Hồng Kông tiếp tục biểu tình rầm rộ

Khánh An
Khánh An
16/09/2019 06:31 GMT+7

Người biểu tình ném bom xăng, gạch đá để phản đối chính quyền, trong khi cảnh sát dùng hơi cay, vòi rồng để đối phó.

Tờ South China Morning Post hôm qua đưa tin hàng chục ngàn người tiếp tục đổ ra đường biểu tình tại Hồng Kông, bất chấp lệnh cấm của cảnh sát. Nhiều cửa hàng tại khu Trung Hoàn và vịnh Đồng La đóng cửa sớm, trong khi một số người quá khích đập phá tại lối ra các trạm xe điện ngầm ở khu Kim Chung và Loan Tể. Trước đó, cảnh sát cấm biểu tình do lo ngại tình trạng bạo lực tái diễn giữa lúc phong trào biểu tình kéo dài đến 15 tuần với các vụ ẩu đả giữa nhóm ủng hộ và phản đối chính quyền xảy ra vào ngày 14.9. Xuất phát từ sự phản đối dự luật dẫn độ, người biểu tình tiếp tục phản đối chính quyền, đòi điều tra việc cảnh sát dùng vũ lực và đòi phổ thông đầu phiếu.

[VIDEO] Thêm một cuối tuần Hồng Kông sống với lửa khói, vòi rồng

Đến chiều qua, một số người biểu tình ném bom xăng, gạch đá vào quảng trường trước tòa nhà cơ quan lập pháp và văn phòng các cơ quan chính quyền, còn cảnh sát phun hơi cay để giải tán đám đông. Trong khi đó, dòng người từ vịnh Đồng La vẫn tiếp tục kéo đến và một số người lập rào chắn trên đường nhằm ngăn chặn cảnh sát. Theo AFP, nhiều người tập trung trước Lãnh sự quán Anh kêu gọi London có hành động can thiệp. Một số người cầm khẩu hiệu ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử vào năm 2020 và kêu gọi thông qua đạo luật ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.
Cũng trong hôm qua, sân bay quốc tế Hồng Kông cho hay số lượng hành khách trong tháng 8 là 5,99 triệu người, giảm 851.000 người so với cùng kỳ năm ngoái và là mức giảm nhiều nhất kể từ năm 2009. Cơ quan quản lý sân bay cho biết số hành khách sụt giảm chủ yếu từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Trong khi đó, số du khách đến Hồng Kông vào tháng 8 giảm 40% so với cùng kỳ năm trước. Tháng trước, gần 1.000 chuyến bay bị hủy khi người biểu tình tập trung khiến sân bay gần như tê liệt hoàn toàn.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng giám đốc Tập đoàn MTR của Hồng Kông, ông Kam Chak-pui, hôm qua gây tranh cãi khi thông báo kế hoạch thuê 200 chiến binh Gurkha và các cựu nhân viên an ninh để xử lý tình trạng hành khách đi lậu và các vi phạm khác liên quan đến việc sử dụng tàu điện ngầm. Đây là các “siêu đặc nhiệm” thuộc bộ lạc Gurkha ở Nepal, nổi tiếng thiện chiến hàng đầu thế giới. Theo ông Kam, các nhân viên mới sẽ ít phản ứng vì họ không hiểu những lời lẽ xúc phạm của người địa phương. “Hơn nữa, kinh nghiệm an ninh của những đồng nghiệp Gurkha sẽ khiến toàn bộ quy trình hiệu quả và an toàn hơn cho mọi người”, ông nói. Tuy nhiên, thư ký Amod Rai của tổ chức Gurkha Cemeteries Trust ở Hồng Kông cho rằng MTR muốn dùng người Gurkha làm lá chắn đối với biểu tình. Trong khi đó, nhiều người chỉ trích phát biểu của ông Kam là “vô cảm”, “kỳ thị chủng tộc” và kế hoạch thậm chí có thể gây nhiều mâu thuẫn hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.