Không chỉ sở hữu rất nhiều bằng sáng chế liên quan đến công nghệ di động, bao gồm 20% bằng sáng chế 5G trên thế giới, Huawei còn nắm giữ nhiều bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn (SEP). SEP là những bằng sáng chế bắt buộc phải đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định của ngành, do đó chúng được cấp phép theo các điều khoản công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử (FRAND).
Kể từ khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen vào năm 2019, Huawei đã nỗ lực thu tiền bản quyền chưa thanh toán và đơn kiện MediaTek là một phần trong nỗ lực này. Theo Nikkei Asia, phí bản quyền mà Huawei có thể thu được từ MediaTek có thể sẽ giúp công ty đầu tư vào hoạt động Nghiên cứu & Phát triển (R&D), đồng thời điều này cũng nhằm mục đích để Huawei chứng minh cho thế giới thấy sức mạnh về năng lực công nghệ của họ. Được biết, vào năm 2022, Huawei đã tạo ra doanh thu 560 triệu USD từ các bằng sáng chế.
Trước đó, Huawei cũng đệ đơn kiện một số công ty khác nhằm tìm kiếm nguồn doanh thu bổ sung sau khi gặp khó trong việc kinh doanh smartphone. Vào năm ngoái, Huawei đã kiện để thu phí cấp phép từ 30 công ty vừa và nhỏ của Nhật Bản đang sử dụng các công nghệ được cấp phép bằng sáng chế của mình mà không được phép. Theo Nikkei Asia, hiện có khoảng 200 công ty trả bản quyền cho Huawei.
Vào năm ngoái, Huawei đã ký kết các thỏa thuận cấp phép chéo 5G với các công ty công nghệ di động lớn như OPPO và Samsung. Công ty cũng có các thỏa thuận cấp phép chéo với các nhà sản xuất ô tô châu Âu như Volkswagen, Mercedes Benz, Audi, BMW và Porsche.
MediaTek là nhà cung cấp bộ xử lý ứng dụng (AP) hàng đầu cho smartphone trên toàn thế giới. AP Dimensity 9300 hàng đầu hiện nay có cấu hình độc đáo không sử dụng lõi tiết kiệm năng lượng. Còn AP Dimensity 9400 dự kiến được công bố vào quý 4 năm nay có cấu hình được đồn đoán bao gồm 1 lõi CPU Cortex-X5 Prime, 4 lõi CPU Cortex-X4 Prime và 4 lõi CPU Cortex-A720. Đây là chip dự kiến sẽ được trang bị trên mẫu smartphone cao cấp thế hệ tiếp theo của OPPO.
Bình luận (0)