1.700 vụ vi phạm an toàn thực phẩm- Ảnh 1.

Kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm

D.T

Cảnh sát kinh tế - môi trường Công an TP.HCM đã phát hiện, kiểm tra, xử lý 254 cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, tổng số tiền phạt hơn 8 tỉ đồng. Buộc tiêu hủy khoảng 20 tấn thực phẩm không đảm bảo an toàn; chuyển cơ quan điều tra thụ lý theo thẩm quyền 7 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trong đó đã khởi tố 2 vụ.

Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM thành lập 11 đoàn, kiểm tra 13.460 cơ sở, lập biên bản vi phạm hành chính 6 cơ sở vi phạm về quy định và an toàn thực phẩm. Đơn vị đã chuyển hồ sơ đến UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 173 triệu đồng. Ngoài ra còn, buộc thu hồi 1 bản tự công bố sản phẩm; tiêu hủy 50 kg thịt heo, 20 kg nem, sản phẩm chả lụa, bánh Choux.

Sở NN-PTNN TP.HCM kiểm tra, xử phạt 34 cơ sở với tổng số tiền hơn 684 triệu đồng.

Tuyến quận, huyện kiểm tra 9.485 cơ sở, phát hiện 1.000 cơ sở có vi phạm và xử phạt 335 cơ sở với tổng số tiền hơn 4,2 tỉ đồng và tiêu hủy 12.000 đơn vị sản phẩm thực phẩm.

Quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều khó khăn

Theo Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TP.HCM, công tác quản lý an toàn thực phẩm còn một số khó khăn.

Bên cạnh một số sơ chế, chính sách còn khoảng trống thì thực tiễn một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có quy mô nhỏ, đặc biệt là các hộ kinh doanh thức ăn đường phố nhỏ lẻ, mặt bằng chật hẹp, máy móc lạc hậu, trang thiết bị không đầy đủ.

Ngoài ra, lực lượng nhân công thường xuyên biến động, ý thức tự giác chấp hành các quy định an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và nhân viên chưa cao. Công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở thức ăn đường phố còn nhiều hạn chế, chủ yếu là nhắc nhở.

Mặt khác, cơ sở ngừng kinh doanh, thay đổi địa điểm, ngành nghề kinh doanh, danh sách quản lý cơ sở biến động nhiều nên khó khăn trong việc rà soát, cập nhật danh sách mới. Loại hình thức ăn đường phố ngày càng nhiều, thường xuyên di chuyển, gây khó khăn cho việc quản lý.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh còn tái diễn, không đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm, nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Một khó khăn nữa là thiếu cán bộ chuyên trách phụ trách an toàn thực phẩm tuyến xã, phường, thị trấn, hầu hết là kiêm nhiệm…

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 23.12

Năm 2024, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TP.HCM tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, đặc biệt là loại hình có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các đoàn kiểm tra còn lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm nhằm đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường, từ đó có hướng xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, cũng như cảnh báo an toàn thực phẩm kịp thời đối với người tiêu dùng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.