Anh Nhật Cường, 31 tuổi, hướng dẫn viên du lịch tự do, chuyên tham gia các tour nội địa, và dẫn khách Việt Nam tới các thị trường như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan…, cho biết ngày 27 Tết Nguyên đán vừa qua anh dẫn tour cuối cùng trong năm âm lịch và về nhà đón tết. Tuy nhiên, sau đó là dịch corona được cảnh báo toàn cầu khiến hàng loạt khách đã đặt tour trong nước và nước ngoài đều hủy. “Hơn 20 ngày qua tôi đang ngồi chơi không, thu nhập giảm 100%, không có một tour nào để làm việc”, anh Nhật Cường nói.
Sống bằng tiền dự phòng
“Đặc thù công việc của chúng tôi mang tính thời vụ, có những mùa cao điểm của du lịch làm không hết việc, nhưng cũng có lúc ít việc hơn. Tuy nhiên, từ ngày có dịch corona thì hầu như ai cũng bị ảnh hưởng nhiều. Với những hướng dẫn viên du lịch tự do, chúng tôi nhận thù lao sau mỗi tour, do đó, nếu không có việc làm là hoàn toàn không có lương. Do đó, những ngày này phải sống bằng khoản tiền tích luỹ, dự phòng ngày trước. Tôi cũng có bán một số thứ online, nhưng đúng là chỉ làm cho vui vì không có thu nhập đáng kể”, anh Nhật Cường cho hay.
Anh Nhật Cường cho biết, hàng năm thời điểm Tết Nguyên đán và sau tết là mùa cao điểm du lịch. Nếu như những năm trước, lúc này “cháy” hướng dẫn viên, các công ty tìm hướng dẫn viên rất khó khi họ đã có hợp đồng với khách hết rồi, thì bây giờ, dịch corona đã làm ngành du lịch im ắng, tình thế thay đổi 180 độ. Khách trong nước rất hạn chế tham gia lễ hội, chùa chiền, thăm quan danh thắng trong nước cũng như đi nước ngoài, trong khi đó khách quốc tế cũng sang Việt Nam ít hơn hẳn.
“Nếu bằng thời điểm này năm ngoái, tôi liên tiếp có tour đưa khách đi thăm Tràng An - Bái Đính, Ninh Bình, có khi xếp hàng vài giờ đồng hồ mới tới danh thắng, thì bây giờ, ở đó cũng vắng tanh, nhiều người đã đặt tour từ trước tết Nguyên đán cũng hủy hết”, anh Nhật Cường kể.
|
Thu nhập giảm đến 90-95%
Anh Đinh Khắc Tùng, 25 tuổi, trú Hà Nội, hướng dẫn viên du lịch tự do (freelancer), người thường xuyên dẫn đoàn khách quốc tế và trong nước tới các địa điểm du lịch trong nước cho biết, gần 20 ngày qua, từ Tết Nguyên đán tới nay anh “ngồi chơi không”.
“Là hướng dẫn viên du lịch chuyên về tiếng Anh, tôi thường nhận tour với khách từ Đức, Anh, Trung Quốc. Từ sát tết, trong tết và đầu năm đến nay tuyệt nhiên không còn khách Trung Quốc nào đặt tour do dịch corona. Các khách từ những nước khác cũng rất hạn chế đi du lịch. Trong khi đó, khách trong nước mình cũng đi một số địa điểm nổi tiếng, nhưng số lượng ít hơn hẳn. Trước đây, những ngày 27, 28 tết, ở bến tàu Cát Bà (Hải Phòng), khách Trung Quốc chật kín thì năm nay vắng tanh. Hay thời điểm này năm trước, các lễ hội như lễ Đền Trần (Nam Định) đông nghìn nghịt thì nay có mấy người Việt Nam đi đâu”, anh Tùng bộc bạch.
|
Không chỉ là hướng dẫn viên du lịch, anh Tùng cũng làm trong mảng tổ chức sự kiện cho các cơ quan, như hoạt động ngoại khóa kết hợp vui chơi, dã ngoại, team buiding… Song, do ảnh hưởng bởi dịch corona, nhiều sự kiện cũng bị hủy, hoãn, mọi người đều hạn chế tới nơi đông người. Do đó, hiện tại những hợp đồng sự kiện này cũng ít đi hơn rất nhiều. Anh Tùng cho biết, không chỉ riêng anh, mà nhiều đồng nghiệp cũng đang ngao ngán dịch corona. “Ảnh hưởng của dịch tới mọi mặt của ngành du lịch, thu nhập của cá nhân tôi giảm đến 90-95%”, anh Tùng nói.
