Ngày thứ tư liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca bệnh mới
Bộ Y tế cho biết, sáng nay, 20.4, cả nước không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới. Trong 268 ca bệnh ghi nhận từ đầu vụ dịch tại Việt Nam, có 160 người từ nước ngoài, chiếm 59,7%; 108 người lây nhiễm trong cộng đồng, chiếm 40,3%.
Ca bệnh ghi nhận gần đây nhất tại Việt Nam là nữ bệnh nhân 16 tuổi ở Hà Giang, được công bố lúc 6 giờ sáng 16.4.
Cả nước đã có 202 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trong số đang điều trị, 13 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 và 7 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính.
Hiện có 62.998 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly), trong đó, 279 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 11.338 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 51.381 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
|
Liên quan đến 4 mẫu dương tính khi test nhanh tại chợ hoa Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội), thông báo trong đêm 19.4 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, 4 mẫu này đều cho kết quả âm tính khi xét nghiệm khẳng định.
Hợp tác quốc tế nghiên cứu vắc xin
Đêm 19.4 (giờ Việt Nam), các Bộ trưởng Y tế G20 bắt đầu cuộc họp trực tuyến để thảo luận về tác động của đối với sức khỏe toàn cầu.
Các Bộ trưởng Y tế G20 chia sẻ kinh nghiệm của mỗi quốc gia và đề ra những hành động khẩn thiết đối với G20 để chung tay chống đại dịch, thể hiện quyết tâm phải phối hợp hành động, đặc biệt trong việc đẩy nhanh nghiên cứu vắc xin, chia sẻ các biện pháp thực hành hiệu quả để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
EU cam kết tài trợ cho các nghiên cứu vắc xin và nghiên cứu về virus để làm chậm lại sự lây lan của dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, đại diện Bộ Y tế Việt Nam tham dự cuộc họp, đã chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam và ASEAN (trên vai trò Việt Nam là Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020) trong ứng phó với đại dịch Covid-19.
Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã được thành lập từ rất sớm với cam kết cao của toàn thể hệ thống chính trị, kêu gọi tinh thần đoàn kết của người dân với phương châm "chống dịch như chống giặc".
Việt Nam đã áp dụng chiến lược ''chủ động ngăn chặn - phát hiện sớm - cách ly kịp thời - khoanh vùng gọn - dập dịch triệt để - điều trị khỏi bệnh”, sớm áp dụng các biện pháp ngăn chặn các ca lây nhiễm từ nước ngoài và đảm bảo hiệu quả việc cách ly, ngăn chặn các ca lây nhiễm trong nước.
Bộ Y tế cũng cho biết, với các nước ASEAN, một số biện pháp phối hợp chính sách giữa các nước được thực hiện, bao gồm củng cố năng lực ASEAN trước các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, thiết lập kho dự trữ thuốc khu vực và xây dựng quỹ hỗ trợ đại dịch chung của ASEAN.
Thiết lập nhóm nghiên cứu xuyên lĩnh vực ASEAN gồm các quan chức cấp cao về sức khỏe, ngoại giao, quốc phòng, xuất nhập cảnh, giao thông nhằm phản ứng nhanh chóng, kịp thời với đại dịch.
Bình luận (0)