Trong khi đó, chị N.T.T.L, 29 tuổi, trú Hà Nội, hướng dẫn viên du lịch tự do tham gia các tour đưa khách Việt Nam du lịch ở nước ngoài (outbound) và dẫn khách nước ngoài vào thăm Việt Nam (inbound). Là hướng dẫn viên du lịch dùng tiếng Anh, chị tiếp đón khách từ các nước như Anh, Mỹ, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Canada. Những ngày qua, khi dịch corona khiến ngành du lịch trầm lắng, đìu hiu thì những người làm hướng dẫn viên du lịch như chị cũng lao đao. “Khách Việt Nam đi ra nước ngoài du lịch cũng có nhưng ít hơn trước rất nhiều. Khách nước ngoài cũng có những đoàn qua Việt Nam, nhưng số lượng ít hơn. Tôi cũng vừa kết thúc giờ làm việc của mình với đoàn khách nước ngoài tới Việt Nam. Tôi vẫn có việc để làm, nhưng số lượng công việc giảm 50%, tức là thu nhập của mình cũng giảm đi một nửa”, chị N.T.T.L nói. “Trong khi đó, nếu như giờ này năm ngoái, tôi làm không thể hết việc. Tình trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch luôn xảy ra vì quá nhiều tour, khách đi du lịch quá đông, từ ngày mùng 1 tết mọi người đã lên đường. Thậm chí công ty lữ hành còn trả thù lao cao hơn thông thường để mong mời được hướng dẫn viên du lịch đi tour của họ”, nữ hướng dẫn viên trẻ hồi tưởng.
Không bi quan
Vì tình hình dịch corona, những ngày này, nếu có đi làm, chị N.T.T.L cho biết khi đón những khách quốc tế tới các địa điểm du lịch của Việt Nam, chị trao đổi thẳng thắn với họ về cách phòng ngừa dịch corona, nên mang theo khẩu trang, giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, chọn lọc những tin tức chính thống đọc để không hoang mang… Nhiều khách nước ngoài vẫn rất thoải mái, họ luôn tin tưởng vì Việt Nam chống dịch rất tốt.
|
Dù thu nhập bị giảm do tình hình chung khi ảnh hưởng bởi dịch corona, nhưng anh Nhật Cường hay chị L. đều không quá bi quan. Họ cho biết, đây là thời điểm du lịch im ắng, nhưng cũng sẽ hứa hẹn những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, du lịch sẽ khởi sắc trở lại, bởi theo chu kỳ, một thời gian dài khách không đi du lịch sẽ có xu hướng đi “bù” vào thời gian thuận lợi sau đó.
“Chúng tôi giờ chỉ biết cầu mong cho dịch corona sớm qua đi để mọi thứ trở lại bình thường. Chúng tôi coi thời gian này như là lúc mình được nghỉ phép nhiều hơn trong năm, được có thời gian ở bên gia đình nhiều hơn, được tập thể thao nhiều hơn, trau dồi một ngôn ngữ mới, như tôi sẽ học thêm tiếng Trung, còn đồng nghiệp có thể học tiếng Anh, tiếng Hàn. Chúng tôi sẽ đọc sách, tài liệu nhiều hơn bởi trong ngành nghề hướng dẫn viên du lịch thì những kiến thức cần học là vô biên”, chị N.T.T.L chia sẻ.
Trong khi đó, anh Đinh Khắc Tùng cũng cho rằng “sức khỏe là trên hết”, chỉ biết mong mọi khó khăn sẽ sớm quá đi. “Có những thời điểm mọi thứ rất khó khăn, và mình phải chấp nhận. Mong tất cả những bạn trẻ làm hướng dẫn viên du lịch sẽ giữ sức khỏe và chờ đợi tới ngày dịch corona qua đi và kinh tế khôi phục trở lại”.
Bình luận (0